Trần Hiệp Thủy
TT - Ngày 6-11, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ký ghi nhớ với
đại diện nhà đầu tư Tata Power, cam kết việc triển khai thực hiện dự án Nhà máy
nhiệt điện Long Phú 2 trị giá 2,19 tỉ USD. Sự kiện diễn
ra trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL - Sóc Trăng năm 2014. Đây là dự án
FDI lớn nhất vùng ĐBSCL từ trước đến nay, đưa tỉnh Sóc Trăng nhảy vọt 10 bậc,
từ vị trí cuối bảng trong 13 tỉnh thành khu vực ĐBSCL về thu hút vốn đầu tư
nước ngoài, đã leo lên vị trí thứ ba.
Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 sau thời gian khởi công, còn ... ngày , tổ máy .... phát điện. Ảnh chụp giữa tháng 10-2014 |
Thông tin từ
lễ ký kết, Nhà máy điện Long Phú 2 có tổng công suất 1.320 MW, dự kiến đi vào
hoạt động năm 2019. Đây là một trong ba nhà máy điện thuộc Trung tâm điện lực
Sóc Trăng mà trước đó Tập đoàn Tata, một trong những tập đoàn lớn nhất Ấn Độ,
đã trúng thầu dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) xây dựng nhà máy.
ĐBSCL đang
nổi lên vai trò của một trung tâm điện lực quốc gia. Triển khai tổng sơ đồ điện
lực VII, nhiều nhà máy nhiệt điện than trong vùng đã, đang và sẽ được xây dựng
như Duyên Hải 1, 2, 3 (Trà Vinh), Long Phú 1, 2, 3 (Sóc Trăng), Sông Hậu 1, 2
(Hậu Giang) và Kiên Lương (Kiên Giang) cùng với các trung tâm điện lực Cần Thơ,
khí - điện - đạm Cà Mau.
Theo quy
hoạch ngành than VN đến 2020, xét triển vọng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt thì nhu cầu than trong nước thời gian tới sẽ tăng cao.
Dự kiến than
cần cho ngành điện tăng khoảng 6 triệu tấn vào năm 2015. Từ 2016 trở đi, VN
phải nhập khẩu vài triệu tấn, đến 2020 sẽ nhập khoảng 20-30 triệu tấn than. Nguồn than
cho các nhà máy điện ở ĐBSCL dự tính được nhập khẩu từ Indonesia hoặc Úc. Trong
khi vùng này hiện chưa có một cảng nước sâu nào đảm bảo cho tàu lớn nhập than
trực tiếp. Phương án được đề xuất là xây dựng cảng trung chuyển than.
Năm 2012, Cơ
quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã đề xuất tám vị trí xây cảng trung
chuyển than cho ĐBSCL, trong đó có Sóc Trăng, Nam Du (Kiên Giang), Duyên Hải
(Trà Vinh) và Hòn Khoai (Cà Mau). Hiện nay mới
chỉ có cảng trung chuyển than đang được xây dựng tại Trà Vinh, chủ yếu phục vụ
ba nhà máy điện Duyên Hải 1, 2, 3 đi vào hoạt động.
Việc nghiên
cứu xây dựng cảng nước sâu hoặc cảng trung chuyển than, cũng như những đảm bảo
chắc chắn, ổn định từ các nhà xuất khẩu than của các cường quốc than như Úc,
Indonesia và Nga cho các nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL cần được làm rõ hơn trước
khi các nhà máy này được đưa vào vận hành và cần tính toán cho sự bền vững của
nó khi chọn lựa phương thức đầu tư BOT.
Cũng cần
thấy rằng nhiệt điện than có những tác động lớn đến môi trường (ô nhiễm không
khí, đất, nước). Vì vậy, cần đảm bảo những nghiên cứu, đánh giá tác động môi
trường nghiêm túc, kỹ lưỡng, khách quan đối với những dự án đầu tư lĩnh vực
này; phải đảm bảo nguyên tắc “không hối tiếc” trước khi “chuyện đã rồi”.
Trong điều
kiện hiện nay, các địa phương được chọn xây dựng nhà máy, ngoài lợi ích “tăng GDP
tỉnh”, “góp thành tích thu hút vốn FDI” thì gần như không có mấy ý nghĩa trong
việc giải quyết việc làm và tăng thu nhập dân cư. Sản lượng điện phát ra cũng
hòa lưới điện quốc gia. Ô nhiễm môi trường (nếu có), dân lãnh đủ.
“Ngõ ra” của
điện đã rõ, “đường vào” của than đang cần sự đảm bảo chắc chắn. Mai này ĐBSCL
thật sự trở thành “trung tâm năng lượng quốc gia”, để dòng điện mới tạo đà cho
phát triển thì ngay bây giờ phải làm rõ đường vào của than và những đảm bảo
chắc chắn về môi trường và tính bền vững của nhiệt điện than đang được kỳ
vọng.
Nhận xét
Đăng nhận xét