Trần Hữu Hiệp
Trong khuôn
khổ Diễn đàn MDEC-Sóc Trăng 2014, ngày 06.11, diễn ra Hội nghị xúc tiến thương
mại, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL. Đây là điểm nhấn của diễn
đàn năm nay với chủ đề “Tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới vùng
ĐBSCL”. Vựa lúa gạo, thủy sản, trái cây của cả nước đang đón “sóng đầu tư” vào
nông nghiệp, nông thôn?
Cho đến nay,
ĐBSCL vẫn là “vùng trũng” đầu tư nước ngoài mà nông nghiệp, nông thôn là chỗ
trũng nhất. Trong số khoảng 16.000 dự án (DA) FDI với tổng vốn đăng ký 235 tỉ
USD, thì lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ có hơn 500 DA với
tổng vốn đăng ký khoảng 3,36 tỉ USD, chỉ chiếm 1,42%. ĐBSCL hiện có 838 DA FDI
được cấp phép còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 11,136 tỉ USD, chỉ chiếm
4,75% tổng vốn FDI cả nước; lĩnh vực nông nghiệp cũng chiếm tỷ trọng rất thấp.
Gần đây, đã
xuất hiện những tín hiệu mới từ “vũng trũng”. Trong khuôn khổ Chương trình hợp
tác kinh tế Mekong - Nhật Bản, ông K. Watanabe - Chủ tịch Ủy ban hợp tác - đã
dẫn đầu đoàn doanh nhân Nhật đã có chuyến khảo sát ĐBSCL và ký bản ghi nhớ với
Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Tiếp theo, các nhà đầu tư Nhật đã làm việc với tỉnh
Đồng Tháp, khẳng định quyết tâm chọn ĐBSCL là điểm đến đầu tư sắp tới. Tỉnh này
cũng đang xúc tiến xây dựng cánh đồng lớn 10.000, dọn đường cho vốn ngoại từ
Hàn Quốc vào nông nghiệp. Các chuyên gia nhận định, hiện đang có làn sóng đầu
tư từ Nhật Bản và sự quan tâm của các quốc gia như Hàn Quốc, Đài Loan đối với
ĐBSCL, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn.
Song, điều
quan trọng là ĐBSCL làm gì để “thoát chỗ trũng”, đón “sóng đầu tư” nông nghiệp?
Gần 70 DA được giới thiệu tại hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư vùng ĐBSCL,
liên kết vùng trong thu hút đầu tư nước ngoài được thay cho việc “mạnh ai nấy
làm” trước đây. Tuy nhiên, cần nhiều nỗ lực hơn nữa. Hơn cả việc giới thiệu,
quảng bá “tiềm năng, thế mạnh của vùng” phải là sự cam kết sát cánh, đồng hành
thực sự của chính quyền, doanh nghiệp trong nước cùng nhà đầu tư và thực thi nó
một cách hiệu quả nhất. Môi trường đầu tư, chất lượng cơ sở hạ tầng, nhân lực
của vùng thời gian qua đã được cải thiện đáng kể, nhưng đòi hỏi của nhà đầu tư
ngoại ngày càng cao hơn. Đáp ứng yêu cầu này chính là sự chuẩn bị tích cực nhất
để đón “sóng đầu tư” vào “vùng trũng” thật sự.
Nhận xét
Đăng nhận xét