Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL
Thứ Ba, 17/11/2020 07:24
(ĐTTCO) - Nhiều nước ở châu Âu đang bước vào đợt phong tỏa mới để khống chế dịch Covid-19. Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn để kích cầu du lịch.
Góc ảnh du lịch ĐBSCL.
Trong bối cảnh đó, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang nổi lên là điểm đến an toàn cho du khách, nên cần nỗ lực xây dựng thương hiệu du lịch an toàn Mekong bằng hành động thiết thực.
Du lịch an toàn từ góc nhìn ĐBSCL
Trong khi chúng ta liên tục nhiều ngày qua không xuất hiện ca lây nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng, châu Âu đang bước vào đợt phong tỏa mới khi nhiều nước đang vật lộn với dịch bệnh. Vì thế, hình ảnh điểm đến an toàn của du lịch Việt Nam cần được trân trọng, giữ gìn không chỉ với niềm tự hào, phải bằng các giải pháp thiết thực, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an toàn trước dịch bệnh. 2 yêu cầu này thật sự không dễ dàng, nhưng không phải không thực hiện được.
Việt Nam là điểm đến an toàn và ĐBSCL là một trong những vùng an toàn nhất, đã được chứng minh qua 2 đợt bùng phát dịch bệnh vừa qua. Nhưng thành tích này không đảm bảo chắc chắn cho an toàn sắp tới. Nếu chủ quan, lơ là, bỏ qua các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, nhất là ở những giai đoạn nhạy cảm, chắc chắn chúng ta sẽ phải trả giá.
Đợt bùng phát dịch bệnh trở lại hồi giữa năm nay tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, cũng như dịch bệnh đang tái diễn khốc liệt tại nhiều nước châu Âu, buộc chính phủ các nước phải thực hiện lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, là những bài học thực tiễn các tỉnh thành vùng ĐBSCL, nhà quản lý, người làm du lịch, du khách và mỗi người dân ĐBSCL, cho dù dân thường hay người kinh doanh mua bán gắn liền với chuỗi hoạt động du lịch đều phải chiêm nghiệm, giữ gìn.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp liên quan đến tất cả ngành, giao thông vận tải, tổ chức biểu diễn, ăn uống, vui chơi giải trí, an ninh trật tự... Cho nên, tiêu chí đảm bảo an toàn không chỉ đặt ra đối với ngành du lịch, còn là nhu cầu thiết thực đối với mọi hoạt động kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục, môi trường.
Nhu cầu an toàn không chỉ đặt ra với những người làm du lịch, quan tâm đến du lịch, còn là nhu cầu chung của toàn xã hội. Chính vì vậy, diện mạo của du lịch an toàn chúng ta đang đi tìm nằm ngay trong diện mạo chung của cơ thể nền kinh tế và hồn cốt văn hóa, ý thức chung của toàn xã hội nên cần bàn cách để giữ gìn, phát huy và ứng phó phù hợp trong tình hình mới.
Tiêu chí an toàn du lịch “3 trong 1”
Liệu có mâu thuẫn khi kích cầu du lịch nhưng lại đặt ra tiêu chí an toàn trong việc kiểm soát, thậm chí có phần hạn chế du khách và người kinh doanh du lịch? Thực ra các tiêu chí an toàn du lịch sẽ không trở thành rào cản, điểm vướng chân du khách, làm khó người kinh doanh du lịch, mà chủ yếu linh hoạt ứng phó trước cấp độ diễn biến của dịch bệnh: “bình thường, báo động, nghiêm ngặt”. Và khi dịch bệnh chuyển biến tốt, có thể tự động chuyển đổi sang trạng thái bình thường mới một cách linh hoạt mà không phụ thuộc bởi quá nhiều tầng nấc, nhiều cấp, nhiều ngành có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục hành chính nặng nề. Theo đó, các tiêu chí an toàn du lịch cần được tích hợp yêu cầu “3 trong 1”.
Thứ nhất, an toàn du lịch phải được tiếp cận hệ thống. Lâu nay chúng ta đã đặt ra và bước đầu thực hiện có hiệu quả các hoạt động liên kết vùng, chuỗi sản phẩm du lịch. Nay trước yêu cầu phòng tránh dịch bệnh, thực hiện du lịch an toàn cần tiếp tục phát huy trong tình hình mới. Cần đưa các yêu cầu, tiêu chí an toàn du lịch vào các hoạt động liên kết du lịch theo cụm, theo không gian và sản phẩm du lịch. Theo đó, việc liên kết này cũng cần được thực hiện theo chuỗi du lịch (vận tải - lữ hành, điểm đến - lưu trú và các hoạt động kết hợp trong chuỗi). Bởi nếu không kết nối, chỉ một địa phương, một khâu trong chuỗi du lịch không an toàn sẽ làm mất an toàn hệ thống cả vùng ĐBSCL. Vì thế, Tổng cục Du lịch, UBND các địa phương trong vùng cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ hơn các hoạt động kết nối, liên kết du lịch gắn với yêu cầu an toàn trong tình hình mới.
Thứ hai, an toàn du lịch không thể cảm tính mà cần được lượng hóa bằng các tiêu chí rõ ràng, dễ thực hiện. Vừa qua, một vài địa phương đã nỗ lực ban hành tiêu chí du lịch an toàn rất đáng ghi nhận. Nhưng, hoặc là các tiêu chí này quá nặng về an toàn dịch tễ mà không có cơ chế tự động chuyển đổi, nên khi tình hình dịch bệnh diễn biến tốt hơn, nó đã trở nên nặng nề. Hoặc khi dịch bệnh diễn biến xấu đi, lúc cần các tiêu chí không phát huy đủ tác dụng góp phần kiểm soát dịch bệnh. Vấn đề đặt ra là xây dựng khung thống nhất về tiêu chí an toàn du lịch, được vận hành trên nền tảng công nghệ, không phải bằng biện pháp thủ công cứng nhắc làm nản lòng du khách và người kinh doanh du lịch.
Thứ ba, tiêu chí an toàn cần công nghệ hữu dụng và linh hoạt. Theo đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy các giá trị văn hóa, ẩm thực, ý thức an toàn không quá cứng nhắc làm mất đi sự hiếu khách mở lòng của văn hóa bản địa Tây Nam bộ. Cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa, khuyến khích các cơ sở du lịch ứng dụng các mô hình kinh tế chia sẻ nhiều hơn.
Theo đó, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh phù hợp với xu hướng cách mạng 4.0 gắn với tiêu chí du lịch an toàn. Số hóa các dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú; kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý; phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách du lịch tại các địa bàn du lịch trọng điểm trong đó có các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch…
Thông qua thương hiệu “du lịch an toàn Mekong”, các tỉnh, thành trong vùng, cơ quan, đơn vị làm du lịch và người dân cùng hành động, hợp lực thực hiện để đáp ứng tốt nhất nhu cầu du lịch an toàn trước yêu cầu mới. |
https://www.saigondautu.com.vn/kinh-te/thuong-hieu-du-lich-an-toan-mekong-85733.html
Nhận xét
Đăng nhận xét