Hữu Hiệp
Giá lúa đông xuân ở ĐBSCL đảo chiều, từ liên tục rớt giá
trước Tết Nguyên đán sang tăng giá khoảng 200 - 400 đồng/kg sau tết. Hệ thống
thương lái mua lúa hàng hóa của nông dân khá đông. Thị trường lúa gạo nội địa
đã sôi động trở lại, xua nỗi lo trúng mùa, rớt giá trước đó.
Nhiều nhận định ghi nhận phản ứng nhanh nhạy của cơ quan
chức năng trong chỉ đạo, điều hành; đặc biệt là chủ trương mua tạm trữ 1 triệu
tấn quy gạo của Chính phủ. Quyết định sớm, triển khai nhanh, vào cuộc quyết
liệt của các bộ, ngành trung ương, địa phương; của Hiệp hội Lương thực Việt Nam
(VFA) và DN được đánh giá rất tích cực.
Đầu tiên là tiền đâu để mua tạm trữ? Câu trả lời nhanh được
Ngân hàng Nhà nước đáp ứng, chấp thuận 17 ngân hàng thương mại cho DN vay, được
hỗ trợ 100% trong 4 tháng tạm trữ theo chỉ tiêu được phân giao. Vinafood II
cũng vừa trúng thầu xuất khẩu 300.000 tấn gạo cho Philippines. Ngày 1.3, tại
TP.Cần Thơ, Bộ NNPTNT và VFA đã triển khai, phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ. Điểm
sáng được đồng tình cao là minh bạch “4 ưu tiên”. Thương nhân mua tạm trữ phải
có đăng ký, thành tích, năng lực xuất khẩu và tạm trữ, có tham gia “cánh đồng lớn”.
Các địa phương cũng có thực quyền hơn, “chủ động” hơn là “bị động” trong việc
chỉ đạo tiến độ thu mua theo lịch thời vụ.
Lạc quan nhưng không chủ quan. Chỉ số xuất nhập khẩu gạo
toàn cầu (WRI) vẫn đang ở xu hướng giảm. Nhiều lo ngại và thực tế là giá gạo đã
sụt giảm khi Thái Lan “bung hàng” 700.000 tấn gạo tồn kho. Theo dự báo từ mạng
chuyên ngành lúa gạo thế giới oryza.com, thì cường quốc xuất khẩu gạo này sẽ mở
tiếp đợt bán gạo lớn trong kế hoạch giải phóng 10/17 triệu tấn gạo tồn kho. Nên
giá lúa tăng nhẹ, thị trường nội địa ấm lên là dấu hiệu tích cực, nhưng mong
manh, có thể nhờ tác động trong ngắn hạn trước sự kiện Việt Nam trúng thầu bán
gạo cho Philippines và chủ trương mua tạm trữ.
Trong nhất thời, việc mua gạo tạm trữ để “kéo giá lên” nhằm
hỗ trợ nông dân là cần thiết. Nhưng để ngành lúa gạo phát triển bền vững, tăng
sức cạnh tranh, thì phải có chính sách dài hạn thay cho những đối phó ngắn hạn.
Cần một hệ thống giải pháp căn cơ, đồng bộ thì mới giải quyết được tình trạng
bấp bênh. Hiện đại hóa ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giúp nông
dân ĐBSCL vượt qua thách thức, trở thành “doanh nhân nông nghiệp”, làm giàu
được bằng nghề nông, thì mới giải quyết được vấn đề từ gốc.
Nhận xét
Đăng nhận xét