Hội thảo
“Đối thoại chính sách về quản lý môi trường bền vững ven biển vùng ĐBSCL” do
Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Chương trình bảo vệ tổng hợp vùng ven biển và hệ sinh
thái rừng ngập mặn thích nghi với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại các tỉnh ĐBSCL
(gọi tắt là Chương trình ICMP/CCCEP), UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức đầu tháng
11-2014. Hội thảo vạch định kế hoạch bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, rừng
ngập mặn... tại khu vực ĐBSCL và ứng phó, giảm thiểu tác hại của BĐKH thời
gian tới...
NHIỀU
THÁCH THỨC TRƯỚC BĐKH
Theo Ban
chỉ đạo Tây Nam Bộ, ĐBSCL có hệ sinh thái đa dạng, vùng nước ngọt, lợ, mặn
đan xen nhau, đồng thời đây là khu vực duy nhất tiếp giáp biển Đông và biển
Tây với bờ biển dài trên 750km, diện tích rừng khoảng 347.500ha thuận lợi
trong việc khai thác lâm hải sản, góp phần bảo vệ môi trường trong khu vực.
Bên cạnh đó, hằng năm ĐBSCL đóng góp hơn 50% sản lượng lúa cả nước và 90%
lượng gạo xuất khẩu; cung cấp 70% lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản và
trên 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. Đặc biệt, ĐBSCL cung cấp lương
thực cho hơn 145 triệu dân sinh sống ở khu vực châu Á, đưa Việt Nam, quốc gia
từng trải qua nạn đói kém, trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên
thế giới.
|
Công trình xây dựng đê biển ngăn sạt lở đất được xây dựng tại xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. |
Tuy nhiên, hiện nay ĐBSCL đang phải đối mặt với các mối đe
dọa. BĐKH dẫn đến tình trạng nước biển dâng gây nên hiện tượng xâm nhập mặn
sâu vào nội đồng; rừng ngập mặn ven biển suy giảm do các nguyên nhân như: sạt
lở, cháy rừng, phá rừng nuôi trồng thủy sản, khai thác gỗ, lâm sản trái
phép... Quá trình xâm nhập mặn gia tăng mạnh đang tác động đến các hệ sinh
thái nông nghiệp truyền thống, lúa nước, cá đồng, cây ăn trái, cây công
nghiệp trong khu vực; các dự án thủy lợi trong vùng mặn hóa, luân canh lúa
tôm, vùng ngăn mặn xổ phèn chưa phát huy hiệu quả...Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế thuộc Ban chỉ đạo
Tây Nam Bộ, cho biết: “Mùa lũ nhiều năm gần đây tại khu vực ĐBSCL biến động
thất thường. Tình trạng ngập lụt ở các đô thị có diện tích rộng hơn và thời
gian ngập lụt lâu hơn; hiện tượng sạt lở đất, lốc xoáy xuất hiện ngày càng
nhiều và thường xuyên hơn; thời tiết nắng nóng kéo dài, ảnh hưởng sức khỏe
con người, sản xuất nông nghiệp; xâm nhập mặn ngày càng sâu vào đất liền ở
các tỉnh ven biển... Đây là những thách thức lớn mà ĐBSCL phải đối mặt, cần
phải có tầm nhìn dài hạn, chiến lược ứng phó lâu dài cùng với kế hoạch hành
động cụ thể để chủ động ứng phó, thích nghi với BĐKH”.
Theo các
nghiên cứu chính thức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 38% diện tích ĐBSCL có
thể bị nước biển nhấn chìm vào năm 2100. Đồng thời, hiện nay một số khu vực
ven biển đang bị xâm thực khoảng 30m mỗi năm; rừng ngập mặn dọc theo bờ biển
bảo vệ đất liền khỏi ảnh hưởng của bão, lũ hiện đang bị suy giảm nghiêm
trọng; mức độ gia tăng xâm nhập mặn dẫn đến tình trạng đất nhiễm mặn, gây khó
khăn cho sản xuất nông nghiệp... Các thách thức này đe dọa tương lai vùng
ĐBSCL và rất cần giải pháp thích ứng hợp lý.
TĂNG CƯỜNG
HỖ TRỢ ỨNG PHÓ BĐKH
Hội thảo
“Đối thoại chính sách về quản lý môi trường bền vững ven biển vùng ĐBSCL”
thuộc Chương trình ICMP/CCCEP cung cấp thông tin về chính sách quy hoạch hiệu
quả ở các nước: Hà Lan, CHLB Đức, Úc để các đại biểu thảo luận, nghiên cứu,
lồng ghép và ứng dụng vào các quy trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực
ĐBSCL theo hướng bền vững. Một trong những định hướng phát triển kinh tế - xã
hội thích ứng với BĐKH ở ĐBSCL là tăng cường liên kết trong quy hoạch quản lý
tổng hợp vùng ven biển, nâng cao các chuỗi giá trị trong phát triển, sản xuất
và tiêu thụ sản phẩm cho các cụm kinh tế ngành nông nghiệp; cần tiếp cận và
giải quyết các vấn đề về BĐKH theo vùng, không theo từng tỉnh đơn lẻ... Ông
Dương Quốc Xuân, Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết: “Đối thoại
chính sách về phát triển bền vững vùng ven biển ĐBSCL là diễn đàn thích hợp
để tập hợp các bên liên quan bàn về những chính sách phát triển bền vững,
liên kết vùng, cụ thể là liên kết các cụm kinh tế ngành tại ĐBSCL. Ban chỉ
đạo Tây Nam Bộ thống nhất sự cần thiết hình thành và duy trì cơ chế đối thoại
này thời gian tới”.
Chương
trình ICMP/CCCEP (do Chính phủ CHLB Đức và Úc đồng tài trợ thông qua cơ quan
phát triển quốc tế - GIZ) thực hiện từ năm 2011-2014, mang lại hiệu quả cao
trong ứng phó BĐKH ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL. Trong đó, nổi bật là
Chương trình Quản lý Tổng hợp vùng Ven biển (ICMP) giúp khắc phục các thách
thức nêu trên thông qua việc củng cố vùng bờ tại ĐBSCL. Chương trình xây dựng
các giải pháp kỹ thuật giúp đường bờ biển dịch chuyển thêm 180m ra phía biển,
giành lại đất phục hồi rừng ngập mặn. Nếu được kết hợp với các giải pháp bảo
vệ vùng bờ khác, những đai rừng này là giải pháp tốt nhất để bảo vệ, chống
lại ảnh hưởng bão, lụt, tạo nền tảng để các địa phương phối hợp thực hiện kế
hoạch bảo vệ tổng hợp vùng bờ ĐBSCL. Ngoài ra, Chương trình ICMP/CCCEP còn hỗ
trợ nông dân áp dụng các kỹ thuật mới trong ứng phó BĐKH, tăng thu nhập và
bảo vệ môi trường. Chẳng hạn như, phương pháp canh tác lúa cải tiến, giúp
giảm 30% lượng nước và thuốc bảo vệ thực vật; biện pháp hỗ trợ các hộ nuôi
tôm sinh thái thân thiện với môi trường tiếp cận thị trường quốc tế...
Từ những
giải pháp trên, các địa phương như: Sóc Trăng và Bạc Liêu có khoảng 99% bờ
biển không còn chịu tác động trực tiếp của sóng biển; phục hồi 603 ha rừng
ngập mặn; giới thiệu 22 mô hình sinh kế, giúp giảm áp lực môi trường và tăng
60% thu nhập cho 8.500 gia đình... Trong giai đoạn 2 (2014 – 2017), Chương
trình ICMP/CCCEP tập trung thể chế hóa và nhân rộng các giải pháp nhằm tác
động toàn diện trên quy mô lớn hơn tại khu vực ĐBSCL. Ông Dương Quốc Xuân cho
biết thêm: “Các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL đã và đang thực hiện chương trình
bảo vệ tổng hợp vùng ven biển và hệ sinh thái rừng ngập mặn nhằm thích ứng
với BĐKH. Chương trình ICMP/CCCEP đóng góp tích cực trong quản lý các hệ sinh
thái ven biển, phục hồi và giảm thiểu tổn hại; hỗ trợ nâng cao nhận thức về
môi trường, xây dựng một số mô hình, tạo sinh kế bền vững. Thời gian tới, các
địa phương trong khu vực cần tranh thủ sự hỗ trợ, tăng cường liên kết, phối
hợp để phát huy hiệu quả chương trình”.
Bài, ảnh:
HÀ VĂN
|
Nhận xét
Đăng nhận xét