Trần Hữu Hiệp
NLĐO - 15/07/2024 08:51
(NLĐO) - Mức độ thiệt hại của trận ngập lịch sử trên đảo Phú Quốc rồi sẽ được thống kê, nhưng "tài sản vô hình" mất đi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh một điểm đến hấp dẫn thì khó đo đếm được.
Mấy ngày qua, "thiên đường du lịch" Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) chìm trong biển nước do nhiều trận mưa to kéo dài cả ngày lẫn đêm. Mọi sinh hoạt của người dân nơi đây bị đảo lộn, nhiều du khách bị mắc kẹt trên đảo. Chính quyền, lực lượng chức năng thành phố đảo đã dốc toàn lực giúp người dân và du khách vượt qua khó khăn.
Năm năm trước, tôi từng viết bài "Đảo ngọc thành... đảo ngập" đăng trên Báo Người Lao Động. Tiếc là tình trạng này vẫn xảy ra cục bộ hằng năm và nay trở thành trận ngập lịch sử. Tình trạng ngập sâu ở nhiều khu vực trên đảo một phần do ảnh hưởng bởi mưa bão kéo dài nhiều ngày, song cần nghiêm túc nhận diện nguyên nhân chính để có giải pháp khắc phục.
Nhìn lại những năm qua, Phú Quốc luôn là một đại công trường xây dựng, thu hút rất nhiều dự án đầu tư tầm cỡ. Lượng du khách tăng. Kết quả 20 năm triển khai thực hiện đề án phát triển đảo Phú Quốc đã tạo ra một thành phố đảo năng động, một trung tâm du lịch chất lượng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, sức hút mãnh liệt của "đảo ngọc" cũng đang tạo ra nhiều hệ lụy. Hoạt động kinh tế với cường độ cao đã và đang phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, làm mất dần các "túi chứa nước" tự nhiên bao đời nay trên đảo. Không gian trữ nước vốn là đất rừng, sông, suối tự nhiên đã dần biến mất, nhường chỗ cho "đất vàng" các khu đô thị, dân cư, các dự án du lịch hoành tráng từ hấp lực của các cơn sốt đất. Nhiều nhà cửa, công trình lớn được xây dựng đã thu hẹp ao hồ, sông suối, hệ thống thoát nước bị lấn chiếm, cướp mất không gian của nước... Từ đó, ngập lụt là điều không tránh khỏi.
TP Phú Quốc phát triển "nóng" trong khi lực lượng cán bộ mỏng, gây quá tải cho công tác quản lý đô thị, nông thôn, an ninh trật tự ở địa phương. Dư luận ghi nhận những nỗ lực của chính quyền thành phố đảo trong việc lập lại trật tự xây dựng, nhưng còn nhiều "lời hứa" trước dân đến nay chưa thực hiện được. Đó là việc xây dựng hệ thống xử lý rác, cấp nước và thoát nước bảo đảm nhu cầu phát triển của một thành phố du lịch.
Mức độ thiệt hại của trận ngập lịch sử trên đảo Phú Quốc rồi sẽ được thống kê, nhưng "tài sản vô hình" mất đi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh một điểm đến hấp dẫn thì khó đo đếm được.
Bao giờ "đảo ngọc" thôi thôi hết ngập? Lời đáp cho câu hỏi này không chỉ là lời hứa, cam kết mà chính là kết quả của tư duy, quyết tâm và hành động có trách nhiệm của con người với hòn đảo trong tương lai.
Để tránh "đảo ngọc" thành... "đảo ngập", cần khu biệt hóa không gian trên đảo. Ngoài vùng lõi phải triệt để chống ngập bằng các giải pháp công trình, kiểm soát nghiêm trật tự xây dựng, còn cần giữ cho được vùng đệm và các "túi chứa nước tự nhiên". Đó chính là diện tích đất rừng, sông, suối để tạo không gian giữ nước và thoát nước cũng như mặt tiền bãi biển công cộng, không để các dự án đầu tư "bê-tông hóa" thành đê chắn đường thoát nước ra biển.
Chính quyền cần tổng rà soát và cương quyết hơn nữa trong việc xử lý các sai phạm về đất đai, xây dựng, bảo đảm các dự án đầu tư không tái diễn tình trạng chiếm đất mặt tiền bãi biển công cộng của người dân thành của riêng; những công trình, dự án đầu tư bát nháo cần được mạnh tay xóa bỏ. Cần xây dựng bản đồ ngập nước khu vực đô thị để làm cơ sở quản lý đầu tư xây dựng theo các cấp độ cảnh báo, quản lý theo không gian, quy chuẩn và nghiêm ngặt.
Việc chống ngập ở "đảo ngọc" Phú Quốc không thể phó thác và đổ thừa cho… ông trời. Nhiều tiền để có nhiều công trình lớn không quan trọng bằng năng lực tổ chức, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công trình hiệu quả kết hợp với các giải pháp phi công trình.
https://nld.com.vn/dung-de-dao-ngoc-thanh-dao-ngap-196240715075351248.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét