Mùa khô, sau những trưa ngập nắng là
những chiều lộng gió là lúc được thỏa cái thú thả diều. Ngày nay, mình chỉ cần
bỏ ra vài chục ngàn đồng là mua được con diều làm sẵn, đủ kiểu dáng, màu sắc,
tha hồ chọn lựa.
Nhưng hồi xưa, làm gì có
diều bán sẵn như bây giờ, nên người ta phải tự làm. Đó cũng là cái thú riêng
khi tự tay làm ra con diều mình thích. Con nít xứ quê xưa thiếu thốn nhiều thứ,
nhưng thừa nắng gió. Đồng trống mênh mông, sau mùa cắt lúa, đất khô, tha hồ thả
diều thi.
Cánh diều từ xưa đến nay đã nâng đỡ
ước mơ của biết bao cô bé, cậu bé quê.
Có 3 bộ phận quan trọng
của một con diều mà bất kỳ nhà “thiết kế và thi công” bình dân nào cũng phải có
kỹ năng. Đó là làm khung diều, đuôi diều và dây lèo. Khung thì làm bằng thanh
tre, thanh trúc trong vườn nhà, vừa chắc, nhưng không quá nặng để lên cao. Thân
và đuôi diều dán bằng giấy kiếng, giấy tráng kẽm gói mâm lễ đám cưới, đám nói
hoặc giấy tập học trò. Cuối cùng, dây lèo là phần quan trọng nhứt, phải biết
cột dây sao cho diều gặp gió, lên cao mà giữ được thăng bằng.
Chơi diều cũng có lắm
chiêu. Đó là trò câu diều, tinh ranh và điệu nghệ. Người chơi lợi dụng sức gió
và cánh diều to, khỏe của mình để câu diều bạn yếu sức, đứt dây. Thú chơi khiêu
khích này có khi làm mất toi những cánh diều mà nhiều người đã bỏ rất nhiều công lao
làm lấy. Bọn trẻ chúng tôi lại thích trò “gửi thư diều” hơn. Người gửi thư viết
“chữ ước” của mình vào miếng giấy nhỏ có khoét lỗ gắn vào dây diều, nhờ sức gió
đưa lên cao để ước nguyện thành hiện thực.
Thả diều ngày nay không chỉ là trò chơi con trẻ mà còn là thú
vui của người lớn; không chỉ là trò tiêu khiển mà còn là “sản phẩm du lịch đặc
trưng” và được nâng tầm nghệ thuật. Cánh diều còn được Hội Điện ảnh chọn làm
biểu trưng cho giải thưởng điện ảnh Việt Nam hàng năm. Nhưng những cánh diều
tuổi thơ, những con diều giấy tự làm ngày xưa bay bổng chắc vẫn còn đọng lại
trong ký ức bao người để nhớ, để thương về một thời gian khó.
Nhận xét
Đăng nhận xét