Trần Hữu Hiệp
Báo Đại biểu Nhân dân - Thứ
Ba, 19/09/2023, 15:11
Nguồn
lực cho sự phát triển mà Quốc hội quyết là có hạn. Thông qua những trao đổi,
thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, mong Quốc hội sẽ đưa
ra quyết sách nhằm tạo ra nguồn lực mới, ưu tiên giải quyết các vấn đề mới
phát sinh mang tính đột phá cho phát triển.
Thách
thức từ không gian phát triển mới
Năm
2023, trước bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, một số nền kinh tế lớn
rơi vào suy thoái, kinh tế nước ta tuy duy trì ổn định, bảo đảm các cân đối
lớn, tăng thu hút đầu tư nước ngoài.
Tuy
nhiên, khó khăn, thách thức vẫn rất lớn! 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng
trưởng chỉ đạt 3,72%, tạo áp lực lớn lên các quý còn lại của năm 2023 (mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5%, do đó tăng
trưởng 6 tháng cuối năm cần đạt khoảng 9%). Xuất nhập khẩu
- động lực chính của tăng trưởng, 8 tháng qua, kim ngạch ước giảm
10%, nhập khẩu giảm 16,2%. Hoạt động của thị trường tài chính - tiền tệ, thị
trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn, tiềm ẩn
rủi ro…
Trên
bình diện chung, Việt Nam cùng với các quốc gia trên thế giới đang trong bước
chuyển lịch sử, từ không gian phát triển vật lý, địa - kinh tế sang thời
đại số; từ lao động cơ bắp, tăng hàm lượng tri thức sang nền tảng và sử dụng
động lực chủ yếu bằng trí tuệ và sáng tạo. Bước chuyển đó đòi hỏi các nền kinh
tế phải định vị mình, huy động và sử dụng các nguồn lực phát triển hiệu quả.
Trong
bối cảnh đó, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội thường niên lần thứ 3 của Quốc hội
- nơi tập hợp sáng kiến của giới học thuật, hoạch định chính sách quốc
gia, đang rất được mong đợi sẽ đề xuất được những chính sách, giải pháp đồng
bộ, vừa đáp ứng yêu cầu ngắn hạn trước mắt, vừa có định hướng chiến lược, giải
pháp căn cơ có lâu dài.
Cá
nhân tôi đặc biệt quan tâm tới Diễn đàn, bởi lẽ Diễn đàn tổ chức ngay trước Kỳ
họp thứ Năm của Quốc hội Khóa XV vào tháng 10 tới. Yêu cầu đặt ra là tăng
cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng giúp đất nước tận dụng
thời cơ, vượt qua thách thức, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy tăng trưởng,
phát triển bền vững.
Để ứng phó với vấn đề mới phát sinh sẽ có nhiều cách
tiếp cận, nhìn nhận khác nhau. Với vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước tối
cao, Quốc hội cần tập hợp trí tuệ, lắng nghe ý kiến của giới khoa học, đồng
thời cân nhắc nhiều mặt từ thực tiễn quản lý điều hành, bao gồm cả ý kiến của
các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hiệp hội.
Hai
điểm mấu chốt
Hai
điểm mấu chốt được kỳ vọng tại Diễn đàn lần này là 2 hội thảo chuyên đề “Tăng
cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó” và “Nâng cao
năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới”.
Nhìn
tổng thể trên bình diện chung của thế giới, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng
vững, tạo được thế và lực, dù chậm lại, nhưng vẫn giữ được đà tăng trưởng.
Phát triển nhìn chung là tích cực, đối mặt và đang thể hiện năng lực vượt
qua “các cơ gió ngược” của kinh tế thế giới, nhưng cũng đang gặp phải những
thách thức to lớn. Trong đó có những tình huống, nghịch lý mới xuất hiện hoặc
từ tác động tiêu cực tích lũy, liên hoàn cần nhận diện và chủ động ứng phó. Xu
hướng suy giảm động lực tăng trưởng kinh tế liên tục và kéo dài là
biểu hiện dễ nhận thấy. Trong khi nền kinh tế “khát vốn” thì “tiền vẫn ế”. Quốc
hội quyết sách tăng đầu tư công; Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm
lãi suất, tung ra các ưu đãi vốn vay, nới lỏng các điều kiện vay vốn, nhưng
doanh nghiệp vẫn khó vay, không thể vay và không dám vay tiền để đầu tư.
Nhìn
từ doanh nghiệp, rộng ra là nền kinh tế, các nghịch lý đang tồn tại phải chăng
là các điểm nghẽn cần “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh
nghiệp vượt khó” và “Nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong
bối cảnh mới”?
Thực tế cũng cho thấy, có sự lúng túng, nổi rõ trong
lĩnh vực điều hành về điện, xăng dầu, cung ứng hàng hóa thiết yếu như thuốc
chữa bệnh, vật tư y tế khan hiếm và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Sự
yếu kém trong chuẩn bị các dự án đầu tư để thực hiện Chương trình phục hồi và
phát triển kinh tế - xã hội của một số cơ quan, đơn vị, dẫn đến điều chỉnh danh
mục dự án đầu tư khi đã cân đối vốn.
Về mặt xã hội, đại bộ phận người dân vẫn còn gặp khó
khăn do tác động của dịch bệnh khiến họ mất sinh kế, gần đây là ảnh hưởng của
lạm phát, giá cả leo thang. Điều này giống như người bệnh chưa kịp phục hồi lại
gặp cơn trái gió trở trời, khó càng thêm khó.
Vì vậy, qua các hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn,
các đại biểu cần nhận diện được tình hình, xác định đúng nguyên nhân bao gồm cả
chủ quan và khách quan để tìm ra giải pháp. Cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương,
xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan, bảo đảm
các chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phải được triển khai hiệu quả.
Công tác thực thi lâu nay vẫn thiếu phối hợp, thừa
chồng chéo. Các đại biểu cũng cần đề ra được giải pháp cho vấn đề này. Trong
đó, cần chú ý tới công tác giám sát thực hiện của Quốc hội, các cơ quan của
Quốc hội, của Nhân dân.
Đặc biệt, nguồn lực cho sự phát triển mà Quốc hội
quyết là có hạn. Diễn đàn phải thảo luận để trên cơ sở đó, Quốc hội sẽ đưa ra
quyết sách nhằm tạo ra nguồn lực mới, ưu tiên giải quyết các vấn đề mới
phát sinh mang tính đột phá cho phát triển. Kỳ vọng từ Diễn đàn những định
hướng rõ ràng cho tương lai và cam kết mạnh mẽ tạo động lực mới cho phát triển.
Cần cách tiếp cận mới, nhận thức lại và hành động quyết liệt hơn!
https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/trong-doi-quyet-sach-khoi-thong-nguon-luc-phat-trien-i343496/
Nhận xét
Đăng nhận xét