Chuyển đến nội dung chính

Những ngộ nhận về thủy điện Mêkông


Nguyễn Hữu Thiện
Thời báo Kinh tế Sài Gòn, thứ Sáu,  14/11/2014, 09:15 (GMT+7)








(TBKTSG Online) Hiện nay trên dòng chính sông Mêkông ở hạ lưu vực Mêkông, Lào và Campuchia đang có kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện chắn ngang sông, trong đó 9 đập ở Lào và 2 đập ở Campuchia. 
Đập Xayaburi đã khởi công xây dựng từ tháng 11- 2012 đến nay đã được khoảng 30% tiến độ và hiện nay Lào đã thông báo cho các quốc gia thành viên Ủy hội Mê Kông (MRC) về ý định xây dựng đập thứ hai, đập Don Sahong, trên dòng chính. Nằm ở phía cuối cùng ở hạ lưu sông Mêkông, Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam sẽ chịu tác động to lớn và vĩnh viễn nếu tất cả 11 công trình này được xây dựng.
Bài viết dưới đây phân tích tính chưa xác đáng của một số quan điểm/cảm nhận về vấn đề thủy điện MêKông.
Nằm ở phía cuối cùng của hạ lưu sông Mêkông, ĐBSCL của Việt Nam sẽ chịu tác động to lớn và vĩnh viễn nếu 11 đập thủy điện chắn ngang dòng chính của sông được xây dựng. Ảnh: Nguyễn Hữu Thiện
Quan điểm thứ 1: Các nước xây dựng thủy điện trên dòng chính Mêkông trong lãnh thổ quốc gia của họ thì họ có toàn quyền quyết định, không ai có thể can thiệp gì.
Đúng là các công trình đập thủy điện được xây dựng trong lãnh thổ của các nước khác, nhưng trên sông Mêkông thì chịu sự chi phối của Hiệp định hợp tác Mêkông đã được 4 quốc gia thành viên Ủy hội Mêkông quốc tế (MRC) ký kết năm 1995, một hiệp định hợp tác chia sẻ sử dụng nước và quản lý lưu vực sông Mêkông .
Hiệp định 1995 có quy định một quy trình gọi là PNPCA (Quy trình Thông báo trước, Tham vấn trước, và Thỏa thuận) để 4 chính phủ cố gắng đạt được thỏa thuận. Mục đích của quy trình này là để các quốc gia có cơ hội đánh giá các tác động xuyên biên giới. Dù Hiệp định Mêkông 1995 mang tính tự nguyện, không có cơ chế thực thi pháp luật theo nghĩa truyền thống, nhưng chưa có quốc gia nào bác bỏ Hiệp định này và “tinh thần Mêkông” tức là tinh thần hợp tác hàm chứa trong hiệp định vẫn còn giá trị.
Hiệp định 1995 công nhận nguyên tắc “sử dụng bình đẳng và hợp lý” là cơ sở của việc hợp tác của 4 quốc gia.  Điều này có nghĩa là mặc dù các nước ở phía hạ lưu không thể phủ quyết việc sử dụng dòng sông, nhưng họ có quyền yêu cầu có một quy trình công bằng, hợp lý để quyền của họ cũng được tôn trọng.
Tương tự, các nước ở phía thượng lưu có quyền sử dụng dòng sông, nhưng phải là sau khi đã thực hiện các bước để tôn trọng quyền của các quốc gia ở phía hạ lưu.  Do đó, không có quốc gia nào có quyền định đoạt tuyệt đối đối với dòng sông Mêkông mà phải hợp tác để đạt được một giải pháp.
Điều 3 của Hiệp định Mêkông 1995 về Bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái qui định “Bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, điều kiện sống và đời sống thủy sinh, và cân bằng sinh thái của lưu vực Mêkông  khỏi bị ô nhiễm hoặc bị ảnh hưởng có hại khác do các kế hoạch phát triển và việc sử dụng nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực gây ra”.
Thực tế, cả hai báo cáo đánh giá tác động môi trường cho hai trường hợp Xayaburi và Don Sahong đều kém chất lượng, không có đánh giá tác động xuyên biên giới. Các biện pháp gọi là giảm thiểu tác động chỉ mang tính lý thuyết, chưa có gì chứng minh là hữu hiệu, đặc biệt trong bối cảnh một dòng sông lớn vùng nhiệt đới có tải lượng phù sa hàng năm, sự đa dạng loài cá và tổng sinh khối cá rất lớn như sông Mêkông. Hơn nữa, các báo cáo đánh giá tác động môi trường không phân tích tác động xuyên biên giới, các biện pháp giảm thiểu tác động đưa ra không dựa trên nghiên cứu tác động xuyên biên giới.
Do những lý do trên, việc các nước thành viên MRC, nhà hoạt động môi trường,nhà khoa học, tổ chức phi chính phủ, cộng đồng quốc tế nêu quan ngại và kêu gọi trì hoãn xây dựng các đập trên dòng chính Mêkông trong 10 năm để nghiên cứu thêm là hoàn toàn phù hợp với tinh thần Hiệp định hợp tác Mêkông 1995.  Việc yêu cầu phải có các đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới được tiến hành một cách khách quan, khoa học và các biện pháp giảm thiểu tác động được chứng minh hiệu quả trước khi đưa ra quyết định xây dựng đập là những yêu cầu hoàn toàn hợp lý, hợp tình.
Cơ sở của việc kêu gọi hoãn quyết định về xây dựng các đập trong 10 năm, theo khuyến nghị rất rõ ràng của của nhóm chuyên gia thực hiện Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược (báo cáo SEA) do MRC ủy nhiệm thực hiện trong 16 tháng từ 2009 đến 2010 là:
• Sông Mêkông  là một trong những dòng sông vĩ đại nhất trên trái đất này, với nguồn tài nguyên thiết yếu cho khu vực, duy trì sinh kế, sức khỏe, văn hóa của hàng triệu người.  Toàn vùng sẽ chịu ảnh hưởng của các quyết định về sự phát triển thủy điện trên dòng chính Mêkông .
• Cần có thêm nghiên cứu, đánh giá tác động xuyên biên giới và tham vấn có ý nghĩa với các cộng đồng bị ảnh hưởng.
• “Dòng chính sông Mêkông  không bao giờ nên được dùng làm thí nghiệm để chứng minh hay cải thiện công nghệ thủy điện có đập chắn ngang toàn bộ dòng sông”.
• Vì vậy các quyết định phải dựa trên các nghiên cứu nghiêm túc và công nghệ được kiểm chứng, và có sự tham vấn với các chính phủ và các cộng đồng bị ảnh hưởng.
Xem xét câu hỏi cơ bản nhất “Đắp hay không đắp dòng chính Sông Mêkông ?”, báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược đưa ra 4 phương án chọn lựa bao gồm: 1. Không đắp đập dòng chính, 2. Hoãn tất cả các đập dòng chính cho một thời gian xác định để nghiên cứu thêm trước khi ra quyết định đắp hay không đắp và nếu có đắp thì đắp như thế nào, 3. Xây dựng dần thủy điện dòng chính, 4. Phát triển các dự án thủy điện dòng chính theo thị trường
Sau khi phân tích về các tác động tiềm tàng và các lợi ích liên quan đến các dự án dòng chính, và tiếp theo một chương trình tham vấn sâu với hơn 100 cơ quan nhà nước và phi chính phủ, nhóm SEA đã đưa kiến nghị các quốc gia Mêkông chọn phương án chiến lược số 2.
Quan điểm thứ 2: Tuy Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nhiều của thủy điện Mêkông  nhưng vì chưa định lượng tổn thất là bao nhiêu cho nên nêu quan ngại là không có cơ sở.
Đã có rất nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học quốc tế, đặc biệt là công trình nghiên cứu Đánh giá môi trường chiến lược trong 16 tháng của một nhóm chuyên gia hùng hậu 25 người thực hiện từ 2009 đến 2010 do MRC ủy thác.  Các nghiên cứu này đã phân tích số liệu, nghiên cứu hiện có, các cơ sở lý thuyết khoa học về thủy văn, thủy lực, nông nghiệp, thủy sản, kinh tế, năng lượng, sinh thái cũng như các phân tích về tác động của thủy điện trên thế giới và đưa ra những cảnh báo về các tác động sẽ có đối với ĐBSCL.  Do đó không thể nói rằng các cảnh báo hiện nay là không có cơ sở.
Tác động của thủy điện rất đa dạng và sẽ bộc lộ dần dần qua thời gian sau khi xây đập.  Có những tác động thấy sớm và những tác động sẽ diễn ra dần dần. Ví dụ sau khi xây đập xong thì cá không thể di cư được trong mùa di cư sau, không sinh sản được thì trứng cá và cá con sẽ không còn trôi xuống ĐBSCL ngay trong mùa sau. Nhưng mất phù sa thì khoảng 10-15 năm sau mới thấy được tác động rõ ràng trên năng suất lúa; giảm nguồn cát, sỏi ở đáy sông cũng phải cần 10 năm sau mới nhận biết vì thời gian cát sỏi di chuyển dọc đáy sông xuống đến ĐBSCL cũng mất nhiều năm. 
Muốn định lượng được tổn thất là bao nhiêu thì cần rất nhiều thời gian để đo đếm tình trạng hiện tại (ví dụ sản lượng thủy sản tự nhiên, tình trạng sạt lở, năng suất lúa, v.v) và thiết lập các mối tương quan giữa tác động và tổn thất (ví dụ giảm bao nhiêu phù sa ở vùng biển thì năng suất thủy sản biển giảm theo là bao nhiêu, giảm phù sa lên đồng ruộng thì năng suất lúa giảm tương ứng bao nhiêu và khi nào, mất nguồn cá trắng thì ảnh hưởng thế nào đến dinh dưỡng người dân, đặc biệt là người nghèo, trẻ em, phụ nữ, người già ở nông thôn và ảnh hướng thế nào đến các loài khác như chim, cò, rùa, rắn trong chuỗi sinh thái).
Theo thông lệ quốc tế, các công ước, và quy định quốc tế, trong trường hợp có những đề xuất dự án và chính sách có thể gây ra tổn hại lớn đến môi trường và sức khỏe con người ở diện rộng như trường hợp các đập thủy điện Mêkông thì phải áp dụng nguyên tắc cẩn trọng theo đó những quyết định đưa ra một cách có trách nhiệm, thiên về hướng an toàn để bảo vệ con người và môi trường.
Nguyên tắc cẩn trọng đã được Đại hội đồng Liên hiệp quốc công nhận vào năm 1982 trong Hiến chương thế giới về Thiên nhiên và được áp dụng trong Công ước Montreal (Montreal Protocol) 1987. Nguyên tắc này đã được đưa vào nhiều công ước và thỏa thuận quốc tế như Công ước Kyoto, công ước Motreal 1987, Nguyên tắc số 15 của Tuyên bố Rio 1992, tuyên bố Winspread 1998 về nguyên tắc cẩn trọng. 
Nguyên tắc cẩn trọng tuyên bố rằng “khi một hành động hoặc một chính sách bị nghi ngờ có rủi ro gây hại cho công chúng hoặc cho môi trường, và thiếu sự đồng thuận khoa học rằng hành động hoặc chính sách đó là không gây hại, thì trách nhiệm chứng minh (burden of proof) rằng hành động đó không có hại là thuộc về phía đưa ra hành động hoặc chính sách”.
Như vậy, ở vị thế bên bị tác động, Việt Nam, hay đặc biệt là người dân ĐBSCL hoàn toàn có quyền nêu quan ngại cho đến khi nào có cơ sở khoa học vững chắc để đảm bảo tác động không nghiêm trọng hoặc có biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu.
Cụ thể hơn, Nguyên tắc cẩn trọng yêu cầu: Một là, phía đề xuất dự án phải đưa ra được bằng chứng là họ đã: xem xét các phương án khả dĩ khác và tiến hành việc của họ một cách có trách nhiệm và ít gây hại nhất, và dự án của họ sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người và môi trường tư nhiên. Hai là, việc ra quyết định phải có sự tham gia một cách có ý nghĩa của bên có thể bị hại. Ba là, cần phải theo dõi hậu quả của quyết định và sẵn sàng đảo ngược hành động khi phát hiện có hậu quả xấu. Vì vậy, nguyên tắc cẩn trọng yêu cầu tránh những quyết định không thể đảo ngược hoặc không thể khắc phục.
Quan điểm thứ 3: Phát triển thì phải đánh đổi môi trường, không thể khư khư giữ môi trường mãi được.
Đúng là phát triển thường phải chấp nhận đánh đổi tác động môi trường ở một mức nào đó.  Nhưng đánh đổi không có nghĩa là bằng mọi giá, mà tác động phải ở một ngưỡng chấp nhận được và lợi ích thu được từ sự phát triển mới phải to lớn hơn những tổn thất mà nó gây ra, và đặc biệt là tác động không nên hủy hoại một cách căn bản, trên diện rộng, những hệ thống hỗ trợ cho sự sống (life supporting system).
Trong trường hợp Thủy điện Mêkông, tác động bao gồm tác động về mặt sinh thái, môi trường, kinh tế, xã hội tại chỗ và trên toàn lưu vực, ảnh hưởng đến hàng chục triệu người trong ngắn hạn và dài hạn. Ngoài ra còn có tác động liên hoàn, ví dụ mất phù sa và thủy sản ảnh hưởng liên hoàn lên nông nghiệp, thủy sản nuôi, thủy sản biển, và các ngành công nghiệp và dịch vụ phụ thuộc vào nông nghiệp và thủy sản như chế biến, vận chuyển, thương mại, và vì vậy ảnh hưởng lên toàn bộ nền kinh tế. Một khi các đập thủy điện đã xây dựng thì các tác động sẽ là vĩnh viễn, khó có biện pháp giảm thiểu hoặc thích ứng.  Nếu tính đúng và tính đủ các tổn thất do thủy điện Mêkông gây ra bao gồm các chi phí thấy được và khó thấy được, thì lợi ích từ thủy điện Mêkông  mang lại (thu nhập từ bán điện và cung cấp năng lượng) sẽ quá nhỏ so với tổng tổn thất và vì vậy sự đánh đổi này là đánh đổi lỗ.
Hơn nữa, thu nhập từ bán điện chủ yếu là vào túi các nhà tư bản nước ngoài, chứ không phải các quốc gia chủ nhà của các công trình thủy điện, càng không phải là các cộng đồng địa phương.
Ở Việt Nam, chính vì cân nhắc giữa lợi ích và thiệt hại về kinh tế, môi trường, xã hội mà năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã rà soát quy hoạch phát triển thủy điện trên toàn quốc và loại bỏ 423 dự án thủy điện, chiếm 34.2% trong tổng số 1.239 dự án.
Quan điểm thứ 4: Thủy điện Mêkông  không ảnh hưởng nghiêm trọng đến ĐBSCL vì thủy điện không lấy mất nước, nước đi qua đập rồi cũng sẽ về ĐBSCL và đi ra biển và dù có nói gì thì họ vẫn đắp, nên chúng ta cần chủ động tìm biện pháp ứng phó cho ĐBSCL: mất nguồn thủy sản tự nhiên thì có thể phát triển thủy sản nuôi thay thế, mất phù sa thì tăng phân bón, sạt lở thì làm công trình bảo vệ.
Đồng bằng Sông Cửu Long bắt đầu được hình thành khoảng 6000 năm trước do quá trình miệt mài nhiều ngàn năm vận chuyển phù sa của sông Mêkông bồi đắp tạo nên.  Nếu không có quá trình Kiến tạo đồng bằng (delta building process) tự nhiên của sông Mêkông  thì đã không có vùng châu thổ Cửu Long trên đời. Quá trình này sẽ bị ngưng khi các đập thủy điện Mêkông  xây dựng xong và quá trình ngược lại sẽ xảy ra, gây gia tăng sạt lở bờ sông, bờ biển.
Toàn bộ sự sống trong Lưu vực Mêkông đã tiến hóa thích nghi trong nhiều ngàn năm với điều kiện môi trường do sông Mêkông tạo ra theo chu kỳ hàng năm. Nền “văn minh sông nước” ở ĐBSCL là một ví dụ sinh động về sự thích nghi đó, thể hiện qua nhiều mặt: thời vụ canh tác, đánh bắt thủy sản, giao thông thủy, sản vật, kể cả nét văn hóa và tính cách con người.
Nói tới nước là nói về 3 khía cạnh: số lượng, chất lượng, và thời gian. Về số lượng, có thể các đập thủy điện cuối cùng sẽ trả lại nước cho dòng sông, nhưng về thời gian sẽ bị đảo lộn. Nước về ĐBSCL sẽ tùy thuộc vào sự vận hành của các nhà vận hành đập, với sự vận hành đập vì mục đích tối đa hóa lợi nhuận từ phát điện trên hết. Sự đảo lộn bất thường thời gian nước đến và nước đi sẽ gây xáo trộn nhiều mặt về thời vụ canh tác, loại hoa màu, công trình điều tiết nước, chi phí và năng suất canh tác, ảnh hưởng hệ sinh thái, văn hóa và tất cả các mặt đời sống ở ĐBSCL.
Ở ĐBSCL có bốn mùa nước, hai mùa chính là mùa nước nổi và mùa khô và hai mùa phụ, chỉ kéo dài vài tuần, là hai mùa chuyển tiếp giữa hai mùa chính.  Các mùa chuyển tiếp có vai trò rất quan trọng trong toàn bộ hệ sinh thái, khi đó cá và các loài sinh vật nhận được “tín hiệu dòng sông” và bắt đầu di cư, sinh sản, hoặc thực hiện các hoạt động khác trong chu trình sống. Ví dụ nước lên thì điên điển mới trổ bông.
Khi các đập thủy điện Mêkông  xây dựng, do tác động tích và xả nước của các đập thủy điện, các mùa chuyển tiếp này sẽ bị rút ngắn hoặc biến mất hoàn toàn, mùa khô sẽ chuyển sang mùa nước và ngược lại sẽ đột ngột trong vài ngày thì các loài sinh vật sẽ bị rối loạn về mùa và không thể thực hiện được các hoạt động trong chu kỳ sống như di cư, tìm mồi, sinh sản, v.v.
Phạm vi xâm nhập mặn vào đất liền ở vùng ven biển ĐBSCL là sự cân bằng động giữa dòng chảy nước ngọt sông Mêkông  đẩy ra và nước mặn từ biển đẩy vào. Khi dòng chảy Mêkông  yếu đi vào mùa khô thì nước biển vào sâu hơn trong đất liền và ngược lại khi dòng chảy Mêkông  mạnh hơn vào mùa nước thì mặn bị đẩy ra. Đây là sự cân bằng tự nhiên hằng năm. Khi các đập thủy điện Mêkông  xây dựng, dòng chảy thay đổi bất thường thì sự cân bằng mặn ngọt cũng sẽ thay đổi bất thường tức là ranh giới mặn ngọt sẽ thay đổi bất thường tùy vào sự vận hành đóng, mở của đập thủy điện.
Các đập thủy điện dòng chính Mêkông sẽ cắt dòng sông Mêkông thành nhiều đoạn (compartments) với khoảng 90-100km phía trên mỗi đập biến thành hồ chứa nước để phát điện.  Khoảng hơn một nửa chiều dài dòng sông ở vùng Hạ Lưu vực (1750km) sẽ bị biến thành một loạt hồ.  Khi “dòng sông sống” (dòng sông cuồn cuộn chảy) bị biến thành một loạt hồ thì phù sa bị mất năng lượng dòng chảy sẽ lắng đọng tại các đoạn hồ này. Theo báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược, khi các đập thủy điện dòng chính được xây dựng xong, tải lượng phù sa hàng năm của sông Mêkông  (160 triệu tấn) sẽ giảm còn ¼.  
Việc giảm nguồn phù sa sẽ dẫn đến hàng loạt hệ quả cho ĐBSCL bao gồm giảm nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho đất. Không có nguồn bồi đắp hàng năm đất sẽ bị bạc màu và năng suất lúa và hoa màu sẽ suy giảm và chi phí canh tác, phân bón, kiểm soát dịch bệnh sẽ tăng lên.  Đồng bằng Sông Cửu Long cũng như các đồng bằng do phù sa bồi đắp khác trên thế giới đều sụt lún tự nhiên do quá trình nén và sụt lún do tác động của con người như khai thác nước ngầm. Mất nguồn phù sa bù đắp hàng năm trên mặt, tốc độ sụt lún sẽ nhanh hơn cộng với tình hình nước biển dâng thì quá trình chìm xuống của đồng bằng sẽ nhanh chóng hơn.
Về mặt sinh thái, lưu vực Mêkông  không phải kết thúc ở bờ biển mà mở rộng ra một vùng ven biển (Mêkông Plume). Năng suất sinh học của thủy sản ven biển ĐBSCL cao là nhờ nguồn dinh dưỡng bám vào phù sa sông Mêkông mang ra biển hàng năm. Khi nguồn dinh dưỡng giảm sẽ ảnh hưỏng thủy sản biển, đời sống ngư dân, các ngành công nghiệp phụ thuộc như chế biến, vận chuyển, thương mại thủy sản. 
Mất nguồn cá tự nhiên nước ngọt và ven biển sẽ ảnh huởng lớn đến dinh dưỡng của người dân, đặc biệt là người nghèo.  Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng lên toàn bộ dây chuyền hệ sinh thái, trực tiếp là các loài ăn cá như chim, rò, rùa, rắn, v.v
Tự tìm giải pháp thích ứng cho ĐBSCL là việc trước sau gì chúng ta cũng sẽ phải làm,  nhưng các biện pháp thích ứng sẽ rất khó khăn và tốn kém cho ĐBSCL. Mất nguồn phù sa là nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho nông nghiệp thì có thể bù lại bằng cách tăng phân bón để duy trì năng suất, nhưng kinh nghiệm ở ĐBSCL cho thấy trường hợp canh tác lúa trong đê bao thiếu phù sa thì sau một thời gian khoảng 10-15 năm, dinh dưỡng đất sẽ cạn kiệt và dù có tăng phân bón thì năng suất vẫn giảm và tăng ô nhiễm môi trường nước.
Sạt lở do nguyên nhân cục bộ thì có thể có biện pháp khắc phục bằng công trình, nhưng sạt lở diễn do sự đảo lộn cân bằng diễn ra trên diện rộng thì khó có biện pháp nào ngăn lại được cho đến khi đạt sự cân bằng mới.  Kinh nghiệm đã cho thấy không có công trình bờ kè nào có thể chống được sạt lở vĩnh viễn. Khi sự cân bằng bị đảo lộn trên diện rộng, làm kè bảo vệ nơi này nghĩa là tăng sạt lở nơi khác.
Mất nguồn thủy sản tự nhiên thì có thể nghĩ tới phát triển thủy sản nuôi, nhưng cá nuôi không thể thay thế được cá tư nhiên vì cá nuôi có vốn đầu tư, chi phí cao, người nghèo không thể thực hiện được.  Nguồn thức ăn cho cá nuôi phụ thuộc vào cám từ thóc và nguồn cá nước ngọt tự nhiên và cá tạp ở biển để làm thức ăn trực tiếp và chế biến thức ăn công nghiệp. Thủy sản nuôi không đa dạng như thủy sản tự nhiên.  Thủy sản tự nhiên còn là nguồn thức ăn của các loài hoang dã khác (chim cò, rùa rắn) thì thủy sản nuôi không thể thay thế được.
Quan điểm thứ 5: Ở ĐBSCL có nhiều vấn đề khác, đâu chỉ có tác động của thủy điện Mêkông  và ở Việt Nam cũng phát triển thủy điện tràn lan đó thôi.
Đúng là Việt Nam đã có giai đoạn phát triển nóng về thủy điện và nay đã nhận ra tác động tiêu cực của thủy điện và chính vì cân nhắc giữa lợi ích và thiệt hại về kinh tế, môi trường, xã hội. Chính vì thế, năm 2012 Chính phủ Việt Nam đã rà soát quy hoạch phát triển thủy điện trên toàn quốc và loại bỏ 423 dự án thủy điện, chiếm 34.2% trong tổng số 1.239 dự án.
ĐBSCL hiện đối diện với 3 thách thức: Biến đổi khí hậu, các vấn đề nội tại về phát triển không bền vững, và các mối đe dọa từ các vấn đề phát triển ở thượng lưu Mêkông, đặc biệt là thủy điện dòng chính Mêkông.
Biến đổi khí hậu đang diễn ra thể hiện ở nhiều mặt như nhiệt độ nóng lên, mưa hạn và gió bão thất thường, và nước biển dâng kèm theo xâm nhập mặn đang ảnh hưởng đến mọi mặt sản xuất và đời sống. Theo dự báo, đến cuối thế kỷ 21 ở ĐBSCL nước biển sẽ cao 75cm đến 100cm so với giai đoạn 1980-1999.  Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và nước biển dâng là quá trình diễn biến dần dần và chúng ta còn có thời gian để thích ứng, tuy là khó khăn.
Các vấn đề nội tại của ĐBSCL về phát triển thiếu bền vững bao gồm mất rừng, ô nhiễm môi trường nước do nuôi thủy sản và hóa chất nông nghiệp, bao đê khép kín làm lúa vụ ba trong mùa lũ làm cho đất bạc màu và thay đổi thủy văn gây tăng ngập ngoài đê và tăng xâm nhập mặn vào mùa khô, v.v.  Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều biện pháp và chính sách để cả thiện dần như trồng rừng ven biển, áp dụng biện pháp canh tác 1P5G (1 phải, 5 giảm) hay 1P6G (1 phải, 6 giảm) để giảm lượng nước và hóa chất nông nghiệp.  Vấn đề đê bao lúa vụ ba cũng đã có nhiều nhà khoa học lên tiếng và thực chất vấn đề này cũng dễ khắc phục một khi quan niệm về an ninh luơng thực và tối đa hóa sản lượng lúa được thay đổi, bởi vì các đê bao này đắp bằng đất, không phải là công trình kiên cố vĩnh viễn và việc xả lũ vào cũng rất đơn giản và trên thực tế đã có nhiều địa phương thực hiện việc xả lũ định kỳ vào những vùng đê bao khép kín để nhận phù sa và nguồn lợi thủy sản vào hàng năm.
Mối đe dọa từ những sự phát triển ở thượng lưu Mêkông  như chuyển nước sang lưu vực khác và thủy điện, đặc biệt là các đập thủy điện trên dòng chính Mêkông sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với ĐBSCL trong 3 mối đe dọa vừa nêu.  Một khi các đập thủy điện Mêkông  được xây dựng kiên cố chắn dòng sông thì các tác động là vĩnh viễn và không thể đảo ngược được.
Thích ứng với biến đổi khí hậu và giải quyết các vấn đề phát triển chưa bền vững ở ĐBSCL đòi hỏi thời gian và tốn kém, nhưng ĐBSCL hoàn toàn có cơ hội để làm được.  Các tác động đến từ thủy điện dòng chính Mêkông  sẽ làm mất đi cơ hội đó.
Quan điểm thứ 6: Lào là nước nghèo, có tiềm năng thủy điện lớn, phát triển thủy điện trên dòng chính Sông Mêkông  là cách duy nhất giúp Lào thoát nghèo.
Đồng bằng Sông Cửu Long nghèo hơn Lào!
Mặc dù GDP không phải là con số tốt để đo giàu, nghèo hay sức khỏe của một nền kinh tế. Tuy nhiên, vì không có con số nào khác có sẵn, chúng ta thử dùng GDP để xem xét câu hỏi này.
Theo Ngân hàng thế giới, GDP năm 2013 của Lào là 11,14 tỉ đô la Mỹ, dự báo sẽ tăng trưởng 7.5% trong năm 2014, 7.9% trong năm 2015, và 9.1% trong năm 2016.  Với dân số 2013 là 6.8 triệu người, GDP bình quân đầu người của Lào năm 2013 là 1.638,2 đô la Mỹ. Trong khi đó đối với ĐBSCL, theo báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, trong 6 tháng đầu năm 2014, GDP toàn vùng ĐBSCL đạt 237,000 tỉ đồng tương đương 11.17 tỉ đô la Mỹ.  Giả định cùng con số GDP cho 6 tháng cuối năm thì tổng GDP cả năm toàn vùng ĐBSCL là khoảng 22.34 tỉ đô la Mỹ.  Với dân số khoảng 18 triệu người thì GDP bình quân đầu người của ĐBSCL trong năm 2014 khoảng 1.242 đô la Mỹ. Nếu so GDP của Lào với GDP của ĐBSCL để làm phép so sánh tương đối thì Lào là một nước nhỏ về dân số chứ không nghèo hơn ĐBSCL.  ĐBSCL thực tế là nghèo hơn Lào và đông người gấp ba lần.
Ngoài ra, bản thân con số GDP có rất nhiều khuyết điểm vì nó không phản ánh được giá trị của tài nguyên thiên nhiên như cá, rau, nước sạch mà người dân sử dụng hằng ngày không thông qua thị trường, dù những tài nguyên này chiếm phần quan trọng trong nguồn dinh dưỡng nuôi sống người dân của một quốc gia.  Do môi trường hiện nay ở Lào còn khá tốt, rất nhiều người Lào tiêu thụ cá và nước từ sông Mekông hằng ngày mà không phải chi phí một đồng tiền mặt nào cả và dĩ nhiên không được nhìn thấy trong con số GDP. Nhiều người dân Lào nói “chúng tôi không nuôi cá, cá nuôi chúng tôi”.
Đập thủy điện Mêkông  là đập thủy điện của tư bản nước ngoài.
Toàn bộ 11 đập dự kiến trên dòng chính Mêkông  không phải do các quốc gia chủ nhà là Lào và Campuchia cấp vốn mà do các công ty nước ngoài đầu tư, xây dựng và vận hành.
Thời gian xây dựng trung bình mỗi đập là 8 năm, và trong 25 năm từ năm thứ 9 đến năm thứ 33 thì theo hình thức BOT (Xây dựng, Vận hành, Chuyển giao) khoảng 69-74 % doanh thu thuộc về nhà đầu tư, và Lào chỉ được 26-31% doanh thu. Điện tạo ra cũng không phải Chính Phủ Lào hay người dân Lào tiêu thụ, mà chủ yếu (95%) là xuất sang cho Thái Lan.
Theo báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược, nếu tất cả các dự án dòng chính được tiến hành, Lào với 9 đập trong số 11 đập sẽ nhận được 70% doanh thu xuất khẩu điện (2,6 tỉ đô la Mỹ) mỗi năm từ các đập dòng chính trong khi đó Campuchia với 2 đập sẽ nhận được 30% (tương đương 1,2 tỉ đô la Mỹ/năm).
Như vậy, trong 25 năm sau khi xây dựng (giả sử các đập đều được xây dựng cùng lúc) thì Lào nhận được 26-31% của 2,6 tỉ đô la Mỹ tương đương 676-806 triệu đô la Mỹ/năm và Campuchia sẽ nhận được hoảng 26-31% của 1,2 tỉ đô la Mỹ tương đương 312-372 triệu đô la Mỹ/năm.  Sau thời gian 25 năm BOT (tức là năm thứ 33, kể cả 8 năm xây dựng ban đầu) thì các nước chủ nhà sẽ được hưởng toàn bộ doanh thu. Ngoài ra các bên còn phải trả tiền vay vốn đầu tư ban đầu tổng cộng 25 tỉ đô la Mỹ cho 11 đập và tiền lãi vay vốn. Hiện nay chi phí tháo dỡ đập khi công trình hết tuổi thọ (50-100 năm) chưa được đưa vào chi phí đầu tư, rất có thể các nước chủ nhà sẽ phải gánh chịu chi phí này.
Trong khi đó, theo báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược, các dự án thủy điện này sẽ có tác động tiêu cực đáng kể đối với nông nghiệp và thủy sản. Sự thiệt hại thủy sản trực tiếp nếu tất cả các đập được xây dựng sẽ khoảng 476 triệu đô la Mỹ/năm; chưa tính đến thiệt hại thủy sản ở ĐBSCL và thủy sản biển, có thể sẽ rất lớn.  Giá trị kinh tế của thủy sản tự nhiên ở vùng Hạ lưu vực Mêkông  đã được ước lượng khoảng 1,4 đến 2,0 tỉ đô la Mỹ/năm theo giá trị bán đầu tiên (giá bán của người đánh bắt).  
Riêng đối với ĐBSCL, số liệu của Trung tâm cá thế giới ước lượng khoảng 220,000-440,000 tấn cá/năm ở ĐBSCL sẽ chịu rủi ro và cũng chưa tính đến thiệt hại thủy sản biển.  Thiệt hại do thiếu giảm phù sa gây hiệu ứng sạt lở, ảnh hưởng lên nông nghiệp ở ĐBSCL, ảnh hưởng lên năng suất thủy sản biển, và tác động liên hoàn lên ĐBSCL chưa có số liệu nào ước lượng, nhưng có thể sẽ rất to lớn.
Do đó có thể nhận thấy rằng các nhà tư bản sẽ là những người hưởng lợi nhiều nhất dựa trên tài sản thiên nhiên mà cộng đồng ở khu vực Sông Mêkông  đã cùng nhau sử dụng một cách bền vững trong nhiều ngàn năm qua. Đơn thuần về mặt tài chính thì các quốc gia chủ nhà các đập sẽ được hưởng lợi, nhưng nhỏ hơn lợi ích vào túi các nhà tư bản. Trong khi đó thiệt hại chung cho hàng chục triệu người, cho hê sinh thái, cho nhiều ngành, nhiều quốc gia sẽ rất lớn và khó tính toán được.
Theo số liệu của FAO, dẫn trong báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược 2010, thủy sản đánh bắt bình quân đầu người ở Campuchia, Lào, Thái Lan, và Việt Nam gấp gần 4 lần so với trung bình thế giới. Thủy sản nước ngọt đánh bắt ở Campuchia khoảng 25kg/người/năm đứng cao nhất thế giới. Một khảo sát của Đại học An Giang năm 2010 tại huyện Châu Phú, An Giang cho thấy người dân tại đây tiêu thụ khoảng 31kg/người/năm.
Sự biến đổi tự nhiên theo mùa của sông Mêkông đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng sinh thái liên quan đến nước. Ảnh: Nguyễn Hữu Thiện
Quan điểm thứ 7: Thủy điện giúp giảm lũ và tăng dòng chảy mùa khô, tốt cho ĐBSCL
Kinh nghiệm trong nước, nhất là thủy điện ở miền trung trong những năm gần đây đã cho thấy các đập thủy điện không bao giờ thực hiện được chức năng cắt lũ, nhất là khi có lũ lớn.  Các nhà đầu tư xây dựng thủy điện là vì lợi ích thu nhập đối với đồng tiền họ bỏ ra đầu tư chứ không phải vì lợi ích của người dân ở hạ lưu đập. Thực tế khi có lũ lớn, để bảo vệ đập, các nhà vận hành sẽ xả lũ khi ở hạ lưu đã ngập gây ra hiện tượng lũ chồng lũ gây thiệt hại tài sản và tính mạng con người ở hạ lưu đập.
Sông Mêkông  là một dòng sông độc đáo vì lưu lượng mùa lũ gấp 30 lần lưu lượng mùa khô.  Sự biến đổi tự nhiên theo mùa của sông Mêkông đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng sinh thái liên quan đến nước.  Khí hậu của Lưu vực Mêkông  chịu ảnh hưởng của mưa mùa tây nam làm cho nước mùa lũ dâng lên vài mét.  Động thực vật trong các vùng đồng ngập lũ ở Campuchia và Việt Nam đã thích nghi với điều kiện sống theo chu kỳ năm như thế trong nhiều ngàn năm.  Chính “nhịp thủy văn” hàng năm này của hệ thống Mêkông  tạo ra năng suất và sự đa dạng sinh học cao trong vùng.  Nét văn hóa của vùng Mêkông  được hình thành trên nền tảng này từ xưa và ngày nay nhịp thủy văn này vẫn là nền tảng của nền kinh tế ở đây.  Mối liên hệ giữa nhịp thủy văn và năng suất đất, năng suất nông nghiệp, và năng suất sinh học là mối liên hệ tương tác rất phức tạp và chưa được hiểu rõ vì vậy lợi ích của nhịp thủy văn chưa được đánh giá và có thể dễ dàng bị xem nhẹ.
Quan điểm thứ 8: Việt Nam nên tham gia xây 2 đập trên dòng chính Mêkông
Trong danh sách các nhà đầu tư 11 đập thủy điện dòng chính Mêkông  có 2 công ty Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà (đập Stung Treng ở Campuchia, Petro Việt Nam (đập Luang Prabang ở Lào). Có lập luận cho rằng, Việt Nam nên tham gia xây 2 đập Stung Treng và Luang Prabang để tận dụng cơ hội kinh tế, mang điện về cho đất nước, và vì không xây thì các nước khác cũng nhảy vào đầu tư và nếu Việt Nam tham gia đắp thì có cơ hội tham gia điều tiết được nguồn nước cho ĐBSCL.
Theo báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược 2010, hai công ty nói trên đã ký Bản ghi nhớ đối với đập Luang Prabang ở Lào với công suất lắp máy 1410 MW và đập Strung Treng ở Campuchia với công suất lắp máy 980 MW.  Tuy nhiên việc này diễn ra trước khi có Đánh giá môi trường chiến lược nêu ra các tác động to lớn đối với Đồng bằng Sông Cửu Long và cho đến nay đối với 2 đập này không có tiến triển gì thêm sau Bản ghi nhớ và khảo sát nghiên cứu tiền khả thi.
Với những tác động tiềm tàng to lớn của các đập thủy điện dòng chính Mêkông  đối với ĐBSCL như thế và với việc Việt Nam đang nêu quan ngại về các đập này thì lập luận cho rằng Việt Nam nên tham gia đắp hai đập này là hoàn toàn không phù hợp bởi vì việc tham gia đó sẽ chịu áp lực phê phán của các nhà khoa học, các bên liên quan, và cộng đồng quốc tế, tạo ra một hình ảnh “tiền hậu bất nhất” cho Việt Nam.  Việc đắp hai đập này để “tham gia điều tiết nước cho ĐBSCL” là một lý luận rất mơ hồ, chưa có gì chứng minh khả thi, bởi vì 2 đập này nằm ở giữa các đập phía trên và phía dưới trong chuỗi bậc thang đập.  Hơn nữa, vấn đề tác động của thủy điện Mêkông  đối với ĐBSCL không chỉ là lượng nước mà còn là vấn đề phù sa và thủy sản và các hệ lụy kéo theo.
Lập luận tham gia đắp đập để mang điện về cho tổ quốc là chưa có cơ sở thuyết phục.  Chi phí tải điện rất đắt đỏ đối với thủy điện vì khoảng cách rất xa. Ví dụ, đập Nam Theun 2 ở Lào dù ở rất gần biên giới Thái Lan, vẫn cần 500km đường dẫn 500kV mới với chi phí khoảng 300.000 đến 800.000 đô la Mỹ/km để tải điện bán sang Thái Lan tại Nakhorn Sawan. Chi phí tải điện của Nam Theun 2 từ biên giới Thái đến mạng điện của Thái là hơn 150 triệu đô la Mỹ.
Quan điểm thứ 9: Nhưng thủy điện dòng chính Mêkông  sẽ đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của khu vực, không làm thủy điện thì làm sao?
Theo báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược, các dự án dòng chính chỉ tương đương 6-8% nhu cầu dự báo cho vùng Hạ lưu vực tính đến 2025, và chỉ tương đương với dự báo tăng nhu cầu của vùng Hạ lưu vực trong một năm (tính cho 11 đập, giả sử tổng công suất lắp máy là 14.000 MW và sản lượng 66.000 GWh/năm). Các đề xuất dự án dòng chính là quan trọng nhất đối với ngành điện của Campuchia vì Campuchia thì có ít các phương án thay thế để đáp ứng nhu cầu nội địa, còn ngành thủy điện của Lào có thể phát triển các dự án chi lưu cho nhu cầu trong nước và việc xuất khẩu điện có thể tiếp tục ở mức độ lành mạnh khi không có các dự án dòng chính vì Lào có nhiều tiềm năng thủy điện chi lưu hấp dẫn kinh tế, phù hợp cho xuất khẩu.
Đối với Việt Nam và Thái Lan, thủy điện dòng chính ở Hạ Lưu Vực có tầm quan trọng nhỏ đối với nhu cầu năng lượng quốc gia. Trong khi lợi ích ròng đến từ các đập dòng chính là khoảng 655 triệu đô la Mỹ đối với Thái Lan và Việt Nam, thì con số này nhỏ hơn 1% tổng giá trị hàng năm của ngành điện của các quốc gia này tính cho năm 2025.  Ngành điện của Thái và Việt Nam có chi phí nhiệt điện thấp. Vì vậy, thủy điện dòng chính sẽ có tác động rất nhỏ lên giá điện của các hệ thống điện này (giảm chi phí cho người tiêu dùng khoảng 1,5%). Với độ lớn nhu cầu điện của Thái Lan và Việt Nam, các dự án thủy điện dòng chính sẽ không làm thay đổi các chiến lược năng lượng quốc gia của các quốc gia này, theo tiêu chí về giá thấp nhất.
Thực tế là dự báo điện của các quốc gia Mêkông chủ yếu dựa vào dự báo phát triển kinh tế trong tương lai và luôn cao hơn nhu cầu thực tế vì dự báo kinh tế càng dài hạn càng không chắc chắn. Năm 2009, Thủ tướng Thái Lan đã chỉ đạo cho EGAT (Cơ quan điện lực Thái Lan) rà soát lại nhu cầu điện của quốc gia này sau cuộc khủng hoảng kinh tế vì dự báo đã được đưa ra trước theo nhu cầu điện trước khủng hoảng. Trước đó EGAT cũng đã từng bị phê phán vì đưa ra những ước lượng quá cao về nhu cầu điện dẫn đến việc đầu tư tràn lan không cần thiết đối với thủy điện và các nguồn khác. Tương tự, các dự báo về nhu cầu điện của Việt Nam cũng hàm chứa rất nhiều sự không chắc chắn, được đưa ra trước khủng hoảng kinh tế.
Vì thủy điện trước đây vẫn được hiểu sai là sạch và rẻ nên thủy điện thường được mặc nhiên đưa vào các kế hoạch phát triển điện mà ít phải so sánh chi phí với các phương án khác ít tốn kém hơn về mặt xã hội, môi trường. Một nghiên cứu của Ngân hàng thế giới năm 2005 kết luận là thậm chí đối với trường hợp đập Nam Thuen 2 được xem là chi phí tương đối thấp vì ở gần biên giới Thái Lan thì đầu tư vào các biện pháp tiết kiệm năng lượng sẽ rẻ hơn nhiều. 
Có nhiều việc có thể làm để thay thế nguồn điện từ thủy điện có thể xem xét. Những thay đổi này đòi hỏi phải có đầu tư và thời gian, nhưng có thể sẽ rẻ hơn so với thủy điện nếu tính đúng, tính đủ chi phí và lợi ích. Các biện pháp quản lý phía cầu bao gồm, ví dụ, sử dụng điện hiệu quả, giảm tổn thất phân phối điện, điều chỉnh hệ số hiệu suất điện (power factor) để tránh lãng phí, tái cơ cấu sử dụng điện, áp dụng thang giá điện, bù giá cho tiết kiệm điện, và biện pháp thuế. Các biện pháp quản lý phía cung bao gồm, ví dụ, tăng hiệu suất bên cung cấp điện, chính sách thu hút đầu tư, sử dụng nhà máy nhiệt điện truyền thống (gas, than, dầu), thủy điện dòng nhánh ở nơi phù hợp, áp dụng các công nghệ thủy điện mới như không đắp toàn bộ dòng sông, năng lượng tái tạo (gió, sinh khối, điện mặt trời), các dạng phát điện khác (hạt nhân?), và hệ thống phát điện phi tập trung hóa.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Tính cách người Việt theo vùng miền"

Thảo luận về "Văn hoá & tính cách con người Việt theo vùng miền" trên  Trái tim Việt Nam online . Người bắc thường ăn nói nhẹ nhàng, kín đáo, thường hay suy nghĩ sâu xa. Người miền trung thì mọc mạc, chất phác lại hay có tính cục bộ. Người miền nam thì phóng khoáng cởi mở, dễ gần.Dân miền Bắc thường thể hiện mình qua lời nói, trong bất cứ tình huống nào họ cũng đều phải nói cho được. Dân miền Trung thường thể hiện mình qua thái độ, cử chỉ, còn miền Nam thì thể hiện qua phong cách. Nói chung dân Bắc-Trung-Nam đều diễn tuồng cả, cho nên lời nói lúc thì nhẹ nhàng điềm đạm, lúc lại gắt gỏng chua ngoa, thái độ có lúc thì đằm thắm, khi thì thì lại khinh bạc, phong cách thì có lúc phóng khoáng lúc lại dè dặt... Ấn tượng bên ngoài là như thế nhưng có khi bạn cũng thấy là chẳng ai tranh cãi lý luận lại người Trung, thái độ cử chỉ của dân Bắc cũng có thể khiến bạn dè chừng, và lời nói hay thái độ của dân Nam cũng khiến bạn chạy dài... Muốn kiểm chứng thì bạn cứ bỏ ra

ART NUDE PHOTOS của Dương Quốc Định

Quên những bộn bề lo toan giá vàng lên xuống, giá lúa, cá tra giảm, chuyện nhà khoa học phải nói dối ... để  ngắm ảnh các em xinh đẹp. Và nếu như kết quả nghiên cứu khoa học của một bà đầm Đức  là khoa học  (không như ta nói dối nhiều quá):  DÒM VÚ PHỤ NỮ TĂNG TUỔI THỌ     (Blog này đã từng có bài, nằm trong nhóm truy cập nhiều nhứt, có lẽ nhiều người đã luyện tập?) thì quý ông cũng nên tập thể dục con mắt một tí nhé. Xin mượn mấy tấm ảnh của nhà nhiếp ảnh Dương Quốc Định làm  dụng cụ luyện tập, ai có điều kiện thì xài hàng thật. Bộ sưu tập những bức ảnh khỏa thân và bán khỏa thân nghệ thuật của nhiếp ảnh gia trẻ Dương Quốc Định. Rất nhiều ảnh trong bộ sưu tập này đã đoạt những giải thưởng quốc tế uy tín. Cảm ơn tác giả đã chia sẻ tác phẩm trên internet. Mời bạn xem qua phần thể hiện bộ sưu tập trên PPS của chúng tôi. Link PPS:  http://vn.360plus.yahoo.com/nns-nguyennamson/article?new=1&mid=112 Chân dung Dương Quốc Định Dương Quốc Định  sinh năm 1967,

Phải dẹp bỏ '"quy định riêng"

   TRẦN HỮU HIỆP Báo Tuổi Trẻ - 30/08/2021 11:25 GMT+7 TTO - Nỗ lực của các địa phương để kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh là rất đáng ghi nhận, nhưng cách làm cứng nhắc, thiếu phối hợp, biểu hiện cục bộ địa phương gây chia cắt không gian vùng, làm tắc nghẽn lưu thông cần phải được dẹp bỏ. Xe chở hàng tại bến xe khách trung tâm TP Cần Thơ chờ làm thủ tục trung chuyển hoặc đổi tài xế sáng 26-8 - Ảnh: CHÍ CÔNG Mấy ngày qua, đã xảy ra tình trạng xe chở hàng ùn ứ ở cửa ngõ Cần Thơ. Giao thông "luồng xanh" bị ách tắc tại đầu mối giao thông quan trọng nhất của vùng ĐBSCL. Các địa phương phàn nàn, nhiều doanh nghiệp kêu than, hiệp hội ngành hàng bức xúc kêu cứu, kiến nghị tháo gỡ... "Quy định riêng" của TP Cần Thơ đối với hàng "quá cảnh", dù đã đảm bảo các yêu cầu chung về phòng dịch và được "thông chốt" khi qua các địa phương khác, nhưng khi vào địa bàn thành phố vẫn phải thực hiện các thủ tục khai báo trước với các sở ngành và buộc phải tập kết hàn