ĐBSCL được xem là vùng đất giàu tiềm năng và lợi thế. Tuy nhiên, việc không có thương hiệu riêng đã khiến nhiều sản phẩm chủ lực của vùng chỉ ở dạng tiềm năng, sức cạnh tranh kém...
Không có thương hiệu riêng khiến nhiều sản phẩm của vùng ĐBSCL sức cạnh tranh kém. |
Ngày 14.1, tại TP.Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam phối hợp với lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tổ chức buổi tọa đàm về “Xây dựng, phát triển thương hiệu và bảo vệ tài sản trí tuệ của các tỉnh ĐBSCL”.
Thông tin tại buổi tọa đàm cho thấy: Vùng ĐBSCL không chỉ là vựa lúa - gạo, trái cây, thủy sản của cả nước; mà còn là nơi đảm bảo “sức khỏe” cho nền nông nghiệp Việt Nam với vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng (lúa - gạo, trái cây, thủy sản...) luôn chiếm sản lượng và kim ngạch xuất khẩu lớn của cả nước, nhưng hầu hết lại chưa có được thương hiệu mạnh. Yêu cầu xây dựng và phát triển các thương hiệu nông sản chủ lực với đặc thù vùng miền, chỉ dẫn địa lý, gắn với các doanh nghiệp đủ mạnh, uy tín, yêu cầu liên kết vùng, liên kết 4 nhà... đã được đặt ra từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa như mong muốn.
Thực trạng đó đã làm cho khả năng cạnh tranh của các sản phẩm này còn nhiều hạn chế; nhất là đối với thị trường xuất khẩu. Đến nay, vùng ĐBSCL vẫn chưa có một chương trình thương hiệu vùng miền trong chiến lược thương hiệu quốc gia khiến nhiều sản phẩm, lợi thế vẫn chỉ ở dạng “tiềm năng”. Chính vì vậy, một chiến lược thương hiệu vùng miền nói chung, các loại nông sản chủ lực vùng ĐBSCL nói riêng đang trở thành đòi hỏi vô cùng bức bách
Theo thạc sĩ Trần Hữu Hiệp - Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ - việc đăng ký sử dụng, chứng nhận, bảo hộ thương hiệu vùng miền đã được nhiều quốc gia quan tâm, nâng tầm giá trị; song ở nước ta vẫn còn là vấn đề mới. Ông Huỳnh Trường Vĩnh - Giám đốc Sở KHCN Hậu Giang - cho rằng: “Xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền là vấn đề rất thiết thực để có điều kiện liên kết. Các địa phương đã rất nỗ lực, song vẫn thiếu chính sách, thiếu liên kết với nhau để phát triển”.
Thạc sĩ Trần Hữu Hiệp nhấn mạnh, việc xây dựng và phát triển các thương hiệu vùng ĐBSCL của doanh nghiệp cần được đặt trong một chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa, xác định trách nhiệm - lợi ích của từng “chủ thể” tham gia. Những “công đoạn” quyết định, “điểm nút” đột phá để chọn lựa giải pháp, thứ tự ưu tiên và tiến hành đồng bộ để xây dựng chiến lược thương hiệu là vấn đề có tầm quan trọng. Cần phải xây dựng thương hiệu để khẳng định giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng ĐBSCL.
Nhận xét
Đăng nhận xét