Sáu Nghệ - Báo Tiền Phong
Thuyền chở hoa cập bến chợ Vị Đông. Ảnh: Sáu Nghệ
TPO - Năm 2013, nông nghiệp tỉnh Hậu Giang tăng 9,8% so với năm 2012, dẫn đầu ĐBSCL, được tặng cờ thi đua xuất sắc của Bộ NN&PTNT. Đi lên bằng nông nghiệp nên chưa giàu, dịp này, lãnh đạo các cấp thay nhau về ăn Tết với hàng loạt ấp nghèo và người nghèo.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Đồng, cho biết giá trị nông nghiệp năm nay tăng cao nhờ trái cây. Dễ thấy trong dịp Tết 2014 này, bưởi hồ lô, bưởi tài lộc của Hậu Giang cung không đủ cầu trên thị trường cả nước, mà giá mỗi cặp đến mấy triệu đồng.
Đây là sáng tạo của ông nông dân Nguyễn Trung Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phú Trí A, xã Phú Tân (Châu Thành, Hậu Giang) đã nâng giá của trái bưởi lên hơn 30 lần so với trước kia.
Không dừng lại ở trái bưởi, ông Thành còn làm hồ lô từ trái dưa hấu hoàng kim, màu vàng rộm, biến một thứ trái cây bình dân trở nên có hồn và sang trọng, đắt giá. Bây giờ ở tỉnh Hậu Giang có nhiều nông dân làm được như ông Thành. Nên tỉnh Hậu Giang còn có cam sành đã cho hàng trăm hộ dân, mỗi hộ một năm thu tiền tỷ.
Chanh không hạt của Hậu Giang vỏ mọng, thơm, vị chua thanh đạt chứng nhận Global GAP đã xuất khẩu sang thị trường EU và Trung Đông, mỗi héc-ta mỗi năm cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng.
Khóm Cầu Đúc ở vùng đất mặn ngọt giao thoa của tỉnh Hậu Giang, trái lớn, ăn cùi không rát lưỡi, đặc sản từ xưa được giữ gìn để Tết này vẫn có giá.
Tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh Hậu Giang, năm 2013 xấp xỉ 30.000 ha, tăng 12% so với năm 2012.
Ông Nguyễn Trung Thành với bưởi hồ lô.
Gần chục năm trước, tỉnh Hậu Giang đã xác định nông nghiệp phát triển 5 cây, 5 con: cây ăn trái, khóm, rau màu, lúa, mía và thủy sản, trâu, bò, heo, gia cầm.
Đầu năm 2014, như báo Tiền Phong đưa tin, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Công Chánh đưa ra danh thiếp của ông in ảnh “sản phẩm chủ lực tỉnh nhà”.
Đó là bưởi, khóm, lúa, cá, mía và có lẽ ông Chánh là vị Chủ tịch UBND tỉnh đầu tiên của cả nước, sử dụng danh thiếp của mình để tiếp thị nông sản.
Chợ hoa xã Vị Đông.
Dịp này về xã vùng sâu Vị Đông (Vị Thuỷ, Hậu Giang) đã bon bon xe bốn bánh, chục năm trước đi xe hai bánh cũng gian nan, thấy có chợ hoa tươi thắm. Mặt trời lên cao nhưng thời tiết còn se lạnh, mấy người bán hoa đặt bàn cà phê giữa nắng, ngồi nói cười vui vẻ.
Họ cho biết, mỗi cặp giỏ hoa cúc vạn thọ giá 40.000 – 60.000 đồng, “bán lai rai được”. Dưới kinh xáng Xà No, thuyền chở hoa tiếp tục cập bến.
Đặc biệt hơn, Tết này, tỉnh Hậu Giang chủ trương cán bộ các cấp phải về ăn Tết với ấp nghèo, người nghèo.
Danh thiếp “tiếp thị nông sản” của Chủ tịch Trần Công Chánh.
Tỉnh nghèo đi lên bằng phát triển nông nghiệp, Hậu Giang cũng còn nhiều hộ nghèo. Để mọi nhà có Tết, tỉnh đã chi 24 tỉ đồng cho 69.000 gia đình; gồm 21.000 gia đình chính sách, 20.000 gia đình bảo trợ xã hội và 28.000 gia đình nghèo.
Đêm 24/1, tỉnh còn vận động một số doanh nghiệp và ngân hàng tổ chức chương trình văn nghệ “Ấm áp mùa xuân”, trao 2.000 phần quà Tết, trị giá 1 tỉ đồng cho người nghèo.
Những ĐVTN có thành tích ở cơ sở ngành nông nghiệp vui Xuân cùng GĐ Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Đồng (giữa).
Ngày 22/1, đồng loạt 6 ấp nghèo với 845 hộ nghèo đã quây quần ăn Tết với lãnh đạo tỉnh, nhận quà Tết trực tiếp từ tay lãnh đạo tỉnh.
Bí thư Tỉnh uỷ Huỳnh Minh Chắc dẫn đầu đoàn cán bộ ăn Tết với ấp 1 và 2, xã Thuận Hoà (huyện Long Mỹ); Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Chánh dẫn đầu đoàn cán bộ ăn Tết với ấp 4 và 5, xã Vĩnh Trung (Vị Thuỷ); Phó bí thư Tỉnh uỷ Đinh Văn Chung và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Liên Khoa dẫn đầu đoàn cán bộ ăn Tết với ấp Long Phụng và Long Phụng A, xã Hiệp Hưng (Phụng Hiệp).
Tại mỗi ấp, còn tặng một căn nhà tình thương cho người nghèo. Tổng kinh phí 523 triệu đồng vận động xã hội đóng góp.
Sau đó cho đến ngày 25/1, cán bộ lãnh đạo 7 đơn vị cấp huyện trong tỉnh Hậu Giang cũng đồng loạt về ăn Tết với ấp nghèo, người nghèo, mỗi cấp huyện ăn Tết ở 2 – 4 xã. Hương Xuân vì thế đã lan khắp chốn cùng quê, không sót một gia đình nào.
Nhận xét
Đăng nhận xét