TS Trần Hữu Hiệp
(Chinhphu.vn) – 10/03/2021
06:30
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần
chuyển đổi mô hình phát triển bền vững, chuyển đổi số để tạo ra nhiều giá trị
hơn là tăng sản lượng, nhưng thực hiện bằng cách nào, công cụ gì? Đây là những
câu hỏi chờ lời đáp từ thực tiễn với “bộ ba” chính sách phát triển vùng đất trù
phù này, với tầm nhìn xa và quyết tâm cao của Chính phủ. • Phóng sự ảnh: Ưu
tiên hàng đầu
Ngày 14/3/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các cánh đồng mẫu trồng các giống lúa mới của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành, Tập đoàn Lộc Trời tại An Giang. - Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ vừa giao các
bộ, ngành liên quan và địa phương vùng ĐBSCL chuẩn bị Hội nghị sơ kết việc thực
hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững
ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, dự kiến tổ chức vào trung tuần tháng
3/2021.
Tài nguyên đất và nước được ví
như đôi chân kiến tạo và phát triển vùng ĐBSCL, hình thành trục xương sống của
kinh tế vùng là nông nghiệp, thủy sản. Tuy nhiên, “đôi chân” này đang đứng trước
3 tầng thách thức to lớn mang tính quốc tế, từ khu vực Mekong và vướng mắc, hạn
chế nội vùng. Các tầng thách thức không tác động riêng lẻ mà mang tính tích
lũy, liên hoàn tạo ra nhiều hệ lụy, cần lời giải và quyết sách để vừa giải quyết
bất cập trước mắt, vừa bảo đảm phát triển bền vững trong tương lai.
Yêu cầu đặt ra không chỉ là nhận
thức đúng về thời cơ và thách thức, định vị đúng vai trò, vị trí của vùng ĐBSCL
trong tiến trình phát triển hay một bản quy hoạch đẹp, mà điều cần quan tâm nhất
là hiệu quả của hành động.
Mệnh lệnh từ thực tiễn đòi hỏi
Nhà nước tăng vai trò kiến tạo, vai trò doanh nghiệp cần được phát huy, người
dân cần không gian đủ rộng để tăng cường đổi mới, sáng tạo, huy động tốt hơn nữa
khu vực tư nhân tham gia phát triển vùng.
ĐBSCL đòi hỏi một mô hình phát
triển mới, vượt qua các điểm nghẽn bằng cơ chế tài chính vượt trội, hành động đột
phá, không chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế mà hướng tới phát triển toàn
diện, bền vững.
Nghị quyết 120/NQ-CP: Mô hình
phát triển mới
Những thách thức to lớn mà ĐBSCL
đang đối mặt đòi hỏi sự nhận diện hệ thống, có chiến lược ứng phó dài hạn, sự
tiếp cận đa ngành và phối hợp giải quyết liên ngành, liên vùng. Trong bối cảnh
đó, Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi
khí hậu; quy hoạch tích hợp vùng đang được hoàn thiện; và tổng hợp các cơ chế
chính sách phát triển vùng được kỳ vọng góp phần chuyển đổi mô hình phát triển
mới cho vùng đất này. Theo đó, diện mạo tương lai của ĐBSCL được hình thành
trên các trụ cột phát triển bền vững: Kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa bản
địa.
Bộ 3 chính sách này chính là
“công cụ” để xây dựng mô hình phát triển mới cho vùng ĐBSCL, đang được cụ thể
hóa bằng các chương trình kế hoạch trung hạn, ngắn hạn và hằng năm, không chỉ nằm
trong những cân đối từ khu vực đầu tư công mà còn đang được chuyển hóa thành
chương trình, dự án đầu tư cụ thể từ khu vực tư nhân.
Cách tiếp cận theo vùng, liên
vùng, phối hợp liên ngành cùng hành động mới mong thích ứng trước các biến đổi
tự nhiên và xã hội qua hơn 3 năm triển khai thực hiện ngày càng chứng minh là
quyết sách sống còn cho vùng nông nghiệp trọng điểm quốc gia.
Nghị quyết 120/NQ-CP giao 16 bộ,
ngành liên quan cùng UBND 13 tỉnh, thành Tây Nam Bộ và TPHCM thực hiện 52 đầu
việc thuộc các lĩnh vực: xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách vùng, tiểu vùng;
quy hoạch, kế hoạch; xác định nguồn lực đầu tư, vốn; nguồn nhân lực, tài nguyên
đất và nước … Các quyết sách mới có tính hệ thống, chiến lược, tầm nhìn dài hạn,
với các đột phá về quan điểm phát triển, đặt ra yêu cầu sớm được hiện thực hóa
bằng các quy hoạch, chương trình, kế hoạch hành động thực tế.
Triển khai Nghị quyết, các bộ,
ngành Trung ương và địa phương đã lồng ghép vào nhiệm vụ, quan tâm thực hiện
yêu cầu công tác quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, tăng cường liên kết các tiểu
vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên, ven biển phía Đông và bán đảo Cà Mau để
đáp ứng yêu cầu trước mắt lẫn lâu dài.
Từ dấu chân lấm bùn…
Vượt qua thiên tai, dịch bệnh và
trận hạn mặn nghiêm trọng năm 2020 như “cú đấm bồi”, nhiều sản phẩm nông nghiệp
ĐBSCL từ lúa gạo, tôm, trái cây không chỉ về đích thắng lợi mà còn tạo ra vị thế
mới. Ngành nông nghiệp đang tạo ra bước chuyển từ lượng sang chất, từ sản xuất
theo dấu chân lấm bùn của kinh nghiệm truyền thống, sang ứng dụng công nghệ
cao, từ đồng ruộng ra thương trường. Bước chuyển mới tiếp tục khẳng định tư duy
sản xuất nông nghiệp hàng hóa, từ canh tác sang kinh doanh nông nghiệp, làm trụ
đỡ cho các ngành công nghiệp chế biến, thương mại nông sản và an sinh xã hội.
Những lô gạo giá cao chinh phục
các thị trường EU khó tính đã tham gia cuộc “xuất quân” đầu năm mới 2021. Cùng
với hạt gạo, một số nông sản ĐBSCL như tôm, trái cây cũng đang được kỳ vọng
đóng góp cho sự phục hồi chung của nền kinh tế. Tiếp sau các ưu đãi theo Hiệp định
Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là Hiệp định Thương
mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01/8/2020
như “đường bay mới” mà nông sản vùng ĐBSCL đã bước đầu tận dụng để nâng cao
năng lực thích ứng. Tiếp theo là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực
(RCEP), mặc dù có nhiều thách thức nhưng cũng đang mở ra nhiều cơ hội cho bước
chuyển mới của nông sản ĐBSCL.
Năm 2020, nước ta vào nhóm các quốc
gia hiếm hoi có tăng trưởng kinh tế dương trong bối cảnh kinh tế thế giới suy
thoái, trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất và phục hồi kinh tế
hình chữ V, những thành tựu chung này có vai trò bệ đỡ của kinh tế nông nghiệp
và vai trò của nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Đó chính là kết quả tổng hợp của sự chuyển
đổi liên tục cơ cấu kinh tế, nhiều mô hình thích ứng hiệu quả của nông dân,
doanh nghiệp trước nhiều thay đổi từ biến đổi khí hậu, tài nguyên nước sông
Mekong, thiên tai, dịch bệnh đến tác động của thị trường, sự dịch chuyển các
chuỗi cung ứng và dịch vụ trong khu vực và trên thế giới.
“Nông sản kỹ thuật số”, tại
sao không?
Tuy ở vị thế đang lên, nhưng nhìn
tổng thể, với độ khó và tính cạnh tranh trên thương trường ngày càng lớn, nông
sản vùng ĐBSCL sẽ “không dễ chơi” cả ở sân nhà – thị trường Việt Nam và sân
khách – thị trường xuất khẩu. Trong bối cảnh chung, ngành nông nghiệp ĐBSCL cần
tận dụng thời cơ “chuyển đổi số”.
Không chỉ nỗ lực của Chính phủ,
đã có những doanh nghiệp tiên phong, nhiều nông dân đồng bằng đang hiện thực
hóa nền kinh tế số trên những cánh đồng, vườn cây, ao cá. Nhiều ứng dụng mà
cách đây vài năm được coi như chuyện đùa, nay là sự thật, như ứng dụng viễn
thám cho đồng ruộng, công nghệ sinh học tuyển chọn giống lúa, kỹ thuật canh
tác, quản lý đồng ruộng, thu hoạch - chế biến sau thu hoạch - tiêu thụ…
Sự tiếp cận vùng, theo chuỗi ứng
dụng công nghệ, phát huy đổi mới sáng tạo và những ưu thế của kinh tế số
(digital economy), kinh tế chia sẻ (sharing economy) không xa lạ với nông dân
và người tiêu dùng thời gian gần đây qua các ứng dụng trực tuyến truy xuất nguồn
gốc nông sản, kiểm xuất quy trình canh tác, điều khiển tự động... Nhưng “lúa gạo digital” hay “nông sản
digital” cần các chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ các tác nhân tham gia quy
trình trong mối quan hệ gắn bó công nghệ - thị trường - lợi ích.
Việc chuyển đổi sang phương thức
kinh doanh nông nghiệp của vùng ĐBSCL và “chuyển đổi số” cho nông sản Việt đòi
hỏi phải nghiên cứu, kết nối thực tiễn, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ
trong việc xây dựng chuỗi liên kết thực phẩm, chọn các tiêu chuẩn phù hợp, xây
dựng hệ thống kiểm soát chất lượng tin cậy làm công cụ, xây dựng các tác nhân
nòng cốt tham gia chuỗi và huớng đến cộng đồng theo định hướng một chuỗi chất
lượng mở.
Cần tiếp tục thực thi nhiều cơ chế,
chính sách giải pháp xây dựng chuỗi giá trị nông sản hoàn chỉnh. Phải kiểm soát
được tiêu chuẩn chất lượng từ sản xuất, chế biến đến các kênh phân phối bằng
pháp luật và chất lượng quản lý. Nông dân đang cần tiếp tục được tập hợp lại
cùng với các doanh nghiệp đủ mạnh phát triển sản xuất theo các chuỗi giá trị được
quản lý từ đầu vào đến đầu ra. Vị thế của một cường quốc thế giới về xuất khẩu
gạo hay các mặt hàng nông sản khác không phải không cần, nhưng quan trọng hơn
là những giá trị mà nó mang lại.
Lời giải cho bài toán điều phối
vùng
Một số vấn đề mới, quan trọng,
mang tính đột phá nêu trong Nghị quyết 120 là thành lập Hội đồng điều phối
vùng, đề xuất hình thành Quỹ phát triển bền vững vùng; thành lập Trung tâm
thông tin tích hợp dữ liệu vùng đang dần lộ rõ hình hài.
Mọi hoạt động đầu tư phải được điều
phối thống nhất, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm,
có lộ trình hợp lý, trong đó trước mắt tập trung ưu tiên các công trình cấp
bách, các công trình có tính chất động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế toàn
vùng, các công trình thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.
Quyết định 593/QĐ-TTg ngày
06/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thí điểm liên kết vùng ĐBSCL
xác lập “cơ chế tài chính sáng tạo đầu tư vùng”, cho phép bố trí “mức vốn tối
thiểu 10% so với tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương phân bổ
cho các địa phương trong vùng”. Nhưng vấn đề mới này cho đến nay chưa thực hiện
được, còn nhiều khó khăn, lúng túng. Việc hình thành Quỹ phát triển bền vững
vùng ĐBSCL tới đây cần tháo được điểm nghẽn này.
Nghị quyết 120/NQ-CP tiếp tục đi
vào cuộc sống phải bằng nguồn lực vật chất cụ thể được bố trí khoa học, đáp ứng
được nhu cầu thực tiễn và bảo đảm hiệu quả, minh bạch. Nhân dân đang kỳ vọng,
nhưng nhân dân cũng chính là những người thầy nghiêm khắc từ thực tiễn. Kết quả
4 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP cần được nhân lên trước yêu cầu và thách
thức mới trong thực tiễn.
https://baochinhphu.vn/dbscl-tu-dau-chan-lam-bun-den-buoc-chuyen-moi-102288824.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét