Hữu Hiệp
Lúa gạo - sản phẩm XK chủ lực của đbscl (ảnh: Tăng Quầy) |
5 năm Việt Nam gia nhập WTO cũng là thời điểm xảy ra 2 cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu 2008 và 2011, như “liều thuốc thử” cho nền kinh tế ĐBSCL. Cần nhìn lại một chặng đường quan trọng mà vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước này đã vươn mình hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới. Qua đó, nông dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong vùng nhận diện được thế mạnh, điểm yếu, đặc biệt là nắm bắt cơ hội, đối mặt thách thức của lộ trình mới để vượt qua rào cản, tận dụng thời cơ.
Nhìn ra bên ngoài, thay đổi bên trong
Cái được lớn nhất của ĐBSCL sau 5 năm gia nhập Tổ chức thương mại lớn nhất toàn cầu WTO là sự chuyển mình tích cực trong việc “thay đổi về chất” từ nền sản xuất “làm ra nhiều sản lượng” nông sản, hướng đến sản xuất hàng hóa “gia tăng giá trị”, đáp ứng nhu cầu thị trường. Các sản phẩm chủ lực của vùng như lúa gạo, thủy sản (cá tra, tôm) đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của quốc gia, chiếm lĩnh thị trường và thị phần thế giới. Trong khi nền kinh tế đất nước trong tình trạng nhập siêu, thì ĐBSCL luôn giữ vững cán cân thương mại của “xuất siêu” nhiều năm liền nhờ đóng góp của các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực. Tư duy, nhận thức từ đồng ruộng, mảnh vườn của người nông dân, doanh nghiệp và năng lực quản trị công của chính quyền đã có “bước chuyển” quan trọng, tầm nhìn hướng ra “sân chơi” rộng lớn hơn với 149 quốc gia và nền kinh tế thành viên WTO.
Đối mặt nhiều thách thức
Thách thức lớn nhất của ĐBSCL là năng lực cạnh tranh của nông sản hàng hóa, do trong bước chuyển từ “nhiều lượng” sang “tăng chất”, do nền sản xuất nông nghiệp nhỏ, lẻ, dễ bị tổn thương, giá thành sản xuất cao, còn nặng “thói quen, sức ì” từ sự hỗ trợ trực tiếp. Trước các định chế tài chính toàn cầu của “luật chơi chung”, mở cửa thị trường, xóa bỏ rào cản bảo hộ từ thuế quan, … cộng với “sức ép” của các cường quốc thành viên WTO, các tập đoàn kinh tế đa quốc gia với lắm “chiêu trò”, biết sử dụng các rào rản kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm để cạnh tranh, chèn ép thành viên mới … là những “vật cản lớn” của nông sản ĐBSCL trên đường hội nhập.
Quá trình gia nhập WTO vừa qua, nhiều DN ở ĐBSCL đã trưởng thành, có bước phát triển quan trọng; song, năng lực cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ nhìn chung còn thấp, chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất, xuất khẩu chậm, ước tính có khoảng 98% DN trong vùng thuộc qui mô vừa và nhỏ. “Sân chơi lớn” đòi hỏi “đẳng cấp cao” vừa là yêu cầu, vừa là thách thức của các DN trong vùng. Hơn ai hết, DN phải “thích ứng” để tự điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh theo tín hiệu thị trường, tái cấu trúc để tồn tại và không ngừng hiện đại hóa công nghệ, nâng cao chất lượng và hiệu quả quản trị, nguồn nhân lực.
Thách thức của chặng đường WTO tiếp theo còn đặt ra cho khu vực công với những yêu cầu về tư duy, chiến lược phát triển, chất lượng qui hoạch, kiến tạo môi trường đầu tư … là những “đầu bài mới” cần lời giải cho của các chính quyền địa phương trong vùng.
Tăng cường liên kết vùng
Yêu cầu đang đặt ra cho chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nông dân ĐBSCL là phải tăng cường liên kết vùng trong “cuộc chơi mới”. Cần phối hợp xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách liên kết tốt hơn các chuỗi giá trị sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của vùng. Thì vì phải phải loay hoay lo “ban phát, chờ đợi” các hỗ trợ “đầu ra” vì mất mùa, rớt giá, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thì tập trung nhiều hơn cho “đầu vào”, hỗ trợ theo chuỗi giá trị để tăng sức cạnh tranh, sức “đề kháng” của nông dân, doanh nghiệp và hàng nông sản. Theo đó; nhà nước phải chủ động bảo vệ doanh nghiệp, hệ thống phân phối trong quá trình hội nhập bằng ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao năng lực cạnh tranh; tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Doanh nghiệp và nông dân phải tích cực chuyển đổi từ nhận thức, phương thức sản xuất kinh doanh đến cách hành xử, ứng phó nhanh nhạy. Yếu tố quyết định trong cuộc chơi toàn cầu là năng lực cạnh tranh ở ba cấp độ: quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Sân chơi thương mại toàn cầu WTO đang mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng nhiều thácch thức cho ĐBSCL, đòi hỏi vai trò, vị trí của “vùng trọng điểm sản xuất nông sản lớn của thế giới” này phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
| |||
Nhận xét
Đăng nhận xét