Chí Nhân
Báo Thanh Niên - 01/06/2024 06:17 GMT+7
Việc một số doanh nghiệp "đại hạ giá" gạo khi bán cho đối tác nước ngoài được nhận định đang ảnh hưởng đến thị trường chung, nhưng chặn bằng cách nào thì không đơn giản.
Sau "đại hạ giá", gạo Việt liên tục giảm
Tính đến ngày 31.5, theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA) giá gạo 5% tấm của VN tiếp tục giảm thêm 4 USD xuống mức 574 USD/tấn. Nếu tính từ ngày 20.5, thời điểm trước ngày Indonesia công bố kết quả thầu tháng 5 mà 2 doanh nghiệp (DN) VN đã bỏ thầu với mức giá rất thấp thì gạo giảm tổng cộng 13 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan vẫn ổn định mốc 649 USD/tấn kể từ ngày 15.5 đến nay.
Việc sụt giảm của gạo Việt, vốn luôn ở vị trí dẫn đầu về giá suốt thời gian có thể đã bị tác động một phần từ việc đại hạ giá đang gây xôn xao dư luận hiện nay. Thực tế, từ hơn 10 năm trước, để tránh tình trạng phá giá cũng như cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN, hoạt động xuất khẩu của VN có áp dụng cơ chế hợp đồng tập trung và giá sàn thông qua đầu mối là VFA. Tuy nhiên, theo xu thế, cơ chế này dần được thay đổi bằng cơ chế thị trường. Theo đó, các DN được tự do ký hợp đồng cũng như tham gia thầu quốc tế theo các yêu cầu và điều kiện đối tác đưa ra. Cụ thể như trường hợp thầu Indonesia, DN chỉ cần chứng minh năng lực qua hồ sơ dự thầu và đóng phí ký quỹ là có thể tham thầu. Việc chào mức giá nào và thương lượng báo bao nhiêu hoàn toàn là quyền tự do của DN dựa trên bài toán kinh tế riêng.
Đại diện một DN khẳng định việc một số DN bỏ thầu giá thấp bất thường kéo thị trường chung đi xuống là thực tế đang diễn ra.
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP.Cần Thơ), xác nhận: Việc DN trong nước cạnh tranh nhau thiếu lành mạnh khiến giá gạo VN đang đi xuống. Không chỉ gạo trắng 5% tấm mà các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao của VN cũng ép giá. "Quyền của DN có thể được đảm bảo nhưng lợi ích chung của cả ngành thì đang bị ảnh hưởng", vị này nói thẳng.
Đồng quan điểm, một thành viên Ban chấp hành khác của VFA khẳng định: Nếu không có việc bán gạo giá rẻ cho Indonesia vừa qua có thể giá gạo bình quân của VN vẫn được giữ ở mức 600 USD/tấn. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới vẫn tăng đặc biệt là các thị trường truyền thống như Philippines và Indonesia. Trong những đợt mở thầu trước đó của Indonesia, nhiều DN VN tham gia cũng bỏ thầu với giá thấp hơn DN các nước khác. Vấn đề này cũng đã được đưa ra thảo luận tại hội nghị đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023 vào ngày 26.4 vừa qua tại TP.Cần Thơ với sự tham dự của cả Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT. Tuy nhiên, việc vẫn có DN tiếp tục dự thầu với giá thấp như vừa rồi là điều bất ngờ.
Cần có giải pháp giữ tiền lại cho người VN
Tại hội nghị trên, một giải pháp được nhắc đến để "chấn chỉnh" hành vi bán gạo giá thấp là áp dụng cơ chế giá sàn xuất khẩu.
Giải pháp này nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Những người phản đối cho rằng nó đã lỗi thời và ngành gạo VN đang hướng đến cơ chế thị trường hoàn toàn - cần được tôn trọng, không nên quay lại cơ chế giá sàn. Bởi nếu có áp dụng thì DN cũng tìm đường "lách".
Liên quan vấn đề này, ông Bình phân tích: Mỗi năm chúng ta xuất khẩu 6 - 8 triệu tấn gạo, nếu DN cứ cạnh tranh không lành mạnh kiểu này thì người Việt sẽ mất rất nhiều tiền. "Chúng ta phải tìm cách nào hiệu quả để giữ lại tiền cho người VN. Dù cơ chế giá sàn xuất khẩu không phải là tối ưu, nhưng nếu cần cũng nên áp dụng trước khi tìm ra một giải pháp tốt hơn. Nếu sang Malaysia, là nước theo cơ chế thị trường, nhưng việc nhập khẩu và phân phối gạo cũng chỉ có một đầu mối. Chúng ta cần lưu ý, gạo là ngành kinh doanh có điều kiện vì nó gắn với an ninh lương thực", ông Bình nhấn mạnh.
Một lãnh đạo VFA thông tin: Sau khi nhận được văn bản của Bộ Công thương yêu cầu xác minh việc "DN bỏ thầu giá thấp", Hiệp hội cũng đã triển khai xuống cho các hội viên và dự kiến đầu tuần sau sẽ có cuộc họp để tiếp tục làm rõ vấn đề này cũng như tìm giải pháp tốt nhất. Đối với ý kiến áp dụng giá sàn, vị này cho rằng không khó nhưng làm sao đạt hiệu quả mà không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu thì cũng không hề đơn giản. Cụ thể, như việc xác định mức giá sàn như thế nào là hợp lý và phải linh hoạt theo từng mùa vụ, giai đoạn cụ thể của điều kiện thời tiết, giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào cũng như xu hướng thị trường nhập khẩu. Nếu cơ chế giá sàn không linh hoạt và hợp lý sẽ không phát huy hiệu quả của hoạt động xuất khẩu. Quan trọng là cần có người đưa ra mức giá sàn và giám sát việc thực hiện nó.
"Cạnh tranh thiếu lành mạnh gần như là căn bệnh mạn tính không chỉ trong ngành lúa gạo mà cả trong cộng đồng DN VN. Tuy nhiên qua đợt này, tôi đánh giá cao vai trò của các cơ quan báo chí đã phản ánh kịp thời, minh bạch thông tin giá dự thầu, giá trúng thầu của tất cả các DN tham gia", vị này thẳng thắn.
TS Trần Hữu Hiệp, Trường ĐH FPT Cần Thơ, bày tỏ quan điểm: Tôi tôn trọng yếu tố thị trường xác lập giá cả hàng hóa. Tuy nhiên nếu thả nổi cũng nảy sinh nhiều vấn đề không tích cực như vừa qua, cần can thiệp một cách phù hợp bằng các cơ chế như: luật giá, luật cạnh tranh và vai trò của hiệp hội. Thế giới có 2 mô hình để tham khảo. Đó là Mỹ với luật thuế chống bán phá giá. Thứ 2 là trong ngành gạo chúng ta có thể tham khảo mô hình hoạt động của Thái Lan, vì sao họ vẫn cạnh tranh với nhau nhưng không phương hại lợi ích chung. Sắp tới cần hoàn thiện hệ thống pháp luật cạnh tranh, giá, thực thi tốt hơn và nâng cao vai trò 2 hiệp hội VFA và Hiệp hội ngành hàng lúa gạo VN (VIETRISA).
Từ vụ việc này, VFA sẽ theo dõi tích cực các hoạt động thương mại không chỉ của hội viên mà tất cả các DN trong ngành, công khai những thông tin giao dịch trên trang web của mình để công luận có thể giám sát.
Đại diện VFA
Nhận xét
Đăng nhận xét