Trần Hữu Hiệp
15/12/2020 08:21 (GMT+7)
Kết quả này đã làm xảy ra cuộc tranh cãi sôi nổi giữa 2 luồng ý kiến: Nên và không nên, được và mất khi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chọn “Nàng hậu Việt” tiếp tục đi thi quốc tế để chỉ mang về ngôi vị “á hậu”, thay vì cử đại diện khác. Ngược lại, cũng có ý kiến, cần tôn trọng quyền tác giả, nên nhìn nhận World's Best Rice chỉ là danh hiệu trong một cuộc thi. Quan trọng hơn, việc xây dựng thương hiệu, xác lập uy tín, đẳng cấp cho các chủng loại gạo thương mại có ý nghĩa lâu dài.
Nhóm ý kiến phản đối cho rằng, khó ai đoạt vương miện hoa hậu 2 lần. Chúng ta tưởng đã tìm ra được giống lúa cho gạo ngon nhất thế giới, nhưng kết quả cuộc thi đã đẩy gạo ST25 xuống hạng là thua thiệt hoàn toàn có thể tránh khỏi, vì “nàng hậu” không cần phải đi thi. Giới truyền thông còn gay gắt hơn, cho rằng đây là thảm họa, làm cho mọi cố gắng “đổ sông, đổ bể”, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển thương hiệu và hoạt động kinh doanh, xuất khẩu gạo.
Xét về yếu tố kỹ thuật, cuộc thi gạo ngon thế giới năm nay thực hiện trên nền tảng trực tuyến, chứa đựng nhiều rủi ro, phụ thuộc nhiều vào năng lực truyền thông, quảng bá sản phẩm, trong khi các đơn vị của ta thiếu kinh nghiệm quốc tế, yếu kém kỹ năng marketing đã làm cho “hoa hậu gạo 2019” yếu thế, tụt xuống á hậu. Nhiều người cho rằng, Việt Nam phải mất 10 năm mới giành được vị trí gạo ngon nhất thế giới năm 2019. Vậy sau cuộc thi năm nay, bao nhiêu năm nữa có thể trở lại ngôi vị gạo ngon nhất thế giới.
Trong khi đó, ý kiến ủng hộ việc cử “hoa hậu gạo ST25” tiếp tục đi thi, cho rằng gạo ngon nhất Việt Nam năm 2020 mang dự thi quốc tế là đương nhiên và kết quả thứ nhì không phải là tệ, chứng tỏ đẳng cấp, chất lượng của ST25 từng đạt được trong các cuộc thi trong nước và quốc tế không phải “ăn may”. Ngoài ST25 còn có 2 mẫu gạo khác tham gia cuộc thi cùng đạt giải 3. Nếu nhìn sang Thái Lan, Campuchia, Mỹ và Myanmar họ cũng có cách làm tương tự.
Trong lịch sử cuộc thi, Hom Mali (Thái Lan) đã 6 lần đạt giải gạo ngon nhất thế giới qua 12 lần dự thi. Tương tự là gạo Phka Romdoul của Campuchia 4 lần, Mỹ 2 lần và Việt Nam, Myanmar mới chỉ đăng quang 1 lần.
Sản phẩm nông nghiệp phải luôn khẳng định tính ổn định của chất lượng, không phải ôm thành tích quá khứ. Vì thế, thể lệ cuộc thi gạo ngon cho phép gạo ngon đã đạt ngôi vị cao nhất các cuộc thi trước được tiếp tục dự thi. Về phía chủ sở hữu họ muốn khẳng định tính ổn định của chất lượng gạo, có sản phẩm đối chứng để biết được chất lượng của mình, để từ đó có kế hoạch chọn lọc lại, loại bỏ các nguồn gene, hoàn thiện nguồn giống nguyên chủng…
Các nhóm ý kiến dù ủng hộ hay phản đối “hoa hậu gạo đi thi” đều có lý lẽ. Nhưng điều quan trọng phải hài hòa, hướng đến hiệu quả cao nhất trên cơ sở tôn trọng quyền quyết định của chủ sở hữu thương hiệu, nâng cao năng lực truyền thông, quảng bá, tiếp thị. Không thần tượng kết quả cuộc thi gạo ngon dù ở quy mô quốc tế, nhưng phải thấy rõ hiệu ứng truyền thông tích cực hay tiêu cực nó mang lại để cân nhắc thiệt hơn khi tham gia, quyết định chọn sản phẩm dự thi nhằm mang lại lợi ích cao nhất.
Vì thế, cần tiếp tục thực thi nhiều cơ chế, chính sách giải pháp xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hoàn chỉnh. Đặc biệt, vấn đề truyền thông, quảng bá thương hiệu gạo cần được coi trọng. Danh hiệu gạo ngon nhất thế giới không phải không cần. Nhưng quan trọng hơn là giá trị nó mang lại cho chủ nhân, cho nông dân và rộng ra là lợi ích quốc gia, dân tộc, thay vì lại mang đương kim hoa hậu đi… thi hoa hậu!
https://www.saigondautu.com.vn/sao-lai-dem-hoa-hau-di-thi-hoa-hau-post78609.html
Nhận xét
Đăng nhận xét