Trần Hữu Hiệp
Báo Tuổi Trẻ - 23/09/2023
10:26 GMT+7
Xuất khẩu trái cây tám tháng đầu năm 2023 đạt hơn 3,4 tỉ USD, tăng 57,5% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sầu riêng là điểm sáng nhất trong bức tranh xuất khẩu nông sản cả nước. Loại trái cây vua này sau nhiều bận khóc cười bây giờ đang lên ngôi, mang lại lợi nhuận hấp dẫn, tạo ra sức hút mạnh mẽ với nhiều nhà vườn và thương nhân.
Tròn
một năm sau sự kiện lô hàng sầu riêng đầu
tiên xuất khẩu chính ngạch chiếm gần 34,8% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả.
Ước đến cuối năm, trái sầu riêng sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 tỉ USD,
tăng hơn 3,5 lần so năm trước.
Bốn lợi thế của trái sầu riêng Việt thách thức vị trí hàng đầu thế giới mà người Thái chiếm giữ nhiều năm qua. Đó là lợi thế gần Trung Quốc - thị trường tiêu dùng sầu riêng lớn nhất thế giới với khoảng 4,2 tỉ USD/năm. Thương nhân Việt chỉ cần 1,5 - 2 ngày là có thể đưa trái sầu riêng tươi ngon đến người tiêu dùng Trung Quốc. Người dùng ở đây cũng thích sầu riêng chín mềm theo gu của người Việt, trong khi dân Thái quen dùng sầu riêng cứng. Lợi thế thu hoạch sầu riêng rải vụ 9 - 10 tháng/năm và diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tăng nhanh trong năm qua đã tiếp sức mạnh mẽ cho trái sầu riêng rộng cửa vào thị trường tỉ dân.
Ngoài Trung Quốc, trái sầu riêng Việt Nam cũng đang tỏa hương ở Mỹ, nơi có đông đảo người Việt và Hoa kiều yêu thích loại trái cây này. Đây cũng là thị trường xuất khẩu đứng đầu của nước ta và ngày càng triển vọng hơn khi quan hệ Việt - Mỹ được nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện. Trái sầu riêng cũng đang rộng đường đi vào thị trường đông dân nhất thế giới khi Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT đang hoàn tất thủ tục để xuất sang Ấn Độ.
Tuy
nhiên, hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc, bỏ hợp đồng, phá vỡ
chuỗi liên kết đang xảy ra ở các vùng trồng sầu riêng, nhất là ở Tây Nguyên và
ĐBSCL, rất đáng lo ngại, cùng với tình trạng nhiều cây trồng khác bị chặt bỏ
nhường chỗ cho cây sầu riêng.
Vụ vườn sầu riêng trên đất rừng gây sạt lở khủng khiếp ở đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) hay nhiều nơi xây kho bãi trái phép vì sầu riêng đang cho thấy sức nóng của nó có thể rơi vào điệp khúc sầu chung. Tính đến tháng 8-2023, cả nước mới có 422 mã số vùng trồng sầu riêng và 153 mã số cơ sở đóng gói đáp ứng đầy đủ yêu cầu để xuất khẩu. Diện tích trồng sầu riêng được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số vùng trồng cũng chiếm tỉ lệ rất thấp trong tổng diện tích, trong khi tình trạng hàng xuất khẩu có mã vùng trồng, cơ sở đóng gói vi phạm tăng.
Tiêu
chuẩn, chất lượng không chỉ dành cho xuất khẩu mà người tiêu dùng Việt cũng
đang cần một tiêu chuẩn quốc gia cho trái sầu riêng. Xu hướng tiêu dùng trái
cây nội địa, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối hiện nay cũng đang đòi hỏi chất
lượng trái cây ngày càng cao.
Muốn các tác nhân trong chuỗi giá trị sầu riêng liên kết tốt, phải đảm bảo tiêu chuẩn và chế tài nghiêm. Cần tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất thực chất từ vùng trồng - cơ sở đóng gói - cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật - doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.
Thách
thức cạnh tranh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân ngày càng cao; trách
nhiệm của cơ quan hoạch định cơ chế, chính sách, pháp luật, định ra quy chuẩn,
tiêu chuẩn chất lượng để đáp ứng yêu cầu thị trường ngày càng lớn.
Sự
đồng lòng xắn tay cùng tiếp cận tổng thể, sự phối hợp đa ngành và giải quyết
liên ngành để sầu riêng nói riêng và rau quả nói chung phát triển bền vững
trong tương lai là điều mà từ Bộ NN&PTNT đến các địa phương phải đặt ra một
cách quy củ, hướng đến bền vững để sầu riêng luôn cười, không còn là sầu chung.
https://tuoitre.vn/de-sau-rieng-luon-cuoi-20230923091137102.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét