Phóng viên - 12/01/2021 | 10:14 (GTM + 7)
Thời gian qua, “kinh tế đêm” đã trở thành một trong những mục tiêu quan trọng, mang đến cơ hội mới cho sự tăng trưởng kinh tế lẫn xã hội các địa phương. Tại ĐBSCL, các tỉnh thành dần xác lập định hướng rõ ràng hơn, thúc đẩy du lịch phát triển, nâng cao đờ
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Những khu phố đêm với hàng ngàn quán ăn, cửa hàng mua sắm, dịch vụ giải trí, hoạt động nghệ thuật sôi động ngay khi mặt trời lặn đã làm cho những thành phố không ngủ như London của Anh, Madrid của Tây Ban Nha hay Seoul từ Hàn Quốc…trở thành địa điểm vui chơi giải trí, thu hút hàng trăm triệu du khách mỗi năm, đồng thời mang lại nguồn thu khổng lồ cho nền kinh tế tại địa phương.
Theo một nghiên cứu của Ernst & Young, ngành công nghiệp về đêm đóng góp khoảng 6% GDP với quy mô xấp xỉ 66 tỷ Bảng, tạo ra hơn 1,25 triệu việc làm cho người Anh và ước tính đạt quy mô 400 tỷ Yen tại Nhật Bản vào năm 2020.
Trước xu hướng đầy tiềm năng được cân nhắc đầu tư phát triển, các tỉnh thành ĐBSCL như Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang… đã sẵn sàng bước vào "đường đua" này bằng việc động thổ khởi công các khu kinh tế đêm, mong muốn tạo ra các thiên đường giải trí đêm đầy thú vị, được tích hợp nhiều công năng… mang đến cho du khách những trải nghiệm chưa từng có ngay tại Tây Nam Bộ. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết:
"An Giang xác định, kinh tế trọng điểm vẫn là nông nghiệp; thứ hai nữa là du lịch cũng được xác định là ngành kinh tế trọng điểm ở những giai đoạn tiếp theo. Nhận diện được thế mạnh này, nên An Giang vừa phát triển nông nghiệp bền vững, vừa xây dựng những sản phẩm đặc thù để thu hút khách du lịch đến với An Giang".
Ông Phạm Văn Nghiệp, phó chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc, cho hay từ khi casino Phú Quốc khai trương đến nay, địa phương chưa phát hiện và ghi nhận tình hình phức tạp liên quan đến an ninh trật tự. Tới đây, thành phố đã tính tới phương án hình thành phố đi bộ kết hợp chợ đêm ở khu vực xã Gành Dầu, nơi có casino tọa lạc. Từ đó, có thể kết nối hoạt động chợ đêm với khách vào chơi casino để hình thành sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn.
Không thể không kể đến Cần Thơ – một thành phố đóng vai trò là hạt nhân, cửa ngõ giao thương và động lực phát triển quan trọng của cả vùng ĐBSCL. Các chuyên gia đánh giá, Cần Thơ sẵn có nhiều lợi thế, điều kiện để thúc đẩy phát triển nền kinh tế về đêm. Theo ghi nhận, địa phương này cũng đang đầu tư phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông vốn là yếu tố nền tảng để hướng đến mục tiêu này.
Thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã hình thành một số khu phố/tuyến đường ẩm thực, cơ bản đáp ứng nhu cầu ăn uống kết hợp giải trí của người dân địa phương và khách du lịch. Đó là chưa kể các sự kiện, Lễ hội đặc biệt được trình làng mà gần đây nhất là Lễ hội Ánh sáng “Đêm Tây Đô huyền ảo” lần đầu tiên được tổ chức với các hoạt động đặc sắc kèm theo.
Với định hướng rõ ràng, Cần Thơ đang phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và địa phương cũng xác định sẽ trở thành trung tâm du lịch, điều phối khách cho toàn vùng ĐBSCL, là một trong những trung tâm phát triển du lịch của cả nước. Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhận định:
"Cung cấp thông tin một cách nhanh chóng, sinh động đối với khách du lịch, tôi nghĩ rằng những tháng cuối năm và trong thời gian tới thì khách du lịch đến Cần Thơ sẽ tăng hơn, với những phương tiện thuận tiện như thế này sẽ quan tâm đến Cần Thơ nhiều hơn".
Chia sẻ về vấn đề phát triển kinh tế đêm tại vùng đất Tây Đô, đã có nhiều ý kiến được đưa ra. Nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ Nhâm Hùng đề xuất trong bảo tồn văn hóa chợ nổi, cần nghiên cứu, có cách tái hiện tiếng rao hàng, lối hò đối đáp trên sông, đờn ca tài tử trên ghe thương hồ.
Việc tái hiện phải đúng với chất gốc chợ xưa, hòa trong bối cảnh chợ nổi ngày nay và mạnh dạn thử nghiệm mô hình du lịch đường sông Cần Thơ, gắn với chợ nổi Cái Răng về đêm, như một cách làm kinh tế đêm trên sông nước.
Còn ông Trần Hữu Hiệp – Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL khẳng định kinh tế đêm tại ĐBSCL thì không mới, tuy nhiên vẫn có những hạn chế cần khắc phục mới có thể phát triển hết dư địa, đạt mục tiêu đề ra:
"Theo nghiên cứu thì hoạt động kinh tế ban đêm ở ĐBSCL đã có từ lâu đời, với những hoạt động của thương hồ, của chợ nổi mua bán trên sông, với đặc thù trao đổi mua bán các mặt hàng nông sản.
Gần đây, các doanh nghiệp và các địa phương cũng quan tâm đầu tư những phố đi bộ, phố đêm, nâng cấp từ những hoạt động mua bán truyền thống lên mức cao hơn thích hợp với du lịch, xem như là 1 trong những điểm đến để du khách có thể ăn uống, vui chơi và sẵn sàng tiêu tiền cho những hoạt động đó.
Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận rằng với yêu cầu hiện tại thì mặc dù đã có những nền tảng từ truyền thống sinh hoạt tập quán của người dân đồng bằng nhưng so với yêu cầu mới thì cũng có những điểm hạn chế".
Ở góc độ riêng, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Lê Đạt Chí cho rằng, để khai thác hiệu quả kinh tế về đêm, nhất là ở các tuyến phố đi bộ được quy hoạch thì phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng của thành phố và chính quyền địa phương để quản lý, khai thác. Đồng thời, cũng cần chính sách riêng cho kinh tế về đêm:
"Phát triển kinh tế về đêm không chỉ có Sở Giao thông, vận tải mà phải có sự phối hợp với các ngành khác như ngành khác như du lịch, văn hóa, thương mại…Họ phải bắt tay có chính sách cho người bán hàng được lợi gì khi bán hàng ở đây? Tại đây phải có nhiều sản phẩm, dịch vụ cho du khách".
Rõ ràng, ảnh hưởng của dịch COVID-19 rất nghiêm trọng tới nhiều nền kinh tế. Do đó, việc kích hoạt thêm các hoạt động kinh tế đêm, chuẩn bị nguồn lực khi mọi hoạt động quay lại bình thường sẽ giúp nhiều địa phương tại ĐBSCL có thêm dư địa để phát triển, nhất là mảng du lịch, dịch vụ.
Thế nhưng tại các tỉnh thành ĐBSCL, nhất là Cần Thơ – thành phố quá nhiều lợi thế nhằm phát triển kinh tế ban đêm, vẫn chỉ dùng lại ở một vài khu chợ đêm đơn thuần.
Làm gì để Tây Đô tạo điểm nhấn về mặt kiến trúc, lẫn sản phẩm – dịch vụ đậm đà bản sắc riêng, gây ấn tượng khó quên cho du khách? Mời quý thính giả cùng lắng nghe bài bình luận với nhan đề: “Thắp sáng ngành kinh tế đêm tại Cần Thơ: Cần chiến lược bài bản"
Kinh tế đêm đã được tổ chức thí điểm, từ đó hình thành một số điểm, khu du lịch hấp dẫn có “thương hiệu” ở các thành phố lớn như Tạ Hiện của Hà Nội), Bùi Viện của TP.HCM….tới đây, sẽ tiếp tục phát triển thêm các thành phố lớn, có đông khách du lịch khác như Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên Huế, Đà Lạt, Cần Thơ...
Điều này mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho Cần Thơ – trái tim của ĐBSCL.
Qua khảo sát, doanh thu sản phẩm dịch vụ du lịch vào ban ngày chỉ chiếm 30%, 70% còn lại nằm ở khung giờ đêm. Vì thế, việc thiếu các điểm vui chơi giải trí về đêm không chỉ khiến chúng ta không thu được tiền từ du khách quốc tế mà còn khiến một lượng ngoại tệ không nhỏ chảy ra nước ngoài. Hơn lúc nào hết, phát triển kinh tế đêm tại Cần Thơ cần có nguồn lực và nhất là một kế hoạch bài bản hơn.
Đầu tiên cần đẩy mạnh nghiên cứu, quy hoạch một số vị trí, địa điểm để hình thành khu vực tập trung kinh doanh các dịch vụ ăn uống kết hợp mua sắm, vui chơi, giải trí và tiện ích khác. Đồng thời, kiến tạo thương hiệu riêng cho Cần Thơ với các sản phẩm kinh doanh mang tính truyền thống, đặc trưng của địa phương từ nét văn hóa riêng, tài nguyên bản địa sẵn có.
Kế đó, Cần Thơ cần tiếp tục nâng cao nhận thức về phạm vi và vai trò của kinh tế ban đêm, rồi từng bước giảm dần, tiến tới xóa bỏ định kiến về các loại hình hoạt động và các điểm vui chơi giải trí về đêm. Khuyến khích phát triển nhiều ngành nghề, hoạt động mới, đặc biệt là ngành công nghiệp sáng tạo, du lịch, bán lẻ, ẩm thực, đồ uống...
Từ đó, kiến tạo bản sắc riêng cho du lịch Cần Thơ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố phục hồi sau những tổn thất từ đại dịch.
Nhìn nhận rõ ràng, việc thúc đẩy phát triển kinh tế đêm cần bắt đầu tư thay đổi nhận thức của chính quyền địa phương, không nên vì lo ngại rủi ro mà kiểm soát không cho phát triển. Ngoài yếu tố tích cực vẫn còn tồn tại một số tiêu cực, mà đòi hỏi địa phương trong phương án mở cửa tính đến khả năng kiểm soát, có hình thức quản lý hiệu quả.
Nhận xét
Đăng nhận xét