Hữu Hiệp
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã giao BCĐ Tây Nam Bộ chủ trì phối hợp các bộ, ngành trung ương và địa phương đề xuất cơ chế đặc thù phát triển 3 sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL là lúa gạo, thủy sản (cá tra, tôm) và cây ăn trái. Đầu bài rõ, nhưng giải bài toán không dễ. Vấn đề quan trọng là “làm ra” cơ chế, chính sách gì và nó đi vào cuộc sống như thế nào để thực sự là cái mà người nông dân (ND), doanh nghiệp (DN) cần, tiếp thêm sức mạnh cho các sản phẩm chủ lực cạnh tranh trong môi trường hội nhập và phát triển bền vững?
Thời gian qua, đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho ND, DN. Nhà nước đã quan tâm đầu tư từ cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông, quy hoạch vùng nguyên liệu, đến hỗ trợ ND từ khâu giống, cơ giới hóa trong nông nghiệp, hỗ trợ sau thu hoạch, đến tiêu thụ nông sản, hỗ trợ vay tín dụng. Nhưng, thực tiễn ở nhiều địa phương cho thấy, chính sách chưa đi vào trọng tâm, không đồng bộ, khó phát huy tác dụng, chậm hoặc khó đi vào cuộc sống.
Nhiều địa phương, DN, ND rất phấn khởi trước chính sách hỗ trợ “cơ giới hóa trong nông nghiệp”, nhưng do bị buộc mua máy móc nội địa hóa ít nhất 60%, nên họ đành “từ chối hỗ trợ” để chọn máy ngoại giá cả chấp nhận được, tiện dụng và chất lượng tốt hơn. Các DN hưởng ứng chủ trương xây kho tạm trữ lúa vừa qua, đến nay vẫn chưa được hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư do nhiều điều kiện, thủ tục khó đảm bảo. Tương tự, còn nhiều ND, DN không tiếp cận được vốn vay hỗ trợ khó khăn vì việc hỗ trợ vốn vay luôn kèm theo điều kiện “đòi thế chấp tiếp”. Chủ trương hỗ trợ phát triển hệ thống trạm bơm điện để chủ động tưới tiêu trong vùng nguyên liệu lúa, mía... là đúng đắn, đã có từ lâu, nhưng khó thu hút các thành phần kinh tế đầu tư do thực hiện thiếu đồng bộ vì cho đến nay Tập đoàn điện lực VN vẫn chưa có đề án phát triển lưới điện cung cấp điện cho các trạm bơm điện qui mô vừa và nhỏ cho vùng ĐBSCL. Mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” được triển khai mấy năm qua, được nhiều người quan tâm cũng đang chờ “tháo gỡ” bằng các chính sách “tiếp sức” như đầu tư kênh mương thủy lợi, hỗ trợ giống, hỗ trợ đầu tư máy nông nghiệp, hệ thống sấy lúa...
Các chính sách hỗ trợ kinh tế thường “theo đuôi” các thiệt hại, như hỗ trợ người nuôi khi heo bị dịch bệnh lở mồm, long móng, cúm gia cầm, người trồng lúa khi lúa bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, hỗ trợ người trồng dừa khi dừa xuống giá, mua lúa tạm trữ, mua cá tra ... khi hàng tồn đọng. Nên chính sách luôn đi sau, bị động. Nay “tư duy làm chính sách” được đổi mới mang tính chủ động, dựa vào thế mạnh, tiếp cận theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực vùng. Để có được một cơ chế, chính sách đặc thù cần tư duy tiếp cận thực tiễn - thước đo hiệu quả của cơ chế chính sách và tính chủ động như vậy. Vấn đề còn lại là phải gắn lợi ích của ND, DN với định hướng và qui hoạch của nhà nước.
Nhận xét
Đăng nhận xét