Trần Hiệp Thủy
Đốn mía chạy lũ |
Theo cam kết, một số nhà máy đường ở Hậu Giang - nơi có vùng nguyên liệu mía hơn 14.200 ha - lớn nhất vùng ĐBSCL đã vào vụ mới, sớm hơn 1 tháng so với cùng kỳ năm trước. Các nhà máy còn lại sẽ đồng loạt vào vụ ép từ tháng 9-2012. Trước đó, UBND tỉnh Hậu Giang đã chủ động bàn bạc, thống nhất với Hiệp hội mía đường Việt Nam và các nhà máy đường giá sàn mua mía và đẩy sớm hơn thời gian vào vụ ép để giải quyết gần 6.000 ha mía “chạy lũ” cho nông dân. Tỉnh này cũng đã chủ động ban hành Kế hoạch phân chia vùng nguyên liệu mía cho các nhà máy đường để khắc phục tình trạng “tranh mua” khi mía được giá và “đủng đỉnh” khi mía rớt giá; đồng thời cũng phân bổ hơn 18,5 tỷ đồng trong năm 2012 đầu tư nâng cấp đê bao, tu bổ cống bọng, trạm bơm cho 1.712 ha trồng mía thuộc 2 xã Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng để chủ động vào vụ mía mới. Dự kiến giai đoạn 2012 – 2015, tỉnh này sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống đê bao chống lũ cho 5.000 ha mía nguyên liệu với tổng mức đầu tư 153 tỷ đồng.
Những nỗ lực của chính quyền một tỉnh là đáng ghi nhận, có thể giúp tháo gỡ khó khăn, liên kết nhà máy – nông dân, chính quyền – hiệp hội cho ... một địa phương. Nhưng “chìa khóa” giải quyết vấn đề của cây mía không chỉ là trồng mía, chế biến đường, mà quan trọng hơn là tiêu thụ. Chính đầu ra của hạt đường quyết định lợi nhuận của doanh nghiệp và người trồng mía, là động lực bên trong của các nhà máy đường. Thành tựu của ngành mía đường: đạt 1,57 triệu tấn đường năm 2012 vượt xa chương trình quốc gia 1 triệu tấn đường; năng suất tăng vượt bậc ..., chưa vượt qua thách thức trước mắt. Cũng như số phận hạt lúa bị “cắn chia làm 8”, cây mía cũng đang bị “chặt thành nhiều khúc”, lợi nhuận của người trồng mía teo tóp, hồi họp thua lỗ qua từng niên vụ.
Có người cho rằng, với giá thành sản xuất mía 850-900 đồng/kg, tăng cao do phân bón, nhân công, dịch vụ tăng; trong khi giá mua mía nguyên liệu (10 chữ đường) dự kiến chỉ ở mức 1.000 đồng/kg, nên nông dân rất khó có lãi. Đáng lo hơn là tình trạng “điều hành cà giựt”: người hô xuất khẩu đường, kẻ kêu nhập, trong khi mỗi năm còn hàng trăm ngàn tấn đường tồn kho và tình trạng buôn lậu đường qua biên giới chưa được khắc phục, giá thành sản xuất đường cao hơn giá nhập khẩu … đang là thách thức lòng kiên trì của người trồng mía và sự tồn tại bền vững của các nhà máy đường. Với cây lúa, dù còn có ý kiến khác nhau, nhưng hàng năm Bộ Tài chính còn công bố giá thành sản xuất để làm cơ sở tính toán giá thu mua “đảm bảo nông dân có lãi 30%”, nhưng cây mía thì không. Một chính sách “mua tạm trữ” mía nguyên liệu, điều tiết thị trường – dù là giải quyết tình huống vì lợi ích của nông dân cũng chưa hề được thực hiện.
Rõ ràng, việc giải bài toán mía đường cần “chìa khóa” điều hành của cấp cao hơn, sự tham gia của “nhiều bên” hơn là sự nỗ lực của một địa phương. Vụ mía đường năm nay hay các năm sau nữa, hạt đường đắng hay ngọt đang chờ lời giải của bài toán đó.
Nhận xét
Đăng nhận xét