|
Cần Thơ - 1 trong 8 tỉnh, thành thí điểm xây dựng CQ đô thị |
Đầu tuần trước, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng đề án xây dựng mô hình chính quyền đô thị, vừa có văn bản giao cho 8 tỉnh, thành phố thực hiện báo cáo chuyên đề nghiên cứu đề xuất mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Các địa phương được chọn bao gồm thành phố Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, tỉnh Nghệ An, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Nam Định.
Văn bản nêu trên đã khẳng định yêu cầu cần thiết phải làm rõ sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn, từ đó xác định mô hình tổ chức bộ máy, quy định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm và cơ chế hoạt động phù hợp với chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn nhằm bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả quản lý của mỗi cấp chính quyền. Các báo cáo chuyên đề của địa phương cần đặt trọng tâm vào việc đề xuất mô hình tổ chức chính quyền đô thị; quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn trong chính quyền đô thị hoặc đề xuất mô hình tổ chức chính quyền đô thị; thực trạng phân cấp giữa chính quyền thành phố với quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn trên địa bàn cũng như các nội dung phân cấp cụ thể khi xây dựng chính quyền đô thị...
Cho đến nay đã có 3 phương án xây dựng chính quyền đô thị với hàm lượng cải cách từ thấp đến cao như sau:
Phương án 1 là xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị theo 3 cấp hành chính như hiện nay, xác định rõ mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động mới đối với chính quyền đô thị theo hướng phân biệt với chính quyền nông thôn. Phương án 2, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị theo 3 cấp hành chính như hiện nay, nhưng có sự đổi mới về mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động phù hợp với xu hướng tổ chức chính quyền đô thị hiện đại của các nước trên thế giới. Phương án 3, cải cách mạnh chính quyền địa phương, xây dựng mô hình chính quyền đô thị theo mô hình mới là chính quyền một cấp đại diện, hai cấp hành chính.
Trên thực tế, tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam đang gia tăng vượt xa những dự báo trước đây. TS Lý Huy Tuấn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, dân số đô thị tại nước ta đạt tỷ lệ 45% dân số cả nước vào năm 2020 và lên tới 60% vào năm 2030. Đáng lưu ý, sự gia tăng dân số tại một vài đô thị lớn đã ở mức bùng nổ, tạo ra những “đô thị đầu to” với rất nhiều hệ lụy: cơ sở hạ tầng xuống cấp nhanh chóng, ùn tắc giao thông, môi trường ô nhiễm, trường học, bệnh viện quá tải… ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người dân.
Theo các nhà quản lý có kinh nghiệm, trong bối cảnh đó, việc xây dựng chính quyền đô thị là bước đi tất yếu. Tuy nhiên, muốn có được hệ thống chính quyền đô thị với hàm lượng cải cách cao, có khả năng tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ, điều kiện tiên quyết là sự chuẩn bị kỹ càng về thể chế. Thực tế đặt ra yêu cầu phải sớm có những quy định đặc thù cho chính quyền đô thị, cho dù cũng có ý kiến lo ngại như thế sẽ tạo ra “đặc quyền”. Nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa “đặc quyền” bằng những quy định cùng với “toàn quyền” phải là “chịu hoàn toàn trách nhiệm”.
Luật Thủ đô tới đây, khi được Quốc hội thông qua, sẽ là sự kế tục và nâng tầm của sự quan tâm đã có ấy. Tương tự, với những đặc điểm riêng có, TPHCM và các đô thị khác cũng cần được quản lý điều hành bằng một thể chế thích hợp - ở một góc nhìn nào đó chính là “đặc thù” (chứ không phải “đặc quyền”) - thì mới đạt hiệu quả mong muốn.
BẢO VÂN
|
Nhận xét
Đăng nhận xét