TIẾN SĨ, CHUYÊN GIA KINH TẾ TRẦN HỮU HIỆP: CẦN TIẾP TỤC BÁM SÁT 3 ĐIỂM SÁNG CỦA KỲ HỌP THỨ 5 TRONG XÂY DỰNG PHÁP LUẬT
Cổng thông tin điện tử Quốc hội - 13/07/2023
Phân tích về 3 điểm sáng nổi bật trong việc xem xét thảo luận, thông qua các dự án Luật, Nghị quyết được tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, Tiến sĩ, Chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp cho rằng, quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án Luật trong thời gian tới cần bám sát 3 điểm sáng này, lấy lợi ích chính đáng của người dân làm điểm tựa, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.
ĐBQH PHAN ĐỨC HIẾU: KỲ HỌP THỨ 5 GHI DẤU ẤN ĐỔI MỚI, TẠO TÁC ĐỘNG LAN TỎA
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Phóng viên: Một điểm nhấn của Kỳ họp thứ 5 này là số lượng Luật, Nghị quyết được đưa ra cho ý kiến, xem xét thông qua rất lớn. Ông có những ấn tượng nào với các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết được đưa ra tại Kỳ họp này?
Tiến sĩ, Chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp: Tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã xem xét kỹ lưỡng, biểu quyết thông qua 8 Luật, 17 Nghị quyết, cho ý kiến lần 2 đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án Luật khác. Trong đó, phải kể đến một số dự án luật có tác động quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội nước ta như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam…
Điểm nổi bật đầu tiên là tại các Luật được thông qua hay dự án Luật được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 đều thể hiện quan điểm tiếp cận thị trường, tôn trọng các quy luật của thị trường. Tôi cho rằng, đây là cách tiếp cận rất tốt.
Điểm sáng nổi bật thứ hai là gắn được với thực tiễn, những điểm đang vướng mắc, khó khăn đều được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội để cho ý kiến, đánh giá kỹ càng, thấu đáo. Ví dụ như, về đất đai thì những điểm nghẽn như tài chính đất đai, định giá đất, thu hồi, bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng … tức là những vấn đề từ thực tiễn đã được tổng kết, nhận diện và đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội để thảo luận, cho ý kiến.
Các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Điểm sáng thứ ba là yếu tố pháp quyền và tính kỹ trị được nêu cao từ những báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, đến các phát biểu của đại biểu Quốc hội về từng dự án Luật.
Tôi cho rằng, 3 điểm sáng, điểm mới trong việc xem xét thảo luận, thông qua các dự án Luật, Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 5 lần này rất đáng ghi nhận. Nhưng, điều quan trọng là việc hoàn chỉnh các dự án Luật này. Thời gian từ nay đến Kỳ họp thứ 6 cũng không có nhiều, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải nỗ lực rất lớn.
Quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án Luật phải kiên quyết bám sát 3 điểm mới, 3 điểm sáng nêu trên; lấy lợi ích chính đáng của người dân làm điểm tựa; nỗ lực để tạo được một khung pháp lý thúc đẩy phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Phóng viên: Ông có kỳ vọng gì vào quá trình triển khai thực thi các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5?
Tiến sĩ, Chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp: Có thể thấy, cùng với những nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, tại Kỳ họp này, Quốc hội đã kịp thời có nhiều quyết sách rất quan trọng để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, như: tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2023 để kích cầu, thúc đẩy thị trường nội địa; cho phép tiếp tục phân bổ nguồn vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Chương trình mục tiêu quốc gia cho các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương để kịp thời bổ sung thêm vốn cho nền kinh tế.
Đồng thời, Quốc hội cũng cho phép linh hoạt điều hòa vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công để đẩy nhanh phân bổ và giải ngân đầu tư công …
Tiến sĩ, Chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp
Quốc hội đã có những quyết đáp rất đúng và trúng, nhanh chóng đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Nhưng vấn đề đặt ra là phải khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, khắc phục tình trạng “quyết sách đúng - trúng - kịp thời, nhưng triển khai chậm - kém hiệu quả”.
Tôi cho rằng, khâu thực thi có vai trò quan trọng. Hiệu lực, hiệu quả của pháp luật đến từ khâu này. Do đó, tôi quan tâm đến công tác tổ chức thực thi, sự vận hành của cả bộ máy để rút ngắn được độ trễ khi đi vào thực thi của chính sách, pháp luật.
Độ trễ từ quyết định đến thực thi chính sách, pháp luật dài hay ngắn phụ thuộc vào khâu này. Và, nguồn lực được Quốc hội phân bổ cho hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi nền kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội, thông qua tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT)… được sử dụng hiệu quả hay không, sử dụng có lãng phí không phụ thuộc vào chuyện thực thi này.
Bên cạnh đó, thời gian tới, tôi cho rằng, cần xây dựng các tiêu chí để hình thành bộ khung tiêu chí, công cụ để thực thi giám sát. Giám sát phải có công cụ. Do đó, thời gian tới, cần xây dựng bộ tiêu chí giám sát rõ ràng cho từng lĩnh vực, như vậy mới tiến hành hiệu quả được.
Tôi đặc biệt nhấn mạnh đến đề nghị của Chủ tịch Quốc hội tại bài phát triển bế mạc Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần rà soát, đôn đốc việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay; phối hợp với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức Hội nghị toàn quốc để quán triệt và triển khai các Luật, Nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp này trong Quý III/2023.
Đồng thời, cần công khai, minh bạch để toàn dân giám sát vai trò, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, của người dân. Chúng ta biết rằng là “dân thì nghìn tay, nghìn mắt”, nên làm sao để phát huy người dân cùng giám sát ở tại cơ sở. Muốn được như vậy thì phải quan tâm đến cơ chế cung cấp thông tin như thế nào.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Nhận xét
Đăng nhận xét