Trần Hữu Hiệp
TTCT - Ở TP.HCM có những nơi cả ngày nắng ấm, không
mưa nhưng cả khu phố ngập trong nước. “Sống chung với ngập” đã và đang trở
thành nỗi sợ hãi của nhiều người sống ở đô thị hiện đại bậc nhất Việt Nam
này.
|
Ngập đường
là nỗi sợ hãi của các em học sinh ở TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
|
Đây chỉ là
bước dạo đầu của mối đe dọa “biến đổi khí hậu” (BĐKH) mà chúng ta đang phải đối
mặt.
Việt Nam là
một trong năm quốc gia được dự báo bị ảnh hưởng nặng nề do BĐKH, nước biển
dâng. ĐBSCL là một trong ba đồng bằng trên thế giới sẽ bị ngập sâu và ảnh hưởng
nhiều nhất. TP.HCM liền kề cũng không nằm ngoài sự đe dọa đó.
Theo “Kịch bản BĐKH,
nước biển dâng ở Việt Nam”, khi mực nước biển lên khoảng 12cm vào năm 2020,
17cm vào năm 2030, 30cm vào năm 2050 và 75cm vào năm 2100 thì sẽ có khoảng
40% diện tích ĐBSCL bị ngập. TP.HCM cũng bị ngập gần bằng mức đó.
|
“Nhãn tiền”
Không chỉ là
“kịch bản”, tình trạng ngập úng đô thị đã xảy ra thường xuyên hơn, thời gian
kéo dài hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến sản xuất, sinh hoạt, đi lại và đời
sống của người dân. Nhiều công trình xây dựng có cao trình vượt đỉnh lũ lịch sử
năm 2000 đã bị ngập.
Ngay khi mực
nước đầu nguồn sông Đồng Nai, sông Tiền, sông Hậu không cao hơn, phố vẫn ngập
sâu hơn. Nhiều nơi đã đổ tiền chống ngập, ứng phó với BĐKH, nước biển dâng,
thành lập tổ chức chuyên trách như Trung tâm điều hành chương trình chống ngập
nước TP.HCM. Nhưng tại nhiều nơi phố biến thành sông. Ngập năm sau cao hơn năm
trước. Đáng lo ngại là ngay cả những người có trách nhiệm cũng “không thể trả
lời được khi nào hết ngập”.
Nguyên nhân
ngập lụt có phải chỉ do BĐKH, nước biển dâng hay con người đã kéo mực nước lên?
Các nhà khoa học đã nhận diện tác nhân chủ yếu tạo ra hiện tượng ngập tràn cục
bộ tại các đô thị là do con người đã “cướp mất không gian của nước”.
Nhiều bờ bao
khép kín của các tiểu vùng để sản xuất lúa vụ ba, “đeo bám” mục tiêu ngắn hạn
tăng sản lượng lúa, cây ăn trái, thủy sản; chạy theo “hệ số quay vòng đất cao”
trong sản xuất nông nghiệp khiến nước lũ không vào được nội đồng để mang phù
sa, thiếu dưỡng chất thiên nhiên đã làm cho đất đai ngày càng “suy dinh dưỡng”.
Các “túi
chứa nước” vốn được điều tiết tự nhiên hàng ngàn năm qua ở Đồng Tháp Mười, tứ
giác Long Xuyên, rừng đầu nguồn sông Đồng Nai... bị phá vỡ. Nhiều kênh rạch tự
nhiên bị xóa sổ nhường chỗ cho công trình xây dựng, hệ quả một con đường được
nâng cao gây ngập nặng nhiều đường xảy ra thường xuyên.
Ở các thành
phố lớn nhỏ, cũ mới đều trong tình trạng quy hoạch lỗi thời, thiếu giải pháp
đồng bộ, thực hiện quy hoạch không nghiêm, mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết
vùng.
Không gian
cho nước
Yêu cầu
“không gian cho nước” để nước không giành chỗ của con người càng trở nên bức
xúc hơn đối với một đô thị lớn nhất nước như TP.HCM với khoảng 12 triệu người
đang sinh sống. Có người đề xuất cần thay đổi “tư duy ngập nước”.
Cần chuyển
từ “chống ngập triệt để” sang “điều tiết nước linh hoạt” với các tính toán khoa
học và thực tế, làm sao rút ngắn được thời gian ngập và mức ngập nông hơn, ít
ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt hơn. Từ “chống ngập bị động” sang chủ động
thích ứng nhằm giảm thiểu tác hại.
Cần khu biệt
hóa theo khu vực, tạo ra các vùng lõi phải triệt để chống ngập và các vùng đệm
(ngập nông) cũng như các “túi chứa nước” an toàn, góp phần điều tiết nước, có
thể tận dụng thành du lịch sinh thái...
Do vậy, cần
quy hoạch lại thành phố thành các tiểu vùng khác nhau để ứng xử cho thích hợp
trong khi tiến hành điều tiết nước. Tất nhiên, yêu cầu lớn hơn là TP.HCM cần
liên kết vùng, phối hợp liên vùng.
Chống ngập
cần những giải pháp công trình, kỹ thuật, việc kiểm soát lũ, triều cường bằng
hệ thống đê, cống đồng bộ, trạm bơm, hệ thống thoát nước... Nhưng quan trọng
hơn vẫn là các giải pháp phi công trình, là tư duy, theo cách tiếp cận vùng,
không cục bộ địa phương, tránh xung đột lợi ích, đô thị gắn với nông thôn.
Phố ngập
không chỉ vì BĐKH, nước biển dâng mà còn do “tư duy ngập nước”. Việc chống ngập
tại các đô thị không chỉ là chuyện quanh quẩn ở đô thị, là việc của các thành
phố, mà cần có cách tiếp cận vùng, vừa là chuyện thiết thân hằng ngày của người
dân, vừa là chuyện quốc gia đại sự và toàn cầu.
Nhận xét
Đăng nhận xét