Từ 1.1.2014, các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục và cơ sở cai nghiện bắt buộc phải do TAND ra quyết định nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn triển khai.
Lực lượng công an trấn áp tội phạm sẽ không hiệu quả nếu như không đưa được đối tượng nghiện ngập đi cai nghiện bắt buộc - Ảnh: Đàm Huy |
Theo luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) do Quốc hội thông qua ngày 20.6.2012, biện pháp xử lý hành chính (XLHC) áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh trật tự an toàn xã hội mà không phải là tội phạm (bao gồm: giáo dục tại xã, phường, thị trấn) sẽ đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc và cơ sở cai nghiện bắt buộc. Việc đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở cai nghiện sẽ do TAND cấp huyện xem xét quyết định. Điều 142 quy định: “Chính phủ, TAND tối cao quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các điều khoản được giao trong luật”.
Công an “rất lo lắng”
Theo luật sư Nguyễn Thanh Lương (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre), các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh áp dụng các biện pháp XLHC gồm người nghiện ma túy; những người thực hiện hành vi xâm phạm tài sản, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của công dân, người nước ngoài; người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý theo quy định của bộ luật Hình sự hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu một tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý…
|
Tuy nhiên, sắp tới thời điểm quy định trên có hiệu lực nhưng vẫn chưa thấy các cấp có thẩm quyền ban hành trình tự, thủ tục hay hướng dẫn chi tiết áp dụng. Trong khi đó, quy định hiện nay chỉ còn vài ngày là hết hiệu lực. Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, chia sẻ: “Công an TP.HCM rất lo lắng về vấn đề này. Nhiệm vụ năm 2014, thành phố phải tìm biện pháp tạm thời thay thế khi công tác XLVPHC sắp tới nguy cơ bị ách tắc rất cao. Bởi việc bắt buộc chữa bệnh đối với con nghiện, đối tượng đưa đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng đang bị ách lại do luật XLVPHC chính thức có hiệu lực, nhưng các thông tư, nghị định hướng dẫn thực hiện chưa được ban hành. Cho nên, chắc chắn rằng từ ngày 1.1.2014, chúng ta sẽ phải sống chung với con nghiện, với các đối tượng trộm cắp vặt, đối tượng côn đồ sử dụng bạo lực chưa đến mức xử lý hình sự nhưng có khả năng trở thành tội phạm do chưa có biện pháp chế tài răn đe”.
Một cán bộ của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - Công an TP.HCM, nhận định: “Nếu việc này ách tắc, nguy cơ sẽ tăng tội phạm. Hằng năm, cả ngàn trường hợp phải đưa đi trường giáo dưỡng, cai nghiện; nếu không thực hiện sẽ tồn lại ở địa phương”.
Về con nghiện, một lãnh đạo của Phòng CSĐT tội phạm về ma túy thuộc Công an TP.HCM cảnh báo: “Việc đưa người nghiện đi chữa bệnh tập trung có 2 mục đích. Thứ nhất là giúp người nghiện cắt cơn, phục hồi sức khỏe. Thứ hai là giảm nguồn nguy cơ phát sinh tội phạm trộm cắp, cướp giật. Thời gian qua, như chúng ta đã biết một số vụ án nghiêm trọng xảy ra đều do đối tượng say thuốc gây ra. Trạng thái say ma túy có thể gây ra nhiều vấn đề nguy hiểm cho xã hội mà chúng ta khó có thể lường trước được”.
Tại cuộc họp phòng chống tội phạm mới đây dưới sự chủ trì của UBND TP.HCM, thiếu tướng Phan Anh Minh đã đề xuất: “Hồ sơ đưa đi cơ sở giáo dục giáo dưỡng, đưa đi bắt buộc chữa bệnh đối với người nghiện nếu thuộc thẩm quyền thì đề nghị ký sớm. Thành phố cố gắng vét hết hồ sơ liên quan các đối tượng nói trên trước khi quy định mới có hiệu lực”.
Tòa án... lắc đầu
Trao đổi với lãnh đạo nhiều TAND quận, huyện ở TP.HCM, chúng tôi được biết đến nay các tòa vẫn chưa có động tĩnh gì để triển khai thực hiện vấn đề này. Thậm chí, nhiều tòa còn không biết là được giao thêm trọng trách này. Một thẩm phán than: “Lượng án ở TP.HCM chiếm 1/5 lượng án của cả nước. Từ ngày tòa quận, huyện được tăng thẩm quyền, lượng án cũng tăng gấp đôi, gấp ba. Giờ mà giao thêm việc này kham sao nổi”.
Điều đáng nói, việc chậm ban hành các quy định chi tiết để đưa quy định này vào cuộc sống sẽ gây ra nhiều hệ lụy. “Theo cách tính thời hiệu hiện nay và chờ đến khi ban hành trình tự, thủ tục để tòa án xem xét quyết định, sẽ có rất nhiều đối tượng được thoát thân do hết thời hiệu áp dụng biện pháp XLHC", luật sư Nguyễn Thanh Lương phân tích.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư TP.HCM) chia sẻ: Các bộ luật tố tụng là các đạo luật xương sống quy định các trình tự, thủ tục, thẩm quyền xét xử của tòa án. Đối chiếu bộ luật Tố tụng dân sự quy định thẩm quyền xét xử các tranh chấp khác về dân sự mà pháp luật có quy định thì thấy việc ra quyết định nói trên không phải tranh chấp để tòa phân xử. Còn những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án chỉ ghi “Các yêu cầu khác về dân sự mà pháp luật có quy định”, nhưng lĩnh vực này cũng không phải dân sự mà thuộc phạm vi hành chính. Trong khi theo luật Tố tụng hành chính thì tòa án không có thẩm quyền để ra các quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, hoặc biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà chỉ có thẩm quyền xét xử các tranh chấp liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính…
Ngoài ra, luật XLVPHC chưa nói đến trình tự kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với quyết định XLVPHC nếu việc ra quyết định ấy có sai sót, vi phạm. Ngay cả trình tự kiểm sát và kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định cũng chưa thấy quy định. “Có thể thấy chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào giao cho tòa án thẩm quyền ra quyết định XLVPHC trong phạm vi các đối tượng cần xử lý theo luật XLVPHC. Việc giao thẩm quyền cho tòa án ra quyết định XLVPHC hoàn toàn chưa đủ căn cứ, hành lang pháp lý khi giao công việc của hành pháp sang cho cơ quan xét xử", luật sư Út nói.
Chưa biết đến bao giờ...
Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết TAND tối cao vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) xin ý kiến chỉ đạo về việc xây dựng quy trình hướng dẫn thực hiện việc đưa người vào cơ sở giáo dưỡng theo quy định tại luật XLVPHC. Theo bà Thoa, dự kiến trong kỳ họp vào đầu năm 2014 Ủy ban TVQH sẽ đưa vấn đề này ra cho ý kiến.
Trả lời Thanh Niên, một cán bộ có trách nhiệm của Viện Khoa học xét xử - một trong những đơn vị của TAND tối cao được giao trách nhiệm xây dựng hướng dẫn thực hiện luật, cho biết toàn bộ hồ sơ dự thảo pháp lệnh về quy định trình tự, thủ tục TAND xem xét giải quyết việc đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc... đã được gửi đến cơ quan thẩm tra. Dự kiến đến tháng 2.2014, Ủy ban TVQH họp lấy ý kiến và tháng 3.2014 sẽ thông qua. Vị này thông tin thêm: “Chúng tôi gửi hồ sơ dự thảo cho cơ quan chức năng của Chính phủ thẩm tra từ tháng 8.2012 nhưng đến nay mới nhận được ý kiến”.
Thái Sơn
|
Lê Nga - Đàm Huy
Nhận xét
Đăng nhận xét