Trần Hữu Hiệp
NLĐ - 14/07/2024 08:30
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa họp với lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL và các ngành liên quan xử lý các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm vùng ĐBSCL.
Các trục dọc, đường ngang, cầu vượt sông lớn, đường hành lang ven biển phía Đông, phía Tây và hàng trăm công trình giao thông của các địa phương cũng đang hòa nhịp. Chỉ riêng 8 dự án với tổng chiều dài 463 km, tổng mức đầu tư khoảng 94.500 tỉ đồng. Trong đó 4 dự án đường cao tốc tạo ra trục xương sống mới cho vùng: Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu và Mỹ An - Cao Lãnh với tổng chiều dài 355 km, tổng vốn đầu tư hơn 82.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, ĐBSCL cũng đang tỏa sức nóng trước những thách thức cấp vùng cần trợ lực của trung ương để tăng tốc. Khi hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được triển khai thì tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, cát, đất, đá đắp nền đường trở thành điểm nóng, làm chậm tiến độ thi công. Mặc dù đã áp dụng cơ chế mới nhưng công tác đền bù, giải tỏa vướng mắc, tiến độ giải phóng mặt bằng của một số địa phương còn chậm.
Người dân đang kỳ vọng Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành cùng các địa phương có công trình đi qua cần tập trung cao nhất xử lý vướng mắc, bất cập để thúc đẩy tiến độ các dự án. Chủ đầu tư, nhà thầu dồn sức cho thi công "3 ca, 4 kíp", tăng tốc để đạt và vượt tiến độ.
Bài học về các dự án giao thông trọng điểm chậm tiến độ vẫn còn nguyên giá trị. "Món nợ" phát triển giao thông đồng bằng vẫn cần được nhắc lại để nhiệm vụ nâng cấp hạ tầng cho miền Tây không dừng lại ở quyết tâm và hứa hẹn. Cần các nhóm giải pháp đột phá vượt điểm nghẽn.
Để tăng tốc các dự án giao thông trọng điểm, cần dựa trên cơ chế điều phối liên kết vùng về giao thông, ưu tiên các dự án liên tỉnh, liên kết nội vùng và liên vùng, đặc biệt với TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Song song đó, phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động thực chất của Hội đồng Điều phối vùng, bảo đảm để nguồn vốn không bị "rải mành mành" và chia cắt bởi ranh giới hành chính tỉnh, đồng thời có cơ chế kiểm soát để bảo đảm chất lượng và tính minh bạch.
Làm mới trên các công trình giao thông mới, đặc biệt là tuyến cao tốc trọng điểm quốc gia, đòi hỏi phải giải bài toán về vốn, phân kỳ đầu tư hợp lý và tuân thủ kỷ luật, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống quy hoạch của quốc gia, vùng và địa phương.
Về lâu dài, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải và dịch vụ logistics; khuyến khích đầu tư, ứng dụng công nghệ mới vào ngành, nhất là công nghệ thông tin, tự động hóa, số hóa, giao thông thông minh; xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành thúc đẩy chuyển đổi số.
Giao thông là mạch máu nền kinh tế và kỳ vọng những mạch máu này tạo ra một không gian mới cho sự phát triển đột phá vùng ĐBSCL.
https://nld.com.vn/tao-khong-gian-phat-trien-moi-cho-dbscl-196240713214324195.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét