(HQ Online)- Phóng viên
Báo Hải quan có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Trần Hữu Hiệp– Vụ trưởng Vụ Kinh tế
Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ về chiến lược nào để xây dựng thương hiệu nông sản, đặc
biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Ông đánh giá như thế nào về thực trạng xây dựng thương hiệu
cho nông sản Việt Nam hiện nay?
Luật Thương mại và Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành
chỉ định nghĩa về “nhãn hiệu” và “hoạt động thương mại”, không nêu rõ khái niệm
“thương hiệu” là gì. Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25-11-2003 của Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu quốc
gia” cũng chỉ định ra một chương trình xúc tiến thương mại quốc gia dài hạn,
nhằm xây dựng, quảng bá nhãn hiệu sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ), tên thương
mại, chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ hàng hóa, được mang biểu trưng của
thương hiệu quốc gia trên thị trường trong và ngoài nước.
Thời gian qua, chúng ta quen tiếp cận và sử dụng thương
hiệu chủ yếu dưới góc độ của doanh nghiệp (DN), cho dù thương hiệu đó được gắn
với một địa danh cấp xã, huyện, tỉnh, cấp vùng (cà phê Trung Nguyên; trái cây,
lúa gạo, thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long; trà Thái Nguyên…) hay cấp quốc gia
(Hàng Việt Nam chất lượng cao, Thương hiệu Việt…). Tuy nhiên, trong bối cảnh
nền kinh tế nước ta đang ngày càng hội nhập sâu hơn với nền kinh tế thế giới,
yêu cầu đang đặt ra là cần tiếp cận, xây dựng và phát triển thương hiệu từ góc
độ “tài sản công” của một địa phương, vùng miền và quốc gia. Gần đây, một số
địa phương đã quan tâm xây dựng, đăng ký chứng nhận xuất xứ hàng hoá, bảo hộ
thương hiệu như: Nước mắm Phú Quốc được đăng ký và bảo hộ tại 28 quốc gia châu
Âu; khoai lang Bình Tân - Vĩnh Long được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hoá tập
thể… Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có một chương trình thương hiệu vùng miền
trong chiến lược thương hiệu quốc gia, khiến nhiều sản phẩm, lợi thế vẫn chỉ ở
dạng “tiềm năng”.
Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, thủy sản, trái cây của
cả nước, theo ông có cần xây dựng thương hiệu cho vùng nông sản này?
Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vựa lúa gạo, trái cây,
thủy sản của cả nước mà còn là nơi bảo đảm “sức khỏe” cho nền nông nghiệp Việt
Nam. Nhiều năm qua, các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng như lúa gạo, trái
cây, thuỷ sản luôn chiếm sản lượng và kim ngạch xuất khẩu lớn của cả nước. Thế
nhưng đến nay, hầu hết các mặt hàng này vẫn chưa có được thương hiệu mạnh. Yêu
cầu xây dựng và phát triển các thương hiệu nông sản chủ lực của vùng, gắn với
các DN thành đạt, uy tín, trên cơ sở liên kết vùng, liên kết “4 nhà”... đã được
đặt ra nhưng đến nay vẫn chưa như mong muốn. Một chiến lược thương hiệu vùng,
miền nói chung và thương hiệu cho các loại nông sản chủ lực của vùng Đồng bằng
sông Cửu Long nói riêng đang trở thành đòi hỏi cấp bách.
Ông đề xuất những giải pháp gì để xây dựng thương hiệu cho
nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long?
Theo tôi, về cơ chế, chính sách và pháp lý, cần xây dựng và
phát triển thương hiệu dưới 2 góc độ. Một là, “tài sản riêng của DN”. Hai là,
“tài sản chung” của cộng đồng ở một địa phương, vùng miền và quốc gia. Trong
cách tiếp cận “thương hiệu là tài sản riêng” cần bổ sung chính sách thương hiệu
vùng, miền để khuyến khích DN đầu tư, xây dựng và phát triển các sản phẩm
chủ lực của vùng, miền. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo hộ thương
hiệu.
Về quy hoạch và đầu tư, cần rà soát, bổ sung quy hoạch theo
hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, dựa trên lợi thế cạnh tranh của các sản
phẩm chủ lực, dịch vụ được lựa chọn xây dựng thương hiệu mạnh, tránh dàn trải
để tập trung đầu tư chiều sâu. Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cần tăng cường
liên kết vùng phát triển sản xuất và tiêu thụ, xây dựng các “cụm ngành
(cluster) lúa gạo, trái cây, thuỷ sản” của vùng có lợi thế cạnh tranh. Thực tế
cho thấy, vấn đề quan trọng là thay đổi tư duy và phương pháp đầu tư, chuyển từ
đầu tư theo “đoạn” sang đầu tư theo “chuỗi” sản xuất.
Để khắc phục tình trạng sản xuất theo kinh nghiệm truyền
thống, công nghệ lạc hậu, cần chú trọng áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến
một cách đồng bộ tại các khâu giống, nuôi trồng và chế biến. Quy trình đó gồm:
Phát triển công nghệ sinh học, áp dụng rộng rãi VietGAP, GlobalGAP trong sản
xuất nông nghiệp, phát triển công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch để giảm thất
thoát, nâng cao chất lượng nông, lâm, thuỷ sản và gia tăng giá trị của sản
phẩm… gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu. Ngoài ra, cần tăng cường đầu
tư cho công tác điều tra, nghiên cứu, dự báo thị trường; tổ chức hội chợ triển
lãm trong nước và nước ngoài để các DN tham gia giới thiệu, quảng bá các hàng
hóa chủ lực của địa phương.
Chợ nổi Cái Răng chuyên buôn bán các loại trái cây, nông sản
của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: S.T
|
Hiện nay, phần lớn lao động của vùng Đồng bằng sông Cửu
Long chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật tốt, đa số xuất thân từ nông thôn,
hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu dựa vào khả năng và kinh nghiệm mang
tính truyền thống. Từ thực trạng này, cần có quy hoạch, phân luồng đào tạo
chuyên môn và dạy nghề, đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình
độ tay nghề cao, cán bộ quản lý có năng lực để cung cấp cho các DN, nhà sản
xuất hay khu công nghiệp sản xuất hàng hóa chủ lực của vùng gắn với vấn đề xây
dựng và phát triển thương hiệu.
Xin cảm ơn ông!
Quang Duy (thực hiện)
Nhận xét
Đăng nhận xét