Trần Hiệp Thủy
Hôm qua 27.8, tại TP.Cần Thơ, Bộ Công thương phối hợp UBND TP.Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật có liên quan hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài tại VN (ảnh). Báo cáo của Vụ Thị trường trong nước về tình hình thương nhân nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc (TQ) tranh mua nông sản theo kiểu chụp giựt cho thấy bức tranh đáng lo ngại, gây nhiều hệ lụy mà nạn nhân là bà con nông dân (ND).
Thương nhân ngoại gây rối thị trường nội
Ở ĐBSCL thời gian qua, nhiều ND dở khóc, dở cười vì ham giá cao, bán nông sản cho người TQ chủ yếu bằng thỏa thuận miệng, không thông qua hợp đồng (HĐ) thương mại. Mấy ông A Đẩu, A Lũ, A Lũng ... gần như có mặt khắp các địa phương trong vùng, giao dịch trực tiếp với ND, mua hàng tận gốc theo kiểu chụp giựt, thoắt ẩn, thoắt hiện. Họ thu gom lúa IR 50404 ở nhiều nơi khi chính quyền khuyến cáo bà con hạn chế trồng giống lúa này, mua dừa khô ở Bến Tre, khoai lang tím ở Vĩnh Long, cua biển ở Cà Mau, Bạc Liêu... Có nơi như Bình Minh, Bình Tân (Vĩnh Long) họ còn nhảy vào thuê đất trồng khoai để tạo lòng tin, rồi mở láng trại thu mua cua biển ở Năm Căn (Cà Mau) với nhiều hoạt động mua hàng nhộn nhịp. Bằng nhiều “chiêu thức”, họ thu hút các thương lái Việt, bà con ND ồ ạt trồng hoặc gom hàng, rồi đột ngột ngưng mua hoặc sử dụng các chiêu “kiểm hóa gia truyền” để từ chối nhận hàng hay quỵt nợ...
Theo Vụ Thị trường trong nước, các thương nhân TQ thời gian qua sang VN thu mua nông sản trái phép, đẩy giá các mặt hàng nông sản lên cao bất thường, làm rối loạn thị trường, ảnh hưởng; thậm chí phá vỡ qui hoạch vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến. Nhiều nhà máy bị mất nguồn nguyên liệu, hoạt động cầm chừng, ND đổ xô đi nuôi, trồng các giống cây, con theo “đơn hàng ngoại” cấp tốc, khi lượng ít thì họ mua giá cao, nhiều hàng thì hạ giá hoặc mua “gối đầu” rồi quỵt nợ.
Biết nhiều “quả lừa” sao cứ mắc?
Theo đại diện Vụ Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an), đến nay nước ta đã áp dụng miễn thị thực nhập cảnh cho công dân của 72 nước. Nhưng không có qui định miễn thị thực nào cho người nước ngoài vào VN vì mục đích thương mại. Bất kỳ người ngoại quốc nào vào nước ta đều phải thông qua cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức bảo lãnh với mục đích, lý do nhập cảnh rất rõ ràng. Song, việc phối hợp quản lý giữa các cơ quan chức năng chưa chặt. Nhiều người nước ngoài sử dụng hộ chiếu du lịch, khảo sát thị trường rồi “ở lì”. Để buộc họ “hồi cố hương”, thời gian qua cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đã tiêu tốn hơn... 12 tỉ đồng chi thuê chỗ ở, tiền ăn, vé máy bay đưa họ về nước. Trong khi nhiều cơ quan bảo lãnh nhập cảnh gần như buông lỏng.
Các “phi vụ” mua bán bát nháo của thương nhân TQ được báo chí phanh phui, nhiều người biết, nhưng vẫn có người trúng tiếp “quả lừa”. Lý giải điều này, các chuyên gia chỉ ra nhiều nguyên nhân. Trước tiên là các qui định pháp luật lạc hậu, thiếu chặt chẽ, dễ bị “lách luật”. Nghị định 90/2007/NĐ-CP của Chính phủ qui định về quyền XNK của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại VN khó chế tài các thương nhân TQ. "Đã muốn làm ăn gian dối thì họ dại gì đi đăng ký ở Vụ XNK, sở công thương. Sang VN bằng hình thức du lịch vừa dễ dàng về thủ tục nhập cảnh, lại dễ thu mua nông sản thông qua thương lái VN. Nếu có bị cơ quan quản lý "hỏi thăm" họ vẫn "qua mắt" được vì không có giấy tờ, hóa đơn, HĐ để làm bằng chứng" - GS Võ Tòng Xuân phân tích. Cũng cần thấy rằng, nhiều doanh nghiệp trong nước thiếu gắn kết với ND, quá thụ động khi thương nhân nước ngoài vào thu mua nông sản ở vùng nguyên liệu của mình. Về phía ND, nhiều người cả tin, hám lợi trước mắt, bán hàng thường không có HĐ, hóa đơn, chứng từ, hoặc dùng các “HĐ viết tay” không có giá trị pháp lý...
Xác lập kênh tiêu thụ chính thức, hoàn thiện “HĐ tiêu thụ nông sản”
Làm ăn, không ai thích “chơi” kiểu bấp bênh, nhưng trong khi thiếu một kênh thu mua nông sản chính thức năng động, hiệu quả và ổn định, còn phải qua nhiều trung gian, mất nhiều chi phí nên nhiều ND dễ chấp nhận may rủi. Qua các vụ “thương lái ngoại”, các cơ quan chức năng cần phải xây dựng kênh phân phối chính thức, vận hành hiệu quả. Thương nhân nước ngoài nào tham gia phải có tư cách pháp nhân để cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân. Cần có nhiều giải pháp đồng bộ, từ hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, phối hợp quản lý, kiểm soát, xử lý. Nhưng quan trọng hơn là xây dựng cơ chế hiệu quả, ổn định gắn kết được giữa lợi ích của nhà nông – doanh nghiệp theo “hợp đồng tiêu thụ nông sản” thực chất. Từ vụ các thương nhân nước ngoài “làm mưa, làm gió” vừa qua, cần xác lập kênh tiêu thụ chính thức, ổn định và hoàn thiện cơ chế HĐ tiêu thụ nông sản - đó là cách thức cơ bản lâu dài vừa tạo điều kiện cho thương nhân ngoại làm ăn chân chính vừa bảo vệ được lợi ích ND.
Nhận xét
Đăng nhận xét