TS TRẦN HỮU HIỆP
Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định rõ quan điểm: "Đây là nhiệm vụ không chỉ của riêng Cần Thơ mà còn là nhiệm vụ của cả vùng ĐBSCL và cả nước, trong đó nguồn lực nội tại của TP là chủ lực, nguồn lực trung ương có vai trò hỗ trợ".
"Cần Thơ là đô thị sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL thuộc nhóm các TP phát triển khá ở châu Á". Cần hiện thực hóa tầm nhìn đó với các thang đo cụ thể hơn bằng luận cứ khoa học chắc chắn và thực tiễn phong phú. Kết quả cuối cùng vẫn là lời giải cho bài toán kinh tế, bố trí nguồn lực "đầu vào" đúng nhu cầu, khả năng đáp ứng và kết quả "đầu ra" trên cơ sở các tiêu chí định lượng và hiệu quả xã hội "chất lượng cuộc sống của người dân" TP Cần Thơ.
So sánh "trình độ khá" của TP Cần Thơ trong mối tương quan với "các TP châu Á", việc đầu tiên cần phải hiểu đối tượng so sánh trong mối quan hệ với các đô thị trong vùng, cả nước và hệ thống "các TP châu Á". Hiện có bao nhiêu cán bộ lãnh đạo, doanh nghiệp, người dân hiểu biết được "trình độ phát triển của các đô thị châu Á" mà TP Cần Thơ đang phấn đấu để "đạt khá" trong 10 năm tới?
Một TP Cần Thơ trung tâm vùng ĐBSCL về thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục, công nghệ... được nhận diện, thể hiện ngày càng rõ nét. Dịch vụ và công nghiệp của TP Cần Thơ chiếm 92,3% trong cơ cấu GRDP năm 2019; thu hút được nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội lớn hơn gấp 7,1 lần so năm 2005, đứng đầu vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, Tây Đô cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém như phát triển kinh tế chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế; chưa thực sự là trung tâm động lực của vùng ĐBSCL. Cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch chậm và "chưa trở thành TP công nghiệp trước năm 2020".
Vấn đề đầu tiên cho đầu tư phát triển tới đây vẫn là nguồn lực ở đâu và sử dụng nguồn lực hiệu quả như thế nào, trong đó có nguồn lực tài chính. Một trung tâm vùng không thể phân bổ nguồn lực dàn đều mà phải có cơ chế bứt phá. Trong khi nguồn lực ngân sách giới hạn, căng kéo bởi nhu cầu thì cơ chế huy động vốn xã hội là cực kỳ quan trọng. Hà Nội có Luật Thủ đô, TP HCM có Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù, tăng quyền tự chủ cho chính quyền địa phương, liệu TP Cần Thơ sau Nghị quyết 59-NQ/TW có thể có cơ chế tương tự để tạo lực bứt phá vượt lên?
Định hướng chính sách dài hạn cho TP Cần Thơ không có con đường nào khác là chuyển đổi mô hình tăng trưởng, dựa vào hiệu quả, sức cạnh tranh nhằm tạo sự tăng trưởng kinh tế cao hơn, bền vững, phát huy lợi thế trung tâm vùng và tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng, chủ động hội nhập quốc tế. Nỗ lực trong ngắn hạn của TP Cần Thơ cần tập trung cho các khâu đột phá đã được xác định: thể chế, phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao trong vùng. Nhưng hệ thống chính sách, giải pháp đi kèm phải đồng bộ, hiệu quả nhằm xây dựng cơ sở vững chắc không chỉ cho TP mà còn đang được kỳ vọng là bệ phóng cho ĐBSCL phát triển.
https://nld.com.vn/thoi-su/be-phong-cho-dbscl-20200911230151037.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét