Chuyển đến nội dung chính

NÔNG DÂN MIỀN TÂY BẮT TAY LÀM “NGƯỜI TỬ TẾ” (*): Thay đổi tư duy làm ăn

 NLĐ - 21-07-2020 - 10:40-Kinh tế

(NLĐO) - Nông dân miền Tây có sự thay đổi tư duy, sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp phục vụ người tiêu dùng những sản phẩm sạch, góp phần tăng giá trị kinh tế hộ gia đình; đồng thời nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản có chất lượng để cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế.

Chúng tôi được nông dân Nguyễn Văn Mách (58 tuổi; ngụ xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) giới thiệu một nông dân trồng xoài theo hướng hữu cơ thuộc hàng "sư phụ" ở tỉnh Đồng Tháp. Đó là nông dân Nguyễn Phú Hiệp (70 tuổi; ngụ xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp). Thật không sai, vườn xoài của ông Hiệp thường xuyên có các nhà khoa học, kĩ sư, nhà vườn đến trao đổi học tập kinh nghiệm cách trồng xoài hữu cơ.

"Tạ lỗi" với người tiêu dùng

Đứng dưới tán xoài canh tác theo hướng hữu cơ, lão nông này phân trần với chúng tôi: "Trồng xoài hữu cơ có mấy cái lợi: bảo vệ sức khỏe cho người, cho đất, cho cây, cho cộng đồng".

NÔNG DÂN MIỀN TÂY BẮT TAY LÀM “NGƯỜI TỬ TẾ” (*): Thay đổi tư duy làm ăn - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Anh Dũng - “Nhà khoa học của nhà nông” đang theo dõi quá trình lai tạo giống lúa. Ảnh: NHA MÂN

Vừa đi, ông Hiệp vừa phân tích, giá bán xoài trồng theo hướng hữu cơ thì lúc nào cũng cao hơn so với trồng bình thường. Ông còn khẳng định chắc nịch: "Vườn xoài nhà tôi chưa bao giờ bị ế, bởi vì ai không muốn ăn trái xoài sạch để tự bảo vệ sức khỏe mình. Tôi cam đoan bán trái xoài có bao hành thời gian sử dụng".

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng vườn xoài, với diện tích 4,4 ha được chứng nhận VietGAP, ông Hiệp chỉ tay vào từng cây xoài được ghi sổ nhật ký sản xuất hẳn hoi để theo dõi tình trạng "sức khỏe". Ông Hiệp chia sẻ, sản xuất xoài sạch không được sử dụng phân bón hóa học, các loại thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng, bởi dư lượng thuốc trừ sâu còn lưu tồn khi kiểm tra trái xoài là biết liền. Nông dân trồng vườn không minh bạch, trong sáng, thiếu cái tâm thì mất uy tín với đối tác.

NÔNG DÂN MIỀN TÂY BẮT TAY LÀM “NGƯỜI TỬ TẾ” (*): Thay đổi tư duy làm ăn - Ảnh 2.

Nông dân trồng xoài theo hướng hữu cơ, chứng nhận VietGAP để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng sản phẩm sạch. Ảnh: NHA MÂN

Ở ĐBSCL có một nông dân duy nhất được vinh danh, trao giải thưởng "Nhà khoa học của nhà nông". Đó là ông Nguyễn Anh Dũng (53 tuổi; ngụ xã Định An, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) với thành tích lai tạo thành công nhiều loại giống chất lượng cao như: Ngọc đỏ hương dứa, Sen Việt, LD2012, Tím sen, OM384. Sự lai tạo thành công nhiều loại giống lúa của ông đã đóng góp quan trọng trong việc nâng cao giá trị thương hiệu gạo Việt.

Ông Dũng kể, nhiều năm sản xuất lúa theo kiểu truyền thống, không mang lại lợi nhuận kinh tế về cho gia đình, từ đó ông bắt đầu quyết tâm đi khắp nơi học hỏi nhiều người và chịu khó xin tham gia dự các lớp tập huấn về cách trồng lúa, phòng trừ sâu bệnh do Viện Lúa ĐBSCL và Trường Đại học Cần Thơ tổ chức.

Từ những kiến thức đã học được, ông Dũng mạnh dạn cải tạo 6,5 ha đất lúa của gia đình theo phương thức canh tác mới "không đụng hàng với ai". Đồng thời, ông Dũng bắt đầu miệt mài lai tạo giống. Thành công với giống lúa LD2008 được đưa ra sản xuất thử trên diện tích 5.000 m2, gạo trong dạng hình đẹp nhưng đưa ra sản xuất ở vụ hè thu và thu đông thì gạo đục, cuối cùng không thể giữ lại được nên đành phải bỏ. Tuy nhiên, ông không nản lòng mà tiếp tục chọn những cá thể còn lại rút kinh nghiệm thất bại lần trước. "Lần thứ 2 thử nghiệm, tôi cẩn thận hơn chọn thật kĩ mới cho ra đời giống lúa có tên LD2012 có thời gian sinh trưởng ngắn 88-92 ngày, chống chịu rầy nâu và đạo ôn rất tốt" - ông Dũng cho biết.

Trong quá trình canh tác lúa, ông Dũng phát hiện có một cá thể đặc biệt trên ruộng giống lúa LD2012 xuất hiện bụi lúa có dạng hình khác, hạt dài, chiều cao cây cao hơn giống LD2012 đến 10 cm. Thấy cá thể lạ, ông mang về trồng thử có thời gian sinh trưởng 90-95 ngày, có mùi thơm nhẹ, gạo màu đỏ nên đặt tên "Ngọc đỏ hương dứa".

Ông Dũng tiếp tục trồng thử 1ha rồi xay gạo dùng thử 40 kg, khi nấu cơm thấy mùi thơm đặc biệt. "Tôi rất vui mừng và quyết định xay toàn bộ số lúa thu hoạch còn lại 4 tấn mang tặng cho cán bộ, công chức, công nhân, nông dân, cho đến bác tài xe ôm, anh rửa xe đầu chợ, gửi đại lý gạo ở TP HCM để họ dùng thử và đánh giá sản phẩm. Tôi nhận được rất nhiều sự cổ vũ và tán thành" - ông Dũng nhớ lại những ngày đầu trồng thành công giống lúa Ngọc đỏ hương dứa.

Ông Dũng còn khoe: "Thời gian qua, nhiều đoàn du khách nước ngoài, các trung tâm nghiên cứu, Viện Lúa ĐBSCL, các trường đại học, sinh viên thực tập và nông dân các địa phương đến nơi ông sản xuất lúa để học hỏi kinh nghiệm quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ".

Khi còn ngồi ở giảng đường đại học, anh Trần Thanh Tiền (28 tuổi; ngụ xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) luôn nuôi dưỡng niềm đam mê sản xuất nông nghiệp sạch, nhằm cung cấp nông sản để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Ý tưởng đó, Tiền không bao giờ bỏ cuộc. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Công nghệ sinh học, sau đó trúng tuyển trong tốp 20 sinh viên chuyên ngành nông nghiệp, được đi học tập tại Israel. Sau thời gian gần 12 tháng tu nghiệp ở "xứ lạ quê người", Tiền trở về nước được nhiều công ty, doanh nghiệp lớn "đãi vàng" mời về làm việc. Tuy nhiên, anh "phớt lời" tất cả để về quê hương biên giới huyện Hồng Ngự thỏa niềm đam mê sản xuất nông nghiệp sạch. "Khi học ở Israel, tôi chứng kiến nền nông nghiệp hiện đại của họ, nên ấp ủ phải mở nông trại trồng dưa lưới ở quê nhà" - anh Tiền thổ lộ.

NÔNG DÂN MIỀN TÂY BẮT TAY LÀM “NGƯỜI TỬ TẾ” (*): Thay đổi tư duy làm ăn - Ảnh 3.

Trồng dưa lưới trong nhà lưới theo quy trình công nghệ Israel được kiểm tra rất nghiêm ngặt. Ảnh: NHA MÂN

Với số tiền tích cóp từ việc đi làm thêm ở Israel, Tiền mạnh dạn đầu tư vào thử nghiệm trồng dưa lưới với diện tích 100 m2 để hướng đến con đường khởi nghiệp của riêng mình. Sau đó, anh nhanh chóng mở rộng sản xuất 3 nhà màng, 1 nhà lưới với diện tích 3.000 m2 trồng dưa lưới theo quy trình công nghệ Israel. Số dưa lưới sạch của Tiền được cung cấp cho siêu thị, cửa hàng các tỉnh ở ĐBSCL.

Đứng bên vườn cam sành không trĩu quả nhưng đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng do chỉ bón phân hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, anh Võ Thanh Lâm (ngụ quận Cái Răng, TP Cần Thơ) tiết lộ lý do chuyển sang mô hình trồng cam sạch. Theo đó, trước đây anh và nhiều người thân của anh trồng rau cải, trái cây… đều "vô tư" bón phân hóa học và phun thuốc trừ sâu bệnh theo kiểu "sáng phun, chiều thu hoạch". Thu hoạch xong thì đem bán cho thương lái chứ không dám sử dụng trong gia đình. Trong một lần anh Lâm đang lúi húi phun thuốc trừ sâu cho vườn cam thì đứa con trai mới biết nói bập bẹ chạy theo sau, hỏi: "Cha ơi! Cha phun cái gì mà hôi quá, không chịu nổi vậy?". Theo phản xạ tự nhiên, anh Lâm trả lời: "Cha phun thuốc diệt chết hết mấy con sâu phá cam nhà mình". Sau khi nghe tiếng hỏi hồn nhiên của đứa con trai "sâu chết hết thì con ăn trái cam đó có chết hông cha?", anh Lâm bỗng cảm thấy mình có tội với những người mà trước đây đã vô tình mua nông sản của anh và người thân của mình làm ra.

Thế là, anh Lâm bỏ ngang việc phun thuốc sâu, dắt con trai vào nhà thật nhanh như bị "ma đuổi". Đêm đó, anh thao thức mãi vì câu hỏi của con trai. Và thế là, kể từ hôm sau, anh nông dân trẻ này quyết tâm lên mạng tìm đọc những tài liệu liên quan đến việc sản xuất sạch theo mô hình hữu cơ như một cách để "tạ lỗi" với người tiêu dùng. Khoảng 3 năm trở lại đây, vườn cam sành của anh Lâm được người dân địa phương và thương lái tin tưởng tìm đến mua với giá cao hơn nhiều so với các vườn cam trong khu vực nên anh cảm thấy rất vui, rất "nhẹ lòng". "Nông sản mình làm ra mà không dám sử dụng, chỉ hướng tới mục tiêu bán lấy tiền thì thật là "ác" với đồng loại của mình quá. Đấy chính là lý do tôi "đoạn tuyệt" với cách làm không "lương thiện" của mình trước đây", anh Lâm nói như hối lỗi.

Kinh doanh sáng tạo

Điệp khúc "được mùa, mất giá" luôn là nỗi ám ảnh của nhiều nông dân miền Tây, nên họ quyết tâm sáng tạo ra cách trồng theo hướng hữu cơ và bán nông sản hết sức "độc, lạ", góp phần mang lại lợi ích kinh tế và mang lại sản phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng. Tình cờ chúng tôi gặp nông dân Nguyễn Văn Mách mới biết được ông mạnh dạn chuyển đổi trồng xoài an toàn theo hướng hữu cơ và bán cây xoài qua mạng internet với tên gọi "Cây xoài nhà tôi".

NÔNG DÂN MIỀN TÂY BẮT TAY LÀM “NGƯỜI TỬ TẾ” (*): Thay đổi tư duy làm ăn - Ảnh 4.

“Cây xoài nhà tôi” của ông Nguyễn Văn Mách rao bán qua mạng internet, có quét mã vạch truy xuất nguồn gốc. Ảnh: NHA MÂN

Ông Mách kể, với diện tích 12 công đất vườn, ông trồng xoài cát chu bán giá bấp bênh. Thấy vậy, ông chuyển sang canh tác theo quy trình an toàn, trái xoài được kiểm tra mẫu rõ ràng, có truy xuất nguồn gốc nên nhận được sự tin tưởng của khách hàng khắp nơi. Mô hình "Cây xoài nhà tôi" của ông Mách được bán qua website: xoaicaolanh.com.vn. Giá bán niêm yết từ 2,5-3,2 triệu đồng/cây, sản lượng cung ứng cho khách hàng 100 kg/cây/năm.

"Tôi quyết tâm bỏ phương thức sản xuất truyền thống sử dụng quá nhiều phân bón hóa học, sử dụng vô tội vạ các loại thuốc bảo vệ thực vật, gây hại cho sức khỏe con người, môi trường xung quanh. Mặt khác, thị trường ngày càng đòi hỏi khắc khe với nông sản sạch, an toàn, do đó nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất để thích ứng với nhu cầu người tiêu dùng. Tôi nghĩ, mỗi nông dân, chịu khó thay đổi tập quán sản xuất an toàn sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng" - ông Mách chia sẻ.

Chúng tôi biết được nông dân Võ Văn Nang, ngụ xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp mạnh dạn chuyển đổi 4.000 m2 đất trồng cam theo mô hình "Cây cam vườn tôi" theo hướng sản xuất chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học, bón phân vi sinh, không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật bị cấm lưu hành. Mô hình "Cây cam vườn tôi" của ông Nang được rao bán trực tuyến trên website: nongsancaolanh.vn. Ông Nang phân tích, so với quy trình canh tác truyền thống, việc trồng cây cam theo hướng an toàn gặp nhiều khó khăn trong khâu chăm sóc, nhưng bù lại bán giá trị cao hơn. Mục đích của ông là thay đổi tư duy sản xuất vừa nâng cao giá trị nông sản, vừa nâng cao trách nhiệm của mình để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường.

Theo UBND TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), mô hình kinh doanh "Cây cam vườn tôi" của ông Nang giúp người tiêu dùng có thể đăng ký mua trực tuyến trên website và có thể theo dõi quá trình chăm sóc, thu hoạch qua website. Sau mỗi đợt thu hoạch, chủ nhà vườn đóng gói và vận chuyển đến tay khách hàng, sản lượng trung bình 100 kg/cây/năm. Từ năm 2018 đến nay, đã ký hợp đồng với số lượng 85 cây cam, với giá bán 4 triệu đồng/cây.

Nông dân thay đổi tư duy sản xuất sạch, an toàn là bước tiến quan trọng để phát triển kinh tế hộ gia đình, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng đòi hỏi khắt khe của khách hàng.

Nông sản sạch sẽ không sợ "bí" đầu ra

Theo TS. Trần Hữu Hiệp, chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL phải được tiến hành bằng tư duy, chính sách dài hạn hơn là những đối phó ngắn hạn. Kế hoạch ĐBSCL, tầm nhìn dài hạn đến năm 2100 được các chuyên gia Hà Lan cùng các nhà khoa học trong nước khuyến nghị Chính phủ xem xét qua 4 kịch bản và khuyến nghị mô hình công nghiệp hóa kinh doanh nông nghiệp. Theo đó, cần tập trung 3 vấn đề mang tính xương sống. Một là, quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng trên cơ sở gắn với cung - cầu thị trường. Hai là, tái cấu trúc nông nghiệp phải theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Ba là, tập trung cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, tạo các giống có năng suất, chất lượng đi đôi với an toàn và giá trị cao. Đưa nhanh công nghệ mới vào tất cả các khâu: sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, gắn với đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, khuyến khích nông dân khởi nghiệp hướng đến cộng đồng cùng với nâng cao tri thức kinh doanh nông nghiệp cho nông dân.

Trong khi đó, GS-TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ - cho rằng lâu nay ai cũng nói đừng chạy theo số lượng mà nên tập trung vào chất lượng nhưng chỉ nói cho "cái miệng" thôi, còn thực tế hành động thì rất ít. Đã đến lúc nông dân và các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhà nước, phải thấy rõ rằng là chúng ta nên thay đổi cách làm để bảo đảm nông sản (đặc biệt là gạo) của mình sạch, an toàn, chất lượng cao. Chất lượng ở đây không phải là phải ngon, thơm hơn gạo của Thái Lan hoặc gạo Campuchia mà chất lượng ở đây là hạt gạo phải đều, trắng, trong; tránh sử dụng thuốc hóa hóa học. Bởi lẽ, một khi bón phân hóa học thì phải dùng thuốc hóa học nên dẫn đến chất lượng kém đi, lại tồn dư độc chất. Trong khi đó, nếu bón phân hữu cơ nhiều, bớt lại phân hóa học thì hạt gạo nói riêng và nông sản nói chung sẽ ngon hơn, lượng sâu bệnh tấn công nông sản cũng bớt đi. Có làm được như thế thì chúng ta mới từ từ lấy được niềm tin của người tiêu dùng trong nước lẫn xuất khẩu. "Nông sản của mình đẹp nhưng an toàn, bán giá phải chăng thì chắc chắn khách hàng sẽ tìm đến mua ngày càng nhiều hơn. Lúc đó nông sản sạch sẽ không còn lo bị "bí" đầu ra" – GS-TS Võ Tòng Xuân khẳng định.

Kỳ tới: Gầy dựng thương hiệu cho nông sản

(*) Xem Báo Người Lao Động Online từ ngày 20-7-2020

NHA MÂN - CÔNG TUẤN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

"Tính cách người Việt theo vùng miền"

Thảo luận về "Văn hoá & tính cách con người Việt theo vùng miền" trên  Trái tim Việt Nam online . Người bắc thường ăn nói nhẹ nhàng, kín đáo, thường hay suy nghĩ sâu xa. Người miền trung thì mọc mạc, chất phác lại hay có tính cục bộ. Người miền nam thì phóng khoáng cởi mở, dễ gần.Dân miền Bắc thường thể hiện mình qua lời nói, trong bất cứ tình huống nào họ cũng đều phải nói cho được. Dân miền Trung thường thể hiện mình qua thái độ, cử chỉ, còn miền Nam thì thể hiện qua phong cách. Nói chung dân Bắc-Trung-Nam đều diễn tuồng cả, cho nên lời nói lúc thì nhẹ nhàng điềm đạm, lúc lại gắt gỏng chua ngoa, thái độ có lúc thì đằm thắm, khi thì thì lại khinh bạc, phong cách thì có lúc phóng khoáng lúc lại dè dặt... Ấn tượng bên ngoài là như thế nhưng có khi bạn cũng thấy là chẳng ai tranh cãi lý luận lại người Trung, thái độ cử chỉ của dân Bắc cũng có thể khiến bạn dè chừng, và lời nói hay thái độ của dân Nam cũng khiến bạn chạy dài... Muốn kiểm chứng thì bạn cứ bỏ ra ...

ART NUDE PHOTOS của Dương Quốc Định

Quên những bộn bề lo toan giá vàng lên xuống, giá lúa, cá tra giảm, chuyện nhà khoa học phải nói dối ... để  ngắm ảnh các em xinh đẹp. Và nếu như kết quả nghiên cứu khoa học của một bà đầm Đức  là khoa học  (không như ta nói dối nhiều quá):  DÒM VÚ PHỤ NỮ TĂNG TUỔI THỌ     (Blog này đã từng có bài, nằm trong nhóm truy cập nhiều nhứt, có lẽ nhiều người đã luyện tập?) thì quý ông cũng nên tập thể dục con mắt một tí nhé. Xin mượn mấy tấm ảnh của nhà nhiếp ảnh Dương Quốc Định làm  dụng cụ luyện tập, ai có điều kiện thì xài hàng thật. Bộ sưu tập những bức ảnh khỏa thân và bán khỏa thân nghệ thuật của nhiếp ảnh gia trẻ Dương Quốc Định. Rất nhiều ảnh trong bộ sưu tập này đã đoạt những giải thưởng quốc tế uy tín. Cảm ơn tác giả đã chia sẻ tác phẩm trên internet. Mời bạn xem qua phần thể hiện bộ sưu tập trên PPS của chúng tôi. Link PPS:  http://vn.360plus.yahoo.com/nns-nguyennamson/article?new=1&mid=112 Chân dung Dương Quốc Địn...

Nhớ Cần Thơ phố

Trần Hữu Hiệp B áo Dân Việt So với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, cố đô Huế trầm tư hay Sài Gòn phố nhộn nhịp, thì Cần Thơ phố mang đậm đặc trưng sông nước miệt vườn. Nơi đó, hàng ngày, người Tây Đô vẫn đang sống cuộc đời bình dị. Nhớ thời học phổ thông, nhà tôi chỉ cách trung tâm Cần Thơ 20 Km, nhưng mãi đến năm 15 tuổi, lần đầu tiên mới được đến Cần Thơ cùng đội học sinh giỏi của Trường cấp III Ô Môn dự thi. Đêm, mấy thằng nhà quê lang thang, lạc đường trên phố Hòa Bình, thời đó là một  đại lộ mênh mông trong mắt nhìn bọn trẻ nhà quê chúng tôi. Ký ức Cần Thơ phố trong tôi một thời còn vang qua giọng ngâm của ai trong đêm tĩnh lặng nơi con hẻm nhỏ, bài thơ Tình trắng của Kiên Giang – Hà Huy Hà: “Cần Thơ, ơi hỡi Cần Thơ/Bóng dáng ngày xanh phủ bụi mờ/Ai nhặt giùm tôi bao kỷ niệm” … Và thơ tôi, tuổi học trò: “Ai đặt tên em tự bao giờ/Người đời hai tiếng gọi Cần Thơ/Mỗi lúc đi xa ta nhớ quá/Gặp lại hình em tron...