TT - Tại hội nghị toàn
quốc triển khai công tác tư pháp 2014 tổ chức ở TP.HCM ngày 8-1, Phó thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự đóng góp của ngành tư pháp trong năm 2013,
trong đó quan trọng nhất là đã hoàn thành chương trình xây dựng luật và pháp lệnh
của Quốc hội, tổ chức việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp bản dự thảo sửa đổi
Hiến pháp.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng chỉ
ra một số lĩnh vực như đất đai, thuế, hải quan... thủ tục còn rất nhiêu khê,
gây phiền hà cho người dân. Để khắc phục, theo Phó thủ tướng, tất cả các ngành
phải cùng tham gia với Bộ Tư pháp trong việc cải cách tư pháp.
Tại hội nghị, Bộ Tư pháp cho biết
trong năm 2013 tình trạng văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu vi phạm các
điều kiện về tính hợp pháp vẫn xảy ra khá nhiều. Cụ thể, các bộ, cơ quan và
tỉnh thành trực thuộc trung ương đã phát hiện đến hơn 8.000 văn bản vi phạm
(hơn 19% văn bản đã kiểm tra)). Riêng Bộ Tư pháp phát hiện 815 văn bản vi phạm
(hơn 22% văn bản đã kiểm tra). Lý do, theo đánh giá của Bộ Tư pháp, còn có sự
nể nang, dè dặt trong việc kiểm tra xử lý một số văn bản đã phát hiện dấu hiệu
vi phạm và đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện còn thiếu về nhân lực và trình độ
không đồng đều.
Tại phiên thảo luận, ông Hồ Việt
Hiệp - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - đã đặt vấn đề về việc giải thể lực
lượng thi hành án để phát triển thừa phát lại. Hoặc nếu để tồn tại thì thi hành
án phải được chuyển thành một hình thức dịch vụ công, tự thu tự chi, tự chịu
trách nhiệm nhằm thực thi công vụ hiệu quả, giảm tiêu cực trong lực lượng thi
hành án.
Theo ông Hiệp, nếu để tồn tại song
song cả thừa phát lại lẫn thi hành án thì hai lực lượng này sẽ “níu chân” nhau.
“Cứ như vậy thì anh này làm, anh kia nghỉ vì chỉ có chừng đó việc. Chúng tôi
cảm thấy rất ngập ngừng áp dụng thừa phát lại trong điều kiện như vậy” - ông
Hiệp nói. Chia sẻ một phần quan điểm này, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng
đánh giá: “Thi hành án dân sự hiện nay là chưa đạt yêu cầu và vẫn còn có tiêu
cực xảy ra”.
Nhận xét
Đăng nhận xét