TS TRẦN HỮU HIỆP
Thứ Bảy, 13-03-2021, 15:43
Tài nguyên đất và nước được ví như đôi chân kiến tạo và phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), từ đó hình thành trục xương sống của kinh tế vùng là nông nghiệp, thủy sản. Tuy nhiên, “đôi chân” phát triển đồng bằng đang đứng trước ba tầng thách thức to lớn, đòi hỏi phải có một sự chuyển đổi mô hình phát triển.
Cẩn trọng với “thế gọng kìm”
Theo thống kê, hiện mặt hàng lúa gạo của ĐBSCL chiếm hơn 90% sản lượng xuất khẩu cả nước, 20% thị phần lúa gạo thương mại toàn cầu, các mặt hàng tôm, cá tra, trái cây có mặt hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần đưa Việt Nam vào tốp 15 nước xuất khẩu nông sản trên thế giới… Đây là những con số được đề cập nhiều năm qua, nhưng đã đến lúc cần được nhận thức lại trước những thách thức mới.
Trước hết, cần nói đến thách thức mang tính toàn cầu xuyên biên giới chính là biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng và yêu cầu hội nhập, cạnh tranh, phòng, chống dịch bệnh lây lan xuyên biên giới. Thách thức mang tính khu vực là việc sử dụng nước đầu nguồn sông Mê Công mà ĐBSCL đang trong tư thế bị động của vùng hạ lưu. Đó còn là thách thức từ chính các vấn đề nội tại của đồng bằng do một thời gian dài phát triển theo hướng thâm dụng tài nguyên, hoạt động kinh tế với cường độ cao nảy sinh các hệ lụy về môi trường, sụt lún, sạt lở cùng với hiện trạng sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết thực chất.
Lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn nước của vùng ĐBSCL ngày càng giảm đi; thiên tai, dịch bệnh, BĐKH ngày càng khốc liệt hơn. Lối mòn tư duy làm nông nghiệp truyền thống, chạy theo số lượng, coi nhẹ chất lượng, quên giá trị như đang bị nhân lên, trở thành những tác động tiêu cực tích lũy trước sức ép cạnh tranh - hội nhập - BĐKH. Rồi bất cập về kết nối cung - cầu, sản xuất với tiêu thụ nông sản… đang đặt ra cho vùng những thách thức to lớn. Điều đáng nói, các tầng thách thức không tác động riêng lẻ mà tạo ra “thế gọng kìm”, mang tính tích lũy, liên hoàn dẫn đến nhiều hệ lụy cho phát triển vùng.
Những thách thức to lớn mà ĐBSCL đang đối mặt đòi hỏi sự nhận diện mang tính hệ thống, có chiến lược ứng phó dài hạn, sự tiếp cận đa ngành và phối hợp giải quyết liên ngành. Việc Chính phủ xác định “Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH” cần được xem là cách tiếp cận mới, giải pháp tổng thể giúp phá cho được thế “gọng kìm” nói trên.
Mô hình phát triển “thuận thiên”
Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng BĐKH, quy hoạch tích hợp vùng đang được các địa phương thực hiện với kỳ vọng góp phần chuyển đổi mô hình phát triển mới cho vùng ĐBSCL trong giai đoạn tới.
Quy hoạch tích hợp cấp vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, dựa trên tinh thần Nghị quyết 120 chính là cơ hội cho đồng bằng. Bên cạnh đó, Luật Quy hoạch 2017, Nghị quyết 120 và Quyết định 593 của Chính phủ về liên kết vùng có thể xem là “bộ ba chính sách vàng” cho ĐBSCL, mang nhiều hy vọng cho vùng đất sông nước này. Tuy nhiên, chính sách tốt chưa đủ, còn cần phải được cụ thể hóa bằng các chương trình kế hoạch trung hạn, ngắn hạn và hằng năm, không chỉ nằm trong những cân đối từ khu vực đầu tư công mà cần được chuyển hóa thành chương trình, dự án đầu tư cụ thể từ khu vực tư nhân.
Diện mạo tương lai của ĐBSCL cần được hình thành trên các trụ cột phát triển bền vững: Kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa bản địa. Ứng phó với thiên tai bất thường, trước một tương lai bất định, thì con người cần cách tiếp cận mới, vừa chắc chắn, vừa linh hoạt, vừa bảo đảm yêu cầu của hiện tại, nhưng không làm tổn hại và đáp ứng nhu cầu của tương lai với nguyên tắc không hối tiếc. Vấn đề cốt lõi của ĐBSCL vẫn là định vị lại vùng này, bố trí không gian và huy động các nguồn lực phát triển.
Bởi các trụ cột phát triển vùng phải được xây dựng trên nền tảng văn hóa bản địa; lấy yếu tố con người làm trung tâm, trở thành chìa khóa tăng trưởng. Muốn tháo gỡ nút thắt phát triển của ĐBSCL, trước hết cần ưu tiên tập trung ba nhóm giải pháp sau:
Một là, nội dung quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL phải tạo được khung chính sách để tổ chức huy động tốt các nguồn lực thực thi quy hoạch; xây dựng cơ chế, chính sách mới nhằm phát triển, thu hút đầu tư, bảo đảm tính liên kết giữa các địa phương trong vùng và với các khu vực khác. Cần xây dựng các chương trình trọng điểm quốc gia cho vùng ĐBSCL để triển khai thực hiện quy hoạch.
Theo đó, cần bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phát triển vùng; xây dựng cơ chế phối hợp, giám sát, đánh giá tiến độ và hiệu quả thực thi quy hoạch. Thúc đẩy hình thành các quỹ đầu tư, các cơ chế huy động vốn khuyến khích cho vay, tăng cường năng lực cho các thành phần kinh tế. Xây dựng cơ chế tài chính riêng cho vùng thông qua nguồn lực trong và ngoài nước, hoàn thiện thể chế về môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư tư nhân là điều kiện cần để giải quyết điểm nghẽn vốn đầu tư.
Trước cơ hội và thách thức mới, ĐBSCL phải thay đổi mô hình phát triển theo hướng tập trung hơn; phát triển các trung tâm kinh tế, các đô thị động lực, tập trung nguồn lực cho sự phát triển bền vững vùng. Đầu tư là giải pháp quan trọng trong giai đoạn đầu của quy hoạch vùng, nên cần tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, tạo ra các trục xương sống cho phát triển.
Yêu cầu đặt ra là không chỉ nhận thức đúng về thời cơ và thách thức mà còn cần định vị đúng vai trò, vị trí của vùng ĐBSCL trong tiến trình phát triển. Mệnh lệnh từ thực tiễn đang đòi hỏi Nhà nước gia tăng vai trò kiến tạo, còn doanh nghiệp cần được phát huy để có thể hành động hiệu quả và người dân cần không gian đủ rộng để tăng cường đổi mới, sáng tạo. Không chỉ huy động nguồn lực ở khu vực công mà quan trọng hơn là thu hút được khu vực tư nhân tham gia phát triển vùng.
Tầm nhìn dài hạn trước thách thức, cạnh tranh cho một ĐBSCL phát triển an toàn, trù phú và bền vững trong tương lai đòi hỏi mô hình phát triển mới của ĐBSCL phải vượt qua các “điểm nghẽn” bằng cơ chế tài chính vượt trội, kiến tạo các hành động đột phá, không chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế, mà quan trọng hơn, phải tạo ra được sự phát triển toàn diện, bền vững.
https://nhandan.vn/chuyen-de-cuoi-tuan/bo-ba-chinh-sach-phat-trien-dong-bang-song-cuu-long-638319/
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhãn
Báo chí- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét