Trần Hữu Hiệp
(NLĐO) - Căn bệnh “sợ trách nhiệm” ngày càng phổ biến khiến người dân và doanh nghiệp lãnh đủ; cần “chẩn đoán, kê toa” và dùng thuốc đúng liều để ngăn chặn lây lan
Căn bệnh cán bộ "đổ bệnh sợ" thời gian qua gây bức xúc, nay lại trở thành đề tài thảo luận trên diễn đàn Quốc hội. Nhiều đại biểu đã đề cập tình trạng cán bộ xơ cứng, không dám làm, gây cản trở công việc chung.
Tham gia thảo luận tại Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cán bộ "có hiện tượng sợ trách nhiệm, né tránh là vì thể chế còn vướng mắc". Tuy nhiên, cũng không thể đổ hoàn toàn cho "thể chế" chưa thông. Thực tế là nhiều cán bộ "co thủ" trong vùng an toàn.
Cán bộ ta ai cũng thấm nhuần phương châm "phải gần dân, sâu sát với dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin" nhưng thực tế lại khác.
Không ít người có tư duy lãnh đạo, quản lý ôm đồm, thiếu phối hợp, thừa chồng chéo, chỉ đạo cứng nhắc, điều hành quan liêu.
Không ít cán bộ dự hội nghị chỉ đọc phát biểu chuẩn bị trước, nói lời sáo rỗng, chung chung theo mẫu.
Không ít cán bộ dè chừng, ít tận dụng mặt tích cực của mạng xã hội để gần dân, hiểu dân.
Một bộ phận cán bộ sợ sai cứ thủng thẳng làm theo lối mòn trong khi nhu cầu đòi hỏi phải giải quyết nhanh.
Có đại biểu chỉ ra 3 "biểu hiện lâm sàng" phổ biến của căn bệnh trên là cán bộ không nắm vững chuyên môn, không dám làm; sợ trách nhiệm cá nhân, chưa làm và không có lợi ích, không muốn làm.
Làm gì để trị bệnh một bộ phận cán bộ sợ sai, khắc phục yếu kém? Làm thế nào để khuyến khích cán bộ, đảng viên mạnh dạn đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ?
Kết luận 14/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung là điểm tựa, có ý nghĩa mở đường nhưng cần được cụ thể hóa ở từng vị trí việc làm để khắc phục tình trạng hiện nay.
Cần nhiều hơn nữa quy định rõ ràng, khuyến khích mạnh mẽ cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá; tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp thực tiễn.
Song, phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện; chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; xem xét, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Quan trọng không kém là cần xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của nhà nước.
Công việc liên quan con người sẽ khó khăn và phức tạp hơn nhiều lĩnh vực khác. Mấu chốt của công tác cán bộ là chọn người tài, trao niềm tin, tạo động lực làm việc. Với người đứng đầu, cần được cấp trên giám sát, tập thể soi và có thực quyền quyết định ê-kíp làm việc cũng như đánh giá cấp dưới. Họ không thể phụ thuộc tập thể dẫn đến tình trạng trách nhiệm chung chung, "trên bảo dưới không nghe" và "trên không nghe dưới phản ánh".
Công tác cán bộ là vấn đề hệ trọng của mọi tổ chức, là nguyên nhân của mọi thành bại. Công tác lãnh đạo, điều hành của một số cán bộ, người quản lý đang đứng trước nguy cơ bị "vo tròn" để an toàn.
Khi mà một bộ phận không nhỏ cán bộ đã "đổ bệnh sợ", cần "chẩn đoán, kê toa", áp dụng phác đồ điều trị và dùng thuốc đúng liều để tránh lây lan. Song song đó là giám sát; nâng cao năng lực cán bộ công chức, viên chức; kiểm soát quyền lực, kiềm chế lạm dụng quyền lực, góp phần phòng chống tham nhũng.
https://nld.com.vn/noi-thang-dan-kho-doanh-nghiep-lo-do-can-bo-khong-dam-lam-196240527061613825.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét