Trần Hiệp Thủy
Lộng lẫy cầu Cần Thơ |
Hạ tầng giao thông là 1 trong 3 khâu đột phá của vùng ĐBSCL, thời gian qua luôn được quan tâm đầu tư, đã gắn kết được giao thông liên vùng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đầu tư, phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Song, do chưa quan tâm đúng mức tính kết nối, đồng bộ, liên hoàn giữa các công trình đã dẫn đến tình trạng “đường chờ cầu, cảng chờ luồng” gây lãng phí.
Đó là tình trạng dự án (DA) nâng cấp QL1, đoạn Cần Thơ - Cà Mau sau khi hoàn thành, phải “chờ” DA nâng cấp 16 cầu trên tuyến này do thi công chậm. Nhiều xe tải trọng lớn, container phải “xé lẻ” hàng hóa để lưu thông qua một vài cầu yếu còn sót lại trên tuyến. Tương tự là tình trạng cảng Cái Cui (Cần Thơ) phải chờ luồng Định An và kênh Quan Chánh Bố.
Cảng Cái Cui là DA trọng điểm của Nhóm cảng biển VI, lớn nhất vùng ĐBSCL, đã được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, hoàn thành giai đoạn I, một phần giai đoạn II, có khả năng tiếp nhận tàu 20 vạn tấn, nhưng mới được khai thác khoảng 10-20% công suất. Nguyên nhân chính là do các tàu lớn luôn bị “mắc cạn” không vượt qua được luồng Định An. DA Luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố - một “kênh đào Suez” của ĐBSCL - sau thời gian dài tranh cải về sự cần thiết đầu tư, đã được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công cuối năm 2009, với tổng vốn đầu tư khoảng 3.200 tỉ đồng, sau khi hoàn thành giải quyết được tàu 20 vạn tấn ra vào, đã được đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng, nhưng phải đình hoãn thi công do khó khăn về vốn.
Số liệu thống kê cho thấy, khoảng 70% hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL phải trung chuyển lên các cảng khu vực TPHCM đã làm phát sinh chi phí, giảm lợi thế cạnh tranh. Ngoài ra, hàng năm còn một lượng lớn phân bón, nguyên-nhiên liệu nhập khẩu vào vùng phải qua trung gian. Việc giải quyết luồng cho tàu vào cảng Cái Cui nói riêng và cụm cảng ĐBSCL nói chung đổ hàng, ăn hàng vẫn đang là nỗi xốn xang của các cảng và nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu, vận tải trong vùng.
Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã thống nhất chủ trương tiếp tục triển khai DA Luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu để sớm đưa DA vào khai thác, sử dụng; đồng thời giao Bộ GTVT phối hợp bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất nguồn vốn và hình thức đầu tư phù hợp cho việc nạo vét luồng Định An, chú ý phương án tận thu cát nạo vét để xuất khẩu, hoàn vốn đầu tư. Phó Thủ tướng cũng giao bộ này chủ trì phối hợp BCĐ Tây Nam Bộ và UBND các địa phương rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các công trình mang tính động lực, đột phá, có vai trò kết nối vùng để tập trung nguồn lực đầu tư đến năm 2015. Trong đó, chọn 1 đến 2 công trình để thí điểm đầu tư theo hình thức PPP.
Giải bài toán kinh phí cho những công trình giao thông là rất quan trọng. Nhưng tính toán tiến độ thi công, hoàn thành các công trình để khắc phục cảnh “đường chờ cầu, cảng chờ luồng” tránh lãng phí còn quan trọng hơn. Nó không nằm ngoài tầm tay của những người có trách nhiệm thực thi.
Nhận xét
Đăng nhận xét