Đến dự hội thảo còn các đại biểu thuộc các Viện, các trường đại học thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cùng các học giả đến từ các trường đại học trên địa bàn TP.HCM .
TS. Ngô Thị Phương Lan đọc diễn văn khai mạc hội thảo. Ảnh: Việt Thành
Đại diện Ban Giám hiệu nhà trường, TS. Ngô Thị Phương Lan, Phó hiệu trưởng đã đọc diễn văn khai mạc hội thảo, đồng thời TS. Ngô Thị Phương Lan cũng nêu nhiệm vụ đặt ra cho hội thảo, nhằm đi đến thống nhất các nội dung về phát triển bền vững, những vấn đề lý luận và thực tiễn.
1. PGS.TS. Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Nhà trường đã báo cáo đề dẫn hội thảo, đặt vấn đề từ những nghịch lý về hiện trạng kinh tế-văn hóa-xã hội tại ĐBSCL, trong vai trò là vựa lúa gạo, thủy hải sản và trái cây lớn, phong phú nhất nước, nhưng lại là nơi có cơ sở hạ tầng kỹ thuật yếu nhất, trình độ học vấn thấp nhất, điều kiện sinh hoạt kém nhất và an sinh xã hội không đạt so với cả nước. Từ thực trạng không mấy khả quan trên, tác giả báo cáo đề dẫn đã đưa ra nhận định: để đồng bằng sông Cửu Long phát triển toàn diện, chúng ta cần nhận thức một cách đầy đủ, đa chiều và cụ thể hơn về khái niệm phát triển bền vững và những tiêu chí kèm theo nó; trên cơ sở đó, nhận diện rõ hơn về những yếu tố tác động đến sự phát triển bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long cùng những nguyên nhân của chúng.
PGS.TS. Võ Văn Sen, báo cáo đề dẫn hội thảo. Ảnh: Việt Thành
Với tầm nhìn của một nhà Sử học và Quản lý chuyên nghiệp, PGS.TS. Võ Văn Sen đã đưa ra nhận định chung về vấn đề phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Ông cho rằng: các vấn đề trao đổi tại hội thảo này cần được phân tích dựa trên cơ sở thực trạng phát triển bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long cùng với những nguyên nhân của nó, trên các phương diện: kinh tế-xã hội, văn hóa, con người, môi trường và an ninh-quốc phòng. Từ tổng kết trong hội thảo và những nghiên cứu liên quan đến những vấn đề hội thảo đề cập đến, ông cho rằng cần phải sớm xác nhận được nền tảng xã hội và những “trụ cột” chủ yếu của việc phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời đề xuất các giải pháp thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững đồng bằng sông Cửu Long trong những năm tới.
PGS.TS. Nguyễn Thế Nghĩa, trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Việt Thành
Tác giả báo cáo đề dẫn đã nêu ra một nhiệm vụ cấp bách đối với các cấp quản lý về chính sách, triển khai chính sách và người nghiên cứu, giảng viên cùng những người quan tâm đến chủ đề hội thảo này: “việc phát triển bền vững ĐBSCLvừa là chiến lược cơ bản lâu dài, vừa là mục tiêu cấp bách, cần được quán triệt sâu sắc trong đường lối, chủ trương, chính sách và các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chính trị, văn hóa, môi trường, an ninh-quốc phòng, con người ở cả cấp vĩ mô và vi mô”. Nói cách khác, theo ông, để ĐBSCL có thể đạt đến phát triển bền vững, đòi hỏi sự góp sức không chỉ của chính quyền và nhân dân địa phương mà còn cần đến sức mạnh tổng hợp của tất cả các cấp, các ngành trên cả nước và ở từng địa phương khác. Báo cáo đề dẫn tại hội thảo của PGS. TS. Võ Văn Sen đã đưa ra một thông điệp: “ Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, trước hết, rất cần sự hợp tác, liên kết chặt chẽ và phối hợp đồng bộ, hài hòa ở cấp độ toàn vùng trong nhận thức và hành động”.
PGS.TS. Nguyễn Văn Tiệp, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Việt Thành
2. Cùng chung ý với báo cáo đề dẫn, một số giảng viên Trường ĐHKHXH&NV nghiên cứu về việc phát triển bền vững kinh tế vùng ĐBSCL đều nhất trí cho rằng cần phải tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng công nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao và phát triển kinh tế xanh thân thiện với môi trường. Trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, PGS.TS. Nguyễn Văn Tiệp, Khoa Nhân học nhấn mạnh đến việc cần phát triển hạ tầng nông thôn, đầu tư vào công nghệ, giao thông. Ông đánh giá ĐBSCL có hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông đường thủy chưa tương xứng với vị trí và tầm khu vực. ĐBSCL hiện chỉ có 13 cảng sông với công suất hoạt động đạt không hơn 30%. Vì thế, việc vận chuyển hàng hóa từ khu vực này phải qua đường bộ đi lên các cảng tại TP.HCM và thành phố Bà Rịa - Vũng Tàu làm phát sinh chi phí rất cao, gây ảnh hưởng lớn tới giá cả các sản phẩm nông nghiệp của khu vực. Đồng quan điểm này, PGS.TS. Hà Minh Hồng, Khoa Lịch sử phát biểu tập trung vào việc chú trọng phát triển giao thông cho vùng ĐBSCL. Theo ông, trong 30 năm chiến tranh và hiện nay là giai đoạn xây dựng đất nước, để đáp ứng nhu cầu phục vụ quân sự và phát triển xã hội, mạng lưới giao thông của cả nước không ngừng tăng lên từ miền Nam ra miền Bắc. Tuy vậy, hiện nay 5 tuyến giao thông theo trục dọc Tây Nam bộ vẫn chưa kết nối thông suốt; sự kết nối giữa giao thông thủy, bộ, đường biển, hàng không vẫn chưa thuận lợi dẫn đến hệ quả là chi phí và chất lượng vận tải chưa cao, các phương tiện giao thông không được khai thác hiệu quả, hợp lý làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cản trở tốc độ phát triển kinh tế vùng.
PGS.TS. Hà Minh Hồng, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Việt Thành
3. Hiện nay, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hội nhập thế giới đang diễn ra mạnh mẽ, dẫn đến việc con người phải đối mặt với những thách thức về sản xuất lúa gạo bền vững. Theo đó, đời sống của người trồng lúa và vấn đề đất sản xuất nông nghiệp kéo theo nhiều yếu tố tác động đến diện tích đất trồng lúa cũng là những bài toán khó giải của cả thế giới, nhưng ngược lại, ở Việt Nam diện tích và sản lượng lúa cả năm nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn theo chiều hướng gia tăng.
Nhìn ở khía cạnh tích cực, nghiên cứu về vùng sản xuất lúa gạo quan trọng vào bậc nhất ở Việt Nam, tham luận của TS. Ngô Thị Phương Lan đã đặt ra vấn đề giá trị và tiềm lực cung cấp lúa gạo từ khu vực ĐBSCL. Theo Tiến sỹ, với khả năng cung cấp 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước, ĐBSCL không chỉ có vai trò trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam mà còn cho một phần của thế giới.
Mặt khác, thực tế tại các vùng canh tác nông nghiệp cho thấy việc suy giảm diện tích đất nông nghiệp chưa tác động mạnh mẽ đến vấn đề an ninh lương thực, trong khi đó, chính đời sống còn nhiều bất ổn của nông dân trồng lúa hiện đang và sẽ là yếu tố tác động mạnh mẽ đến việc sản xuất bền vững và theo đó là ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực, liên quan đến quy hoạch đô thị.
TS. Nguyễn Ngọc Thơ, trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Việt Thành
4. Chỉ ra những nguyên nhân sâu xa ảnh hưởng đến phát triển bền vững ĐBSCL, trong đó có vấn đề đô thị, PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa, Trưởng Khoa Đô thị học, Trường ĐHKHXH&NV đã dẫn dắt người nghe đi từ vị trí ưu thế đến điểm hạn chế xuất phát từ nhận thức thay đổi cơ cấu, chuyển đổi vùng theo hướng công nghiệp hóa mà ĐBSCL là một điển hình. PGS.TS. Hòa đã lập luận trên cơ sở nhấn mạnh vị thế và vai trò của của ĐBSCL trong quá trình phát triển của Việt Nam, theo đó, Việt Nam là một trong bốn nơi cung cấp lúa gạo chủ yếu cho thế giới (Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ) mà vai trò này chủ yếu thuộc về ĐBSCL. Tán đồng và bổ sung thêm ưu điểm của ĐBSCL trong vai trò là vựa lúa chủ yếu của cả nước theo đánh giá của TS. Ngô Phương Lan về năng xuất sản xuất lúa gạo, ông đã tô đậm giá trị của khu vực này trong việc dẫn chứng nghiên cứu về doanh số xuất khẩu lúa của cả nước với những con số xuất khẩu hàng năm mà ĐBSCL đã làm đươc: xuất khẩu khoảng 3.5 triệu tấn gạo, hàng triệu tấn rau trái và thủy hải sản, đóng góp 27% cho GDP của quốc gia.
PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Việt Thành
Theo PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa, chính việc xuất khẩu nông sản này đã góp phần định vị giá trị quan trọng cho Việt Nam trên bản đồ thế giới trong quá trình hội nhập quốc tế; và theo ông, so với các nước khác, Việt Nam hoàn toàn không có lợi thế cạnh tranh mạnh hơn về công nghiệp, công nghệ thông tin, dịch vụ, y tế, giáo dục, du lịch. Từ lập luận trên, ông đã đưa ra nhận định: những giá trị mà ĐBSCL tạo ra không đơn giản chỉ là một lợi thế cạnh tranh mạnh nhất so với các nước khác về kinh tế, mà còn là nền tảng bền chắc cho sự phát triển quốc gia, gìn giữ an ninh quốc phòng, trật tự xã hội và văn hóa truyển thống cho muôn đời sau.
Cũng theo ông, tuy Việt Nam đạt lợi thế xuất khẩu về lúa gạo như trên, nhưng điều đáng chú ý là sau hơn 25 năm cùng cả nước phát triển nhanh trong lĩnh vực này, ĐBSCL đang phải đối mặt với rất nhiều vấn nạn hiện thực và thách thức vô cùng to lớn không dễ dàng vượt qua. Theo đánh giá của PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa, thực tế là khu vực ĐBSCL đang giảm sút vị thế, vai trò của ĐBSCL trong nước và quốc tế do những vấn nạn và thách thức này, đặc biệt là còn có sự cộng hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Từ đó, theo ông, để tiếp cận chủ đề của hội thảo, các cấp cần tập trung làm rõ những điểm chính sau đây:
- Vấn nạn và thách thức từ liên kết vùng;
- Vấn nạn và thách thức từ tiến trình đô thị hoá và công nghiệp hoá nhanh;
- Vấn nạn và thách thức từ biến đổi khí hậu và diễn tiến khí hậu bất thường.
Không chỉ nêu ra những trở ngại mà khu vực ĐBSCL đang đối đầu, bên cạnh đó, PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa còn nhấn mạnh rằng: Nếu không kịp thời có những thay đổi trong “não trạng” của con người sống ở khu vực ĐBSCL và những người chịu trách nhiệm về việc phát triển khu vực đó để có những quyết sách đúng đắn, hành động quyết liệt thì hậu quả không lường hết được chứ đừng nghĩ đến sự phát triển bền vững như chúng ta mong muốn.
Cùng với việc mô tả hiện trạng, phân tích nguyên nhân, dự báo triển vọng, tác giả bài viết đã đưa ra các định hướng và giải pháp ở tầm vĩ mô.
5. Các tham luận nghiên cứu khác về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và giáo dục đồng bằng sông Cửu Long từ các góc độ: tôn giáo, nhân học, văn hóa, văn học,… cũng đề cập đến thực trạng ĐBSCL và phân tích một cách khá thấu đáo cũng như đưa ra những giải pháp từ cách tiếp cận nghiên cứu của từng tác giả. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu và các chuyên gia, bên cạnh những vấn đề nổi bật được đề cập trực tiếp trong các tham luận tại hội thảo nói trên, về giải pháp, ĐBSCL cũng cần phải xây dựng được các định hướng, giải pháp về phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường phù hợp với đặc thù của khu vực. Các định hướng phát triển cần tập trung vào những vấn đề như khắc phục, cải thiện ô nhiễm môi trường tại các đô thị vùng ĐBSCL; khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên nước…
Chủ đề hội thảo “Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” đã hội tụ nhiều quan điểm, cách đánh giá cùng chiều nhưng bản thân nó cũng quy tụ không ít quan niệm, ý kiến trái chiều nhưng rất có ý nghĩa trong việc xây dựng đường hướng phát triển cho một khu vực đã và đang là tiềm năng kinh tế của cả nước – đã thực sự thách thức người nghiên cứu với yêu cầu nhìn nhận và đánh giá đúng tiềm năng về nó để bồi đắp cho nó có thể phát triển bền vững. Vì những nét đặc biệt nói trên, tuy diễn ra vào thời điểm bận rộn của những ngày đầu năm Dương lịch lại là những ngày cuối năm Âm lịch, trước thềm tết Giáp Ngọ 2014, hội thảo đã thu hút được 73 báo cáo gửi đến từ các nhà nghiên cứu, giảng viên các trường viện, các nhà quản lý địa phương, khu vực. Ban tổ chức đã ghi nhận có 8 báo cáo trình bày tại hội thảo và gần 25 ý kiến trao đổi, nhận xét, đánh giá tại phiên thảo luận.
Những ý kiến tại hội thảo được đại diện Chủ tọa đoàn, PGS.TS. Nguyễn Thế Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Trường ĐHKHXH&NV tổng kết: các ý kiến đóng góp cho hội thảo là những góp ý tập trung cho các phạm vi: về cơ sở quàn lý, liên kết vùng, giáo dục; đồng thời cho cả những vấn đề phát triển, ưu tiên vào 3 vấn đề chính: kinh tế, môi trường, xã hội của ĐBSCL, sao cho cả 3 vấn đề cần quan tâm trên được phát triển đồng đều, hài hòa mà không bị xô lệch.
PHÒNG QLKH-DA
Các hình ảnh hội thảo:
GS.TS. NGND. Ngô Văn Lệ, trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Việt Thành
PGS.TS. Trương Văn Chung phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Việt Thành
PGS.TS. Hoaàng Văn Việt, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Việt Thành
TS. Nguyễn Hữu Nguyên, trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Việt Thành
ThS. Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, BCĐ Tây Nam Bộ, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Việt Thành
TS. Hồ Bá Thâm, phát biểu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Việt Thành
TS. Trần Hoàng Hảo, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Việt Thành
TS. Trần Hoài Anh, Trường Đại học Văn hóa TP.HCM. Ảnh: Việt Thành
Nhận xét
Đăng nhận xét