XUÂN TRƯỜNG
Đã qua 1 tháng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, con tôm Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn khi xâm nhập thị trường EU thông qua “đường cao tốc EVFTA”. Tuy nhiên, để hưởng lợi tối đa từ cao tốc này, một trong những việc cần làm ngay là làm sao nâng được số diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận ASC ngày một nhiều hơn.
Lợi thế “chiếu trên”
Trước đây, chỉ với mức ưu đãi thuế quan phổ cập (gọi tắt là GSP), con tôm Việt Nam đã có được thuận lợi lớn khi xâm nhập thị trường EU, đưa EU trở thành một trong 4 thị trường tiêu thụ tôm lớn của Việt Nam. Nay, EVFTA đã chính thức có hiệu lực với những ưu đãi thuế quan còn cao hơn cả GSP, nên con tôm Việt Nam càng có nhiều lợi thế hơn so với các đối thủ chưa có FTA với EU. Một trong những lợi thế chung lớn nhất của con tôm Việt Nam là tôm chế biến bình thường (tôm nguyên con cao cấp hoặc bỏ vỏ chế biến đông lạnh) có mức thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, còn lợi thế chiều sâu là trình độ chế biến tôm của các doanh nghiệp Việt Nam cao hàng đầu thế giới.
Do vậy, theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta - Sóc Trăng: Những mặt hàng tôm chế biến sâu, như: tôm luộc, tôm bao bột, tôm chiên tuy có mức thuế cao và lộ trình về 0% mất 5-7 năm, nhưng do mức thuế cao (trên 20%) sẽ tạo chênh lệch lớn với tôm nhập khẩu từ các nước không có FTA với EU. Ông Lực khẳng định: “Như vậy, nhờ có EVFTA, con tôm Việt Nam sẽ có ưu thế vô cùng lớn để thâm nhập hệ thống phân phối tôm cao cấp ở thị trường EU”.
Từ trước đến nay, dù giá thành sản xuất tôm nguyên liệu Việt Nam luôn cao hơn một số nước từ 20-30%, nhưng con tôm Việt Nam không chỉ cạnh tranh một cách sòng phẳng mà còn ở “chiếu trên” trong một số phân khúc thị trường so với con tôm các nước. Giải thích vấn đề trên, ông Lực cho biết: “Đó là nhờ ở trình độ chế biến và sự đa dạng sản phẩm chế biến của các doanh nghiệp ngành tôm Việt Nam. Đơn cử như thị trường Nhật Bản luôn có giá khá tốt, nhưng sản phẩm đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ cao trong quá trình chế biến, nên muốn bán được hàng vào thị trường này, ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm ra, sản phẩm phải có tính thẩm mỹ cao, mà điều này nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện rất tốt nhờ trình độ tay nghề chế biến của công nhân Việt Nam rất khéo léo”. Qua thâm nhập khúc thị trường cao cấp, các doanh nghiệp chế biến Việt Nam có nguồn giá trị thặng dư chia sẻ người nuôi thông qua giá mua tôm nguyên liệu.
Chính từ lợi thế trên, nên có những thời điểm giá tôm thế giới xuống thấp, người nuôi tôm một số nước thua lỗ, nhưng toàn ngành tôm Việt Nam vẫn vượt qua, doanh nghiệp và người nuôi tôm vẫn bảo toàn được nguồn vốn, một số có lãi. Đơn cử như những tháng đầu năm 2018 - 2019, giá tôm rớt thê thảm, nhưng các doanh nghiệp tôm vẫn có được thị trường tiêu thụ tốt, giúp ngành tôm nhanh chóng phục hồi và về đích trong những tháng cuối năm. Hay như những tháng đầu năm 2020 này, thị trường tôm thế giới liên tục biến động do ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn và nhất là dịch COVID-19, nhưng giá tôm trong nước vẫn được giữ vững và hiện đang tăng trở lại cũng là nhờ một phần ở việc chiếm lĩnh phân khúc thị trường cao cấp từ các sản phẩm chế biến sâu.
Rào cản nhỏ lẻ, manh mún
Nếu nhìn vào các ưu đãi về thuế suất của EVFTA có thể thấy, con tôm Việt Nam sẽ có rất nhiều lợi thế so với một số đối thủ cạnh tranh chính như Thái Lan, Ấn Độ… nhưng để bán được con tôm vào thị trường EU với thuế suất ưu đãi từ EVFTA không phải dễ, đó là:
Xác định thị trường EU là một thị trường khó tính, nhất là vào khúc phân phối cao cấp con tôm, ngoài việc không còn chất Ethoxyquin (áp dụng từ đầu tháng 4.2020) còn phải đạt chứng nhận ASC, phải được truy xuất nguồn gốc rõ ràng… Đề cập đến việc này Bà Quách Thị Thanh Bình - Phó Chi cục Thủy sản Sóc Trăng - cho biết: Toàn tỉnh chỉ mới đạt hơn 10% trên diện tích vùng nuôi. Do đặc trưng nghề nuôi ở địa phương mang tính nhỏ lẻ là phổ biến, nên cấp mã số hộ nuôi, vùng nuôi gặp không ít khó khăn. Thời gian qua, dù rất nỗ lực phối hợp với các đơn vị, địa phương nhưng số lượng hộ nuôi được cấp mã số vùng nuôi cũng chưa đạt theo yêu cầu. Phần lớn mã số được cấp chủ yếu tập trung ở các trang trại, hợp tác xã (HTX) tổ hợp tác (THT) và hộ nuôi tôm có diện tích tương đối lớn.
Thế nhưng, Ông Mã Văn Hồng - Giám đốc HTX Tôm - Lúa Hòa Đê, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) lại nhìn khác: Dù đã liên kết thành HTX, THT nhưng vẫn còn khó do các thành viên còn mua vật tư đầu vào: Con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học… nhỏ lẻ ở nhiều đại lý khác nhau, nên việc tập hợp hóa đơn, chứng từ để thực hiện đánh giá theo các tiêu chuẩn gặp không ít khó khăn. Không chỉ ông Hồng nhiều doanh nghiệp cũng than phiền đầu tư theo chuẩn ASC chi phí lớn, nên chưa thật tích cực theo hướng này…
Bệ đỡ cho giải pháp liên kết
Giải quyết yêu cầu khối lượng từng đợt xuất hang , phần lớn doanh nghiệp phải đầu tư các khu nuôi riêng hoặc đầu tư, liên kết hỗ trợ người nuôi trong việc thực hành, tư vấn đánh giá đạt tiêu chuẩn ASC. Thực trạng này cho thấy diện tích hộ nuôi còn nhỏ lẻ… Chi phí tư vấn, đánh giá, cấp chứng nhận ASC sẽ bị đẩy lên quá cao so với nguồn lực tài chính của từng hộ nuôi tôm … không thể mở rộng được vùng nuôi theo chuẩn ASC. Chính vì vậy bên cạnh việc khuyến khích người nuôi liên kết các vuông tôm thành các HTX phải bắt đầu từ việc tạo quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư xây dựng vùng nuôi tôm quy mô lớn, đạt chứng nhận quốc tế… không chỉ vừa giúp giải quyết thế bí cho nhà đầu tư, vừa tăng nguồn thu cho ngân sách. Việc liên kết người nuôi tôm nhỏ lẻ vào các HTX, THT là rất cần thiết, nhằm tạo nên vùng nuôi đủ lớn để thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết đầu tư, tiêu thụ sản phẩm đạt chứng nhận ASC theo chuỗi giá trị con tôm. Hiện nay mô hình nuôi tôm nhỏ lẻ hầu hết có tỉ lệ thành công cao và đạt chứng nhận ASC đều là những mô hình nuôi lót bạt, hoặc nuôi ao tròn nổi 2-3 giai đoạn. Do đó, chính sách hỗ trợ hữu hiệu về vốn từ phía Nhà nước sẽ giúp cho người nuôi tôm có điều kiện nâng cấp mô hình nuôi có được chứng nhận ASC tham gia sâu vào sân chơi EVFTA, bởi nếu chỉ làm ASC mang tính đối phó như lâu nay, doanh nghiệp sẽ khó tồn tại ở thị trường EU.
Hồi đầu tháng 7 này, qua kiểm tra, tổ chức cấp chứng nhận ASC đã công bố đình chỉ chứng nhận một số vùng nuôi của một số doanh nghiệp Việt Nam do không đáp ứng các quy định… động thái tích cực này, hé lộ thái độ xử sự kiên quyết cho một lộ trình mới thoả mãn cho những yêu cầu về chất lượng sản phẩm nuôi trồng..
Con tôm Việt Nam bây giờ không phải chờ EVFTA như trước nữa mà ngược lại. Vấn đề còn lại là tự hoàn thiện mình để nhanh chóng bước vào EVFTA một cách tự tin và hiệu quả. Khi con tôm Việt Nam đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của thị trường này sẽ tạo ra nhiều triển vọng cho ngành Thủy sản Việt Nam.
Góc nhìn chuyên gia
GS-TS BÙI CHÍ BỬU: Theo được chuẩn mực của thị trường EU chính là giữ lấy sự ổn định và phát triển bền vững
EVFTA mở ra cho nông sản và lúa gạo ở ĐBSCL cơ hội lớn. Ba năm gần đây, tuy bị hạn hán, xâm nhập mặn nhưng gây thiệt hại không đáng kể, lúa gạo rủi ro dao động chỉ trong khoảng 10% sản lượng và liên tục giữ được sự ổn định về năng suất và sản lượng. Những năm qua năng suất và sản lượng gần như luôn tăng trưởng chỉ có rủi ro về giá, sự ổn định này là thế mạnh của ĐBSCL khi tham gia hiệp định EVFTA, Duy chỉ chú ý những vấn đề lớn:
Đầu tiên là phải chú ý giữ vững phẩm chất lúa gạo, trong đó phải đảm bảo truy suất được nguồn gốc, điều này phải có vai trò của doanh nghiệp kìm giữ nông dân theo từng tiêu chí, ví như lâu nay nông dân chỉ chèo chống trong luồng lạch nhỏ, bây giờ bơi ra biển phải có thuyền to mới chịu đựng sóng to gió lớn, lĩnh vực này nông dân không thể đơn độc chiến đấu…
Cần tổ chức lại phương thức thu mua lúa trong nông dân, lâu nay thương lái chỉ theo tập quán cũ vào từng ruộng lúa để thu gom dẫn đến tình trạng trộn lẫn các giống lúa, không đảm bảo thuần giống thuần chủng. Đi cùng là phải đầu tư cho kho dự trữ (hiện nay sản lượng xuất khẩu của ĐBSCL là 25 triệu tấn nhưng khối lượng kho trữ lúa chỉ có 4 triệu tấn khó giữ được chất lượng lúa thoả mãn yêu cầu bảo quản lương thực cho chế biến gạo khi nhập kho).
Khắc phục được những bất cập chính là biến thách thức thành cơ hội để vào được những thị trường lớn và khó tính như Châu Âu…
Chuyên gia kinh tế, TS TRẦN HỮU HIỆP: Vào EVFTA không thể tính bằng từng bàn thắng mà phải xác lập đẳng cấp
Sau dịch COVID-19 trong ngắn hạn nông sản, lúa gạo và thuỷ sản Việt Nam đang có nhiều lợi thế, giá lúa cao nhất trong 8 năm qua, sản lượng gạo chất lượng cao thuỷ sản 6 tháng đầu năm tăng 78% nhưng lợi thế này kéo dài không chỉ được khoảng một năm, sau dịch COVID-19 các quốc gia cũng sẽ chuyển hướng buộc Việt Nam cần phải nhận ra những bất cập để có sự chuyển đổi thích ứng và phù hợp diễn biến chung của thế giới.
Những tín hiệu tích cực từ ngành hàng gạo Việt cho thấy một bước chuyển mới. Xuất khẩu gạo tăng trưởng về lượng, giá bán, giá trị, lượng gạo thơm vươn lên chiếm tỉ trọng cao. Cần tiếp tục thực thi nhiều cơ chế, chính sách giải pháp xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hoàn chỉnh. Phải kiểm soát được tiêu chuẩn chất lượng gạo từ sản xuất, chế biến đến các kênh phân phối bằng pháp luật và chất lượng quản lý. Tình hình này cho thấy khả năng năm nay xuất khẩu gạo Việt Nam có thể qua mặt Thái Lan, trước ngưỡng vào EVFTA tín hiệu đó tạo nên sự hứng khởi mới, nhưng hướng về lâu dài không thể tính từng bàn thắng một mà phải hướng đến sự xác lập đẳng cấp cho hạt gạo Việt Nam.
Những tín hiệu tích cực từ ngành hàng gạo Việt cho thấy phải có một bước chuyển mới. Đó là: Xuất khẩu gạo tăng trưởng về lượng, giá bán, giá trị, lượng gạo thơm vươn lên chiếm tỉ trọng cao. Cần tiếp tục thực thi nhiều cơ chế, chính sách giải pháp xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hoàn chỉnh. Phải kiểm soát được tiêu chuẩn chất lượng gạo từ sản xuất, chế biến đến các kênh phân phối bằng pháp luật và chất lượng quản lý.
THANH NGUYÊN (thực hiện)
https://laodong.vn/thi-truong/sau-1-thang-evfta-co-hieu-luc-de-tom-viet-vuot-kho-den-eu-833528.ldo
Nhận xét
Đăng nhận xét