(TBKTSG) - Phát biểu tại cuộc họp báo ngay sau cuộc hội
đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn
Dũng đã đề cập đến việc tập đoàn Tata của Ấn Độ đang khẩn trương hoàn tất thủ
tục triển khai dự án BOT xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 2, tỉnh Sóc
Trăng trị giá 1,8 tỉ đô la Mỹ.
|
Nhà máy nhiệt điện than Duyên Hải (Trà Vinh) |
|
Đến nay chưa có một đánh giá chuyên sâu nào về chuyện nguồn than của thế giới có thể cung cấp cho Việt Nam được trong bao lâu.
|
|
Đây là dự án đầu tư lớn nhất của Ấn Độ tại Việt Nam, cũng là
dự án có vốn FDI lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ trước
đến nay.
Một dự án, tăng 10 bậc thứ hạng thu hút FDI
Nhà máy Điện Long Phú 2 có tổng công suất 1.320 MW, dự kiến
năm 2019 sẽ đi vào hoạt động. Đây là một trong ba nhà máy điện thuộc Trung
tâm Điện lực Sóc Trăng. Nhiệt điện Long Phú 1 có công suất 1.200 MW do tập
đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư, dự kiến đi vào hoạt động năm 2015.
Nhiệt điện Long Phú 2 đã từng được giao cho tập đoàn Sông Đà làm chủ đầu tư
năm 2010, nhưng sau đó đơn vị này đã trả lại dự án do khó khăn tài chính.
Sóc Trăng là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất vùng ĐBSCL, với
17%, gấp 2,4 lần tỷ lệ bình quân toàn vùng và cả nước. Thu hút vốn FDI vào
Sóc Trăng hiện mới đạt 35,4 triệu đô la Mỹ, thấp nhất vùng. Theo Tổng cục
Thống kê, ĐBSCL hiện có 838 dự án FDI được cấp phép còn hiệu lực với tổng vốn
đầu tư đăng ký 11,136 tỉ đô la Mỹ, chỉ chiếm 4,75% tổng vốn FDI cả nước. Nhà
máy Điện Long Phú 2 được triển khai sẽ làm tăng thêm 16% tổng vốn đầu tư của
các dự án này. Sóc Trăng đang đứng trước cơ hội cải thiện xếp hạng thu hút
FDI từ vị trí thứ 13/13 tỉnh, thành trong vùng lên vị trí thứ ba, chỉ sau
Long An và Kiên Giang.
Dự án Nhà máy Điện Long Phú 2 đánh dấu sự trở lại của Tata
Group tại Việt Nam sau khi dự án thép 5 tỉ đô la Mỹ tại Hà Tĩnh bị bế tắc do
giải phóng mặt bằng. Theo trang Live Mint của Ấn Độ, thì Nhà máy Điện Long Phú
2 có ý nghĩa mở đường cho tham vọng của Tata tại Đông Nam Á, hưởng ứng chính
sách hướng Đông của Chính phủ Ấn Độ.
Đường vào của than và ngõ ra của điện
Theo tổng sơ đồ điện VII, sẽ có 57 dự án nhiệt điện than
được xây dựng. Dự kiến, đến năm 2020, tổng công suất nhiệt điện than cả nước
đạt 36.000 MW, khoảng 154 tỉ kWh, tương đương 47% tổng sản lượng điện cả
nước; đến năm 2030, công suất nhiệt điện than đạt 75.700 MW, tương đương 56%
sản lượng điện quốc gia.
Ở ĐBSCL, ngoài Trung tâm Khí - Điện Cà Mau và Trung tâm
Nhiệt điện Cần Thơ đang vận hành, sắp tới các nhà máy điện Duyên Hải 1, 2, 3
(Trà Vinh), Long Phú 1, 2, 3 (Sóc Trăng), Sông Hậu 1, 2 (Hậu Giang) và Kiên
Lương (Kiên Giang) sẽ được đưa vào hoạt động. Các nhà máy điện này sử dụng
than làm nhiên liệu.
Theo Tata Power (công ty con của Tata Group), Nhà máy Điện
Long Phú 2 sử dụng nguồn than nhập khẩu từ Indonesia hoặc Úc, được vận chuyển
bằng tàu trọng tải lớn trên 100.000 DWT.
Trong khi đó, theo quy hoạch ngành than Việt Nam đến năm
2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
tại Quyết định số 60/2012/QĐ-TTg, thì nhu cầu than trong nước thời gian tới
sẽ tăng cao. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam dự kiến, than
cần cho ngành điện tăng khoảng 6 triệu tấn vào năm 2015. Từ năm 2016 trở đi,
nước ta sẽ phải nhập khẩu vài triệu tấn, đến năm 2020 sẽ nhập khoảng 20-30
triệu tấn.
ĐBSCL hiện chưa có một cảng nước sâu nào đảm bảo cho tàu lớn
nhập than trực tiếp, nên phương án được các nhà đầu tư tính tới là trung
chuyển than bằng tàu nhỏ hoặc sà lan. Năm 2012, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật
Bản (JICA) đề xuất tám vị trí xây cảng trung chuyển than cho ĐBSCL, trong đó
có Sóc Trăng, Nam Du (Kiên Giang), Duyên Hải (Trà Vinh) và Hòn Khoai (Cà
Mau). Hiện nay, mới chỉ có một cảng trung chuyển than đang được xây dựng tại
Trà Vinh, chủ yếu để phục vụ cho ba nhà máy điện Duyên Hải 1, 2, 3. Việc
nghiên cứu xây dựng cảng nước sâu hoặc cảng trung chuyển than, cũng như những
đảm bảo chắc chắn, ổn định về nguồn cung nhiên liệu từ các cường quốc than
như Úc, Indonesia và Nga cần được làm rõ hơn trước khi các nhà máy này được
vận hành.
Tại hội thảo “Hướng tới phát triển bền vững năng lượng
ĐBSCL” tổ chức tại Cần Thơ tháng 10-2014, chia sẻ trước các ý kiến băn khoăn
về tính ổn định của nguồn than nhập khẩu, TS. Nguyễn Tiến Chỉnh, một chuyên
gia năng lượng độc lập, đã nhiều năm công tác tại Viện Năng lượng cho rằng,
đến nay chưa có một đánh giá chuyên sâu nào về chuyện nguồn than của thế giới
có thể cung cấp cho Việt Nam được trong bao lâu. “Sẽ là rủi ro nếu chúng ta
cho xây dựng các nhà máy nhiệt điện than trong khi chưa rõ nguồn cung”, ông
Chỉnh nói.
Cũng cần thấy rằng, nhiệt điện than có những tác động lớn
đến môi trường (ô nhiễm không khí, đất, nước). Mai này Sóc Trăng có dự án FDI
1,8 tỉ đô la Mỹ là điều rất đáng mừng, nhưng cũng rất cần một đảm bảo chắc
chắn về môi trường.
|
Nhận xét
Đăng nhận xét