HOÀNG VĂN MINH
Hội nghị Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL lần thứ 4 được tổ chức tại Cà Mau hồi đầu tháng 7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra những con số cảnh báo rất nghiêm trọng.
Rằng trong 30 năm qua, nhiều vùng ở ĐBSCL mực nước dưới đất hạ xuống hơn 5m, gây nên tình trạng sụt lún đất trung bình cho toàn khu vực, cao gấp 10 lần so với tốc độ nước biển dâng.
Bên cạnh đó, vùng ĐBSCL còn đối mặt với sạt lở bờ sông, bờ biển. Ước tính mỗi năm, vùng ĐBSCL mất từ 300 đến 500ha đất và hàng chục nghìn hộ dân có nguy cơ phải di dời khỏi vùng nguy hiểm do sạt lở.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng vùng ĐBSCL không chỉ “dễ tổn thương” trong biến đổi khí hậu mà hạ tầng còn yếu so với các vùng khác và có đặc điểm riêng, nên rất cần một cơ chế, chính sách riêng mang tính đặc thù để ứng phó và phát triển.
Với lý do ngoài yếu tố dân sinh, ĐBSCL có sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Khi là vùng sản xuất lương thực, trái cây và thủy sản lớn nhất Việt Nam...
Thật ra thì một cơ chế, chính sách riêng là điều mà hiện nay địa phương nào cũng muốn, cũng đã và đang xin cũng như có đầy đủ lý do hợp lý để chứng minh tầm quan trọng và sự cần thiết.
Tuy nhiên, với vùng ĐBSCL, thời điểm này có lẽ không cần phải có thêm cơ chế, chính sách riêng nào nữa bởi đã và đang có rất nhiều nhưng chưa tận dụng hết, tận dụng có hiệu quả.
Ví dụ: Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17.11.2017 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, đã đề cập khá toàn diện các vấn đề mang tính chiến lược, căn bản, lâu dài đối với phát triển vùng ĐBSCL.
Nghị Quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Quyết định số 287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quyết định số 593/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020.
Trong số các Nghị quyết, quyết định vừa kể thì đáng chú ý nhất là Quyết định 593/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với rất nhiều nội dung có tính đột phá, dù đã hết thời hạn đến 4 năm.
Tuy nhiên theo khẳng định của TS Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, nguyên Ủy viên Chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ là “không hiểu sao đến giờ vẫn chưa thấy có tổng kết về việc thành công hay thất bại và lý do là gì”.
TS Hiệp còn nhận định thêm là "tất cả những cái đã có, các tỉnh vùng ĐBSCL hiện đều chưa làm tốt, trong đó khâu chưa tốt nhất là tính liên kết giữa các địa phương, dẫn đến mạnh ai nấy làm".
Vậy nên điều mà lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL cần nhất bây giờ là tăng cường liên kết thực chất; tận dụng, làm thật tốt, làm có tổng kết những chính sách đang có để ứng phó với các nguy cơ sụt lún, hạn mặn, nước biển dâng… Và không cần phải xin thêm cơ chế, chính sách đặc thù nào nữa!
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/dong-bang-song-cuu-long-da-co-qua-nhieu-co-che-dac-thu-khong-can-xin-them-1361710.ldo
Nhận xét
Đăng nhận xét