Bài và ảnh: Nguyễn Văn Trí (TTXVN)
Ngày 18/11, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với báo Thanh Niên tổ chức hội thảo "Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, giải pháp từ cây lúa".
Sự kiện thu hút mối quan tâm của đại diện các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và lãnh đạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tham dự.
Tại hội thảo, các diễn giả đã thảo luận về giải pháp giúp nền nông nghiệp vùng phát triển hiệu quả hơn; chuyển đổi thế nào để phát huy lợi thế của cây lúa, thế mạnh hàng đầu của Đồng bằng sông Cửu Long; làm gì để các sản vật của địa phương có sự bứt phá và mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho bà con nông dân; giải pháp thu hút vốn đầu tư...
Các chuyên gia cũng phân tích, hiến kế, đề xuất tại hội thảo các mô hình kinh tế cá nhân, tập thể hiệu quả và lắng nghe các doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực giao thông, công nghệ... đóng góp giải pháp để nông nghiệp của “vựa nông sản” đạt hiệu quả hơn, gia tăng thu nhập của người nông dân trong việc trồng lúa.
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, Đại học Nam Cần Thơ, trong thời kỳ “an ninh lương thực”, Đảng và Nhà nước đã chủ trương đầu tư khoa học, xây dựng hạ tầng thủy lợi và đạt được nhiều kết quả mỹ mãn. Sản lượng lúa đảm bảo nhu cầu trong nước và thặng dư cho thị trường thế giới.
Song song đó, là sự phát triển của những vườn cây ăn trái hiện đại, các vùng lúa tôm ven biển giúp nông dân sản xuất có lợi nhuận lớn hơn, tạo điều kiện khuyến khích cho nông dân tham gia các hợp tác xã kiểu mới trên cánh đồng lớn mà họ liên kết với các doanh nghiệp giỏi, giúp bao tiêu đầu ra cho sản phẩm và chế biến thành những sản phẩm có thương hiệu mạnh.
Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Trần Thị Hòa tham luận tại Hội thảo. |
Bà Trần Thị Hòa, Cục phó Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Đề án sản xuất bền vững đạt 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã giúp nâng cao giá trị, thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu. Với mục tiêu, nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh lúa gạo, đảm bảo lợi ích bình đẳng và tương xứng cho các tác nhân tham gia ngành lúa gạo; bảo đảm an ninh lương thực và gạo chất lượng cao phục vụ tiêu dùng trong nước; xuất khẩu gạo có tính cạnh tranh trên thị trường thế giới và có giá trị gia tăng cao; đảm bảo phát triển bền vững đối với môi trường, bảo vệ tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đề án tập trung các nội dung chính là: đánh giá hiện trạng sản xuất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với vai trò, kết quả sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo của vùng; kết quả và hiệu quả chuyển đổi các mô hình sản xuất trên đất trồng lúa theo vùng sinh thái nguồn nước và hiệu quả kinh tế chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo vùng.
Các nội dung thực hiện đóng góp một phần cùng với nông dân, doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long nâng cao vị thế ngành hàng lúa gạo để trở thành ngành hàng kinh tế năng động, hiệu quả, đem lại lợi ích cho người sản xuất và tiêu dùng trong nước; đảm bảo tính cạnh tranh cao trong xuất khẩu và có nhiều thương hiệu gạo mạnh trên thế giới, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, đối với Đồng Tháp, cây lúa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cùng với xoài, cá tra, sen, hoa kiểng, lúa gạo là một trong 5 ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Nông nghiệp cũng là ngành hàng có bề dày, giữ vai trò trọng yếu trong cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, trong tham gia thực hiện nhiệm vụ an ninh lương thực quốc gia. Để nâng cao giá trị cây lúa, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến như "1 phải - 5 giảm", "3 giảm - 3 tăng", ứng dụng cơ giới hoá toàn diện, nông nghiệp thông minh và chuyển đổi số, giảm phát thải khí nhà kính, canh tác theo hướng hữu cơ, các mô hình xen canh, hợp canh (lúa - cá;)…, các mô hình sản xuất cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh số hóa trong một số mô hình đã được triển khai, để nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản xuất đã giúp tăng thêm thu nhập trung bình cho người nông dân trồng lúa từ 5,3 - 7,7 triệu đồng/ha.
Giá trị ngành hàng chế biến lúa gạo liên tục tăng trưởng với nhiều sản phẩm đa dạng, nâng cao giá trị cây lúa, hạt gạo, góp phần mở ra nhiều chuỗi giá trị mới giúp người nông dân có thu nhập cao. Quy trình từ khâu chọn giống - trồng - chăm sóc- thu hoạch - chế biến... đều có sự đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại, để người nông dân trồng lúa có thêm thu nhập, mở rộng được thị trường và thúc đẩy doanh thu tăng trưởng.
Tỉnh Đồng Tháp cũng đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp nâng cao lợi nhuận thu được trên một đơn vị diện tích sử dụng đất so với trồng lúa từ 30 triệu đến trên 550 triệu đồng/ha; chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản, giúp nông dân có lợi nhuận cao hơn so với hộ dân chỉ trồng lúa. Hiệu quả thu nhập bình quân từ 35 triệu đến 50 triệu đồng/ha/năm.
Tiến sĩ, Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia kinh tế, Trường Đại học FPT Cần Thơ và nhiều chuyên gia, lãnh đạo các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang… cho rằng phát triển cây lúa cần phải gắn vai trò của người nông dân vào trong chuỗi giá trị. Phát triển cây lúa của Đồng bằng sông Cửu Long không có nghĩa chỉ có cây lúa, mà nó phải kết hợp với các loại cây - con khác. Muốn nâng cao thu nhập cho nông dân không thể tách rời nông dân thành một chuỗi độc lập mà phải gắn nông dân vào chiến lược chung, vào chuỗi giá trị lúa gạo. Cùng với đó là ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất; chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Làm thế nào thu hút đầu tư vào vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long; ứng dụng công nghệ để hỗ trợ tiêu thụ nông sản; tổ chức lại diện tích đất lúa theo hướng tập trung vào chất lượng, thay vì sản lượng…
https://baotintuc.vn/tay-bac-tay-nguyen-tay-nam-bo/phat-trien-dong-bang-song-cuu-long-tu-cay-lua-20221118181339166.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét