Thời gian qua, ĐBSCL đã hình thành và phát triển nhanh mạng lưới đào tạo từ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) đến cao đẳng, đại học (CĐĐH). Toàn vùng hiện có 62 cơ sở đào tạo TCCN (trong đó có 35 trường); có 39 trường CĐĐH (gồm 12 trường ĐH và 27 trường CĐ), bình quân mỗi năm thành lập mới 1 trường ĐH.
Sức trẻ (ảnh: Nguyễn Công Thủy) |
Nếu như năm 2000, toàn vùng chỉ có Trường ĐH Cần Thơ, thì nay 10/13 tỉnh, thành đã có trường ĐH, tất cả các tỉnh đều có trường CĐ. Theo quy hoạch, đến năm 2020, ĐBSCL sẽ có khoảng 70 trường CĐĐH.
Nhiều trường được mở ra, đua nhau “nâng hạng” từ TC lên CĐ, từ CĐ lên ĐH. Nhưng lên CĐĐH rồi vẫn xin chỉ tiêu được đào tạo TC với nhiều lý do nghe qua rất “chính đáng”. Nào là tận dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư, đội ngũ giáo viên và nhu cầu người học. Đây cũng là nguồn để các trường tiếp tục “tận dụng” xin mở thêm các lớp liên thông ĐH. Về mặt tâm lý, nhiều người thích được học ở trường ĐH hơn, cho dù chỉ ngồi ở lớp TC. Thực trạng này vừa gây khó khăn nguồn tuyển cho các trường TC, vừa góp phần làm mất cân đối nguồn nhân lực của vùng.
Trong khi ở nhiều quốc gia, qui mô đào tạo bậc TC luôn chiếm tỷ lệ nhiều hơn CĐĐH, thì nước ta ngược lại. Cả nước trong tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, ĐBSCL càng đáng lo ngại hơn theo “hình chóp lật ngược”. Số liệu thống kê cho thấy, trong 8,3% lao động (LĐ) được đào tạo chuyên môn, kỹ thuật vào thời điểm 2010, số LĐ có trình độ CĐ, ĐH chiếm tỉ lệ cao nhất với (4%), tức gần một nửa, tỉ lệ còn lại là các trình độ trung cấp nghề, đào tạo nghề ngắn hạn ...
Trên thực tế, nhiều trường đang đào tạo cái mình có chứ không phải cái xã hội cần. Thời gian qua, mặc dù Bộ GDĐT đã rất kiên quyết để chấn chỉnh việc các trường CĐĐH đào tạo TC. Nhưng nhiều trường CĐĐH “kêu ca”, xin được “gia hạn”, nên phải giãn lộ trình. Tất nhiên, để khắc phục tình trạng đào tạo theo kiểu “anh giành phần em” này phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Phải dựa vào chiến lược nguồn nhân lực quốc gia, của ngành, vùng và từng địa phương. Ngành GDĐT và LĐTBXH cần phối hợp sắp xếp lại hệ thống các trường đào tạo, thay đổi cơ cấu đào tạo để đảm bảo phù hợp với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực.
Các cơ quan, đơn vị sử dụng LĐ cũng cần thay quan điểm tuyển dụng LĐ, không phải vị trí công việc nào cũng tuyển cho được người có bằng ĐH, trong khi TC có thể làm tốt hơn. ĐBSCL cũng đang rất cần một trung tâm dự báo nguồn nhân lực để cung cấp thông tin cho các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, cơ quan sử dụng LĐ và người học để định hướng nghề nghiệp và đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng.
Nhận xét
Đăng nhận xét