TRẦN HỮU HIỆP
TTO - 18/07/2022 08:49 GMT+7
Gần 50% mẫu rau quả ở các chợ đầu mối TP.HCM có dư lượng hóa chất, hơn 40% mẫu hải sản chứa kim loại nặng, nhiều mẫu vượt giới hạn cho phép.
Đó là thông tin từ kết quả kiểm tra của Ban quản lý an toàn
thực phẩm TP.HCM gây choáng váng nhiều người. Nhìn rộng ra thị trường tiêu dùng
thực phẩm trong nước ở các địa phương khác càng đáng lo hơn.
Không thể phủ nhận những nỗ lực của các cơ quan chức năng
tăng cường kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm với các chuỗi an toàn, công nghệ
truy xuất nguồn gốc, quản lý mã số vùng trồng, áp dụng mã vạch thực phẩm, dán
nhãn sản phẩm OCOP.
Nhưng trong thực tế, hệ thống quản lý tầng tầng lớp lớp,
nhiều cấp, nhiều ngành liên quan đến "cánh cổng sức khỏe" của người
dân vẫn đang xảy ra tình trạng thực phẩm bẩn "rờ đâu rầu đó", thành
"chuyện thường ngày ở chợ".
Ai cũng biết việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản
xuất nông nghiệp; sử dụng các chất phụ gia, hóa chất, phẩm màu ngoài danh mục
trong chế biến, dùng vật liệu gây hại đóng gói, bao bì thực phẩm gây ảnh hưởng
sức khỏe người tiêu dùng;
nhưng nhiều nơi lại kiểm tra, xử lý không thường xuyên, làm
chiếu lệ, thậm chí còn bưng bít thông tin, sợ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất,
mua bán, xuất khẩu.
Phải chăng đang có khoảng trống trách nhiệm hay vướng mắc
về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan liên quan trong việc xử
lý?
Mỗi cơ quan thực thi trong phạm vi nhiệm vụ quản lý, nhưng
mỗi người dân có quyền yêu cầu về chất lượng cuối cùng của công tác phối hợp để
đảm bảo mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt.
Cần có thêm nhiều quy định chặt chẽ, chế tài nghiêm khắc
hơn về trách nhiệm của cơ quan quản lý, người đứng đầu, cơ sở kinh doanh, các
siêu thị, nhà bán buôn, bán lẻ khi để xảy ra thực phẩm bẩn gây ngộ độc.
Một xã hội mà người tiêu dùng luôn bất an, lo sợ dùng phải
thực phẩm bẩn thì lấy đâu chỗ dựa niềm tin để tạo ra sức cầu cho sản xuất và
thương mại?
Yêu cầu đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe người dân không
thể bằng lời kêu gọi lòng hảo tâm, sự kinh doanh tử tế mà phải bằng công cụ
quản lý, bằng pháp luật, chế tài, ứng dụng tốt công nghệ và tổ chức liên kết
các chuỗi giá trị thực phẩm an toàn từ vùng trồng về đến chợ, lên bàn ăn người
dân.
Tăng cường, chấn chỉnh, khắc phục hậu quả ngay sau khi có
thiệt hại xảy ra là cần thiết, nhưng kiến tạo cơ chế, chính sách, quy định pháp
luật, thực hiện nghiêm, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát để không xảy ra sai
phạm còn quan trọng hơn nhiều.
Không giải quyết vấn đề gốc rễ này thì việc tăng cường kiểm
tra, xử phạt, xử lý các vụ thực phẩm bẩn cũng chỉ là "vuốt ở
phần ngọn" mà thôi.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, GPS, ứng
dụng viễn thám, điện toán đám mây, mạng Internet tích hợp, smartphone, thương
mại điện tử ở nước ta thời gian gần đây đã cung cấp các nền tảng công nghệ tốt
hơn cho nhiều ứng dụng số.
Theo đó, cần sử dụng rộng rãi công nghệ số, mã vạch giúp
người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng nông sản bày
bán tại các chợ, siêu thị.
Thực tế đang đòi hỏi cơ quan chức năng, chính quyền địa
phương phải mạnh tay hơn nữa với các kiểu gây bẩn thực phẩm để trục lợi, làm
tổn hại sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
Phải thiết lập một
"hàng rào bảo vệ" thực phẩm sạch, an toàn từ đồng ruộng, đường đi của
các loại nông sản đến thực phẩm trên bàn ăn người tiêu dùng.
Nhận xét
Đăng nhận xét