Trần Hữu Hiệp
(ANH HÀO ghi)
PLO - 11/03/2023 | 05:48
(PLO)- Theo
Luật Ngân sách thì chỉ có ngân sách trung ương và địa phương, chưa có ngân sách
cấp vùng vì hiện nay chưa có… chủ thể vùng!
Trong những năm qua, TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã ký
kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần vào phát triển kinh tế -
xã hội tại các địa phương cũng như đóng góp nhất định cho sự phát triển chung
của cả nước.
Tuy nhiên, cho đến nay chưa có cơ quan nào đóng vai trò chủ thể trong mối liên kết này.
Cao tốc Bắc - Nam phía đông, đoạn nối Cần Thơ với Hậu Giang là một trong những công trình hạ tầng kết nối các tỉnh trong vùng kinh tế TP.HCM - ĐBSCL. Ảnh: ANH HÀO |
Chủ thể vùng chưa rõ
Lâu nay giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL có mối gắn bó “máu
thịt” hỗ trợ nhau cùng phát triển. Trước đây, hằng năm Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ
tổ chức diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL theo từng chủ đề nhất định. Đồng thời,
tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện của từng năm, từ đó đề ra những nội
dung mới cho năm tiếp theo.
Điểm nổi bật của các diễn đàn là sau đó các nội dung sẽ
được kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ để có kết luận chỉ đạo các bộ, ngành
trung ương phối hợp triển khai.
Tuyên bố tại diễn đàn là các kiến nghị ở tầm cấp vùng và
liên vùng sẽ được chuyển đến cơ quan trung ương để phối hợp cùng với các địa
phương triển khai. Việc này thể hiện tuyên bố tại diễn đàn không phải là các
cam kết chung chung mà được chuyển hóa thực tế góp phần phát triển kinh tế - xã
hội của vùng ĐBSCL và cả TP.HCM.
Cần xây dựng bộ máy cấp vùng để việc liên kết, hợp tác đi
vào chiều sâu, có thực chất, tránh được việc cam kết chung chung, mang tính
hình thức…
Sau khi Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ kết thúc nhiệm vụ lịch sử
của mình, mối quan hệ hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL chủ yếu thông qua mối
quan hệ hợp tác song phương giữa từng địa phương. Câu chuyện này đã tạo nên một
“khoảng trống”, vấn đề đặt ra là: Cơ quan nào sẽ đại diện cho các vấn đề cấp
vùng, vấn đề mang tính chất liên tỉnh?
Vấn đề này sau đó đã được giải tỏa bằng Nghị quyết 57 của
Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế -
xã hội. Bên cạnh việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên kết vùng, trong
nghị quyết, Chính phủ cũng đưa ra việc cần nghiên cứu, xây dựng bộ máy cấp vùng
để việc liên kết, hợp tác đi vào chiều sâu, đi vào thực chất, tránh được việc
cam kết chung chung, mang tính hình thức.
Phải kết nối hai đầu cầu TP.HCM - Cần Thơ
Trong liên kết với vùng ĐBSCL nói TP.HCM là đầu tàu của cả
nước cũng không sai, điều này được minh chứng rõ nét qua các chỉ số thống kê
như đóng góp GDP, thu ngân sách, tính lan tỏa, kết nối trong phát triển xã hội
với các địa phương và các vùng, miền.
Trong mối hợp tác, liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL
ngoài TP.HCM còn có TP Cần Thơ, đây có thể được xem là hai đầu cầu của mối liên
kết này. Do đó rất cần tăng cường kết nối hai đầu cầu này nhằm từ đây sẽ tạo
lan tỏa rộng ra 12 địa phương.
Bên cạnh hợp tác kinh tế đa phương giữa TP.HCM và các tỉnh
ĐBSCL, cần có mối quan hệ song phương giữa TP.HCM và TP Cần Thơ để tạo động lực
cho liên kết vùng. Liên kết song phương này phải đồng hành, đồng bộ với liên
kết đa phương, không thể tách riêng mối liên kết này mà bỏ qua mối liên kết với
cả vùng ĐBSCL. Nhìn rộng ra, để đồng bộ cần có cơ chế, chính sách phù hợp giữa
hai địa phương này và cả với năm TP trực thuộc trung ương với nhau để có sức
đóng góp cho cả nước.
Bất kỳ cơ chế hợp tác nào cũng cần có bộ máy thực thi hoặc
giúp việc. Do đó, để tăng cường hiệu quả, hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL
cần phải có chương trình, dự án cụ thể, không dàn trải, đi vào trọng tâm. Kế đó
là phải có bộ máy theo dõi thường xuyên để giúp lãnh đạo 14 tỉnh, TP mỗi khi
họp sẽ có thông tin, cơ sở để quyết định những vấn đề lớn của vùng.
Cần gỡ “điểm nghẽn” ngân sách trong liên kết vùng
Về điểm nghẽn trong liên kết hợp tác giữa TP.HCM với các
tỉnh ĐBSCL nói chung và giữa các tỉnh với nhau nói riêng hiện nay được thể hiện
ở câu nói: “Hai có, ba không”. Cụ thể, hai có chính là: Có chủ trương, chính
sách, quyết tâm liên kết vùng và có quy hoạch vùng. Tuy nhiên, sự liên kết này
đang vướng “ba không”, đó là: Không có chủ thể cấp vùng rõ ràng. Từ đó, kéo
theo không có ngân sách vùng để đầu tư, phát triển mặc dù quy hoạch vùng rất
đẹp.
Theo ngành, lĩnh vực thì có bộ, ngành trung ương, địa
phương thì có HĐND, UBND, như vậy chủ thể cấp vùng là ai? Muốn thực hiện liên
kết vùng trước hết phải có chủ trương, chính sách; lực lượng và vốn. Nhưng theo
Luật Ngân sách thì chỉ có ngân sách trung ương và địa phương, chưa có ngân sách
cấp vùng. Như vậy để biến quy hoạch vùng thành hiện thực thì phải có chủ thể
vùng làm đại diện cho ngân sách vùng. Nhưng hiện chủ thể vùng chưa rõ, chưa có
ngân sách riêng cho vùng thì làm sao triển khai các dự án liên tỉnh, trong vùng
để phát triển vùng?
https://plo.vn/can-co-co-quan-cap-vung-trong-lien-ket-dbscl-tphcm-post723383.html
Nhận xét
Đăng nhận xét