TS TRẦN HỮU HIỆP
Cuối tuần này, Thủ tướng Chính phủ
sẽ chủ trì hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về
"Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu".
Tài nguyên đất và nước ví như đôi
chân kiến tạo và phát triển ĐBSCL, hình thành trục xương sống của kinh tế vùng
là nông nghiệp, thủy sản, không chỉ giúp ĐBSCL trù phú hơn mà còn đóng góp to lớn
cho quốc gia và quốc tế. Thế nhưng, lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn nước của
ĐBSCL ngày càng giảm đi, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng khốc
liệt hơn. Vấn đề cốt lõi của ĐBSCL vẫn là định vị lại vùng, bố trí không gian
và huy động các nguồn lực phát triển.
Với Nghị quyết 120, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ là tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên. Lấy con người làm trung tâm, tiếp cận chủ động, linh hoạt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra nhanh, ngày càng cực đoan.
Tư duy quy hoạch tích hợp mang
tính không gian vùng, tiểu vùng và liên kết đòi hỏi phải thực thi mệnh lệnh
liên kết vùng. Mạnh ai nấy làm như mọi khi, địa phương nào biết địa phương đó,
ngành nào biết ngành đó không còn phù hợp. Tiếp cận theo vùng, liên vùng, phối
hợp liên ngành cùng hành động mới mong thích ứng trước các biến đổi tự nhiên và
xã hội. Qua 3 năm triển khai thực hiện ngày càng chứng minh đây là quyết sách sống
còn cho vùng nông nghiệp trọng điểm quốc gia ĐBSCL.
Thực hiện Nghị quyết 120, các bộ,
ngành trung ương và địa phương đã lồng ghép vào nhiệm vụ, quan tâm thực hiện
yêu cầu công tác quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, tăng cường liên kết các tiểu
vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, ven biển phía Đông và bán đảo Cà Mau để
đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.
Tuy có nhiều điểm sáng nhưng trước
yêu cầu phát triển đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa. Một số vấn đề mới, quan trọng,
mang tính đột phá nêu trong nghị quyết như hội đồng điều phối vùng về mặt tổ chức,
hiệu quả thực sự còn chờ kết quả thực tiễn. Việc đề xuất hình thành quỹ phát
triển bền vững vùng, thành lập trung tâm thông tin tích hợp dữ liệu vùng đang dần
lộ rõ hình hài, chưa có kết quả thực tế. Vấn đề quan trọng mang tính cốt lõi là
phải hình thành một tổ chức bộ máy điều phối vùng thực sự hiệu quả. Thực tiễn
cho thấy một số mô hình cấp vùng đã được thành lập rồi kết thúc cần được đúc kết
thành các bài học quý báu trong phát triển vùng thời gian tới.
Để Nghị quyết 120 tiếp tục đi vào
cuộc sống đòi hỏi thực thi chủ trương, quyết sách bằng sức mạnh của cả hệ thống
chính trị. Làm sao để nghị quyết không chỉ là công cụ định hướng trong nội bộ
mà phải là tài sản chung, có sự tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp.
Để nghị quyết có sức sống bền vững trong hiện thực, vẫn rất cần việc hiện thực
hóa bằng nguồn lực vật chất cụ thể được bố trí khoa học, đáp ứng được nhu cầu
thực tiễn và bảo đảm hiệu quả, minh bạch và trong sạch.
Nhân dân đang kỳ vọng, nhưng nhân
dân cũng chính là những người thầy nghiêm khắc từ thực tiễn. Kết quả hơn 3 năm
thực hiện Nghị quyết 120 cần được nhân lên trước yêu cầu và thách thức mới
trong thực tiễn.
https://nld.com.vn/thoi-su/hien-thuc-hoa-quyet-sach-dong-bang-20210310225325206.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét