Trần Hữu Hiệp
SGGP - 17/06/2024 05:34
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa thay mặt Thủ tướng ký Quyết định số 389/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có nghề cá phát triển bền vững, hiện đại; số tàu cá tối đa khoảng 83.600 chiếc. Quy hoạch đặt ra yêu cầu chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thủy sản ở các thủy vực vùng nội địa, vùng biển; phân bổ lại không gian bảo tồn, bảo vệ, khai thác thủy sản phù hợp với tiềm năng nguồn lợi, bảo vệ môi trường. Trong những năm tới, cả nước sẽ có 27 khu bảo tồn biển được thành lập và hoạt động hiệu quả với tổng diện tích vùng biển được khoanh vùng bảo tồn khoảng 463.587ha.
Để triển khai thực hiện quy hoạch, hệ thống giải pháp đồng bộ được xác định, bao gồm: rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các cơ chế, chính sách đầu tư và khuyến khích, thu hút đầu tư hạ tầng bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, khoa học - công nghệ; tuyên truyền, nâng cao nhận thức; đào tạo, tăng cường năng lực và tăng cường hợp tác quốc tế.
Việt Nam là quốc gia ven biển có bờ biển dài hơn 3.200km và một ngư trường rộng lớn, giàu nguồn lợi thủy sản. Môi trường biển cùng hệ thống sông ngòi tạo ra hệ sinh thái đa dạng với những vùng nước mặn, ngọt, lợ thích hợp cho nhiều loài thủy sản có giá trị thương mại cao, là nguồn cung nguyên liệu quan trọng cho ngành công nghiệp chế biến thủy sản.
Nhiều loài thủy sản, hải sản của Việt Nam đã nổi tiếng và chiếm thị phần lớn trên thế giới, mang lại giá trị cao. Cá tra ở ĐBSCL với diện tích vùng nuôi chỉ hơn 5.000ha đã tạo ra kỳ tích đứng đầu thế giới, xuất khẩu đi hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm hơn 90% thị phần cá tra xuất khẩu toàn cầu.
Cùng cá tra, con tôm Việt cũng được xuất khẩu đến 100 thị trường, lấn sân ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Từ con tôm, nhiều địa phương đã hình thành cụm nhà máy chế biến thủy sản có công nghệ hiện đại và thị trường tiêu thụ tốt. Một số doanh nghiệp lớn tầm cỡ quốc gia, vươn tầm quốc tế, góp phần đưa Việt Nam vào tốp 3 quốc gia xuất khẩu, chiếm 15% thị phần xuất khẩu các sản phẩm tôm trên thế giới.
Tuy nhiên, thế giới tiêu dùng đang chuyển đổi theo các cấp độ cao hơn, từ ăn no sang ăn ngon, cần thực phẩm sạch, an toàn đến ẩm thực thanh cao, có trách nhiệm. Các công nghệ mã vạch, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, áp dụng “thẻ vàng” IUU của châu Âu về khai thác thủy sản có trách nhiệm, buộc nhà thương mại phải chứng minh nguồn gốc minh bạch của hải sản khai thác nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ mọi hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, mà ngành thủy sản Việt Nam đang dính thẻ vàng là hồi chuông cảnh báo phải chuyển đổi sang phương thức mới.
Ngư dân, người nuôi trồng, chế biến và doanh nghiệp thủy sản Việt buộc phải hành động thích ứng với sân chơi và luật chơi hội nhập ngày càng khắt khe hơn.
Những bài học cũ vẫn còn mới. Đó là tình trạng phát triển nóng vùng nuôi, mạnh ai nấy làm. Đó là tình trạng khai thác, đánh bắt thủy, hải sản thiếu minh bạch, nhẹ trách nhiệm hoặc theo kiểu tận diệt. Việc đầu tư, nâng cao năng lực đánh bắt, phát triển cơ sở hạ tầng, hậu cần nghề cá là cần thiết, nhưng vấn đề của ngành thủy sản hiện nay không chỉ ở chỗ có những đội tàu cá hùng mạnh, có bao nhiêu tàu vỏ sắt, được đầu tư trang thiết bị hiện đại để đánh bắt xa bờ.
Khi nguồn tài nguyên tự nhiên ngày càng khan hiếm và yêu cầu khai thác thủy sản khắt khe hơn, thì yếu tố quyết định cho phát triển bền vững chính là bước chuyển từ khai thác là chủ yếu sang chủ động nuôi trồng là căn bản.
Yêu cầu đó cần sự tiếp cận đa ngành, sự phối hợp liên ngành, chứ không chỉ có ngành thủy sản. Hơn cả giấc mơ trở thành một “công xưởng nuôi tôm thế giới”, khẳng định vị thế “thủ phủ cá tra toàn cầu”, ĐBSCL phải thật sự trở thành “trung tâm sinh thái nuôi thủy sản” phát triển bền vững, gắn với nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, dựa trên nền tảng hệ sinh thái kinh tế số và các xây dựng, bảo vệ các thương hiệu thủy sản vang danh toàn cầu.
Ngành thủy sản đang đứng trước cơ hội để tạo ra bước chuyển căn bản, nâng tầm từ đánh bắt sang đánh bắt có trách nhiệm và chủ động nuôi trồng, tạo ra giá trị mới, nâng cao sức cạnh tranh trên thương trường. Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản cần được tổ chức thực thi nghiêm túc, giám sát hiệu quả, thực sự tạo ra bước chuyển mới và không gian phát triển mới cho ngành thủy sản quốc gia.
https://www.sggp.org.vn/buoc-chuyen-tu-danh-bat-sang-bao-ve-va-nuoi-trong-thuy-san-post744905.html
Nhận xét
Đăng nhận xét