TRẦN HỮU HIỆP
Cá hồi |
Bài trên báo Đại Đoàn kết |
Câu chuyện khoa học này nói về bí ẩn của con cá hồi chỉ có ở châu Mỹ, châu Âu. Vậy mà 2 năm trước, chúng được đưa về nuôi thử nghiệm thành công ngay chân thác Bạc (độ cao 1.700m), dưới "nóc nhà Đông Dương" - đỉnh Phanxipăng, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Rồi tiếp tục vượt dãy Trường Sơn về phố núi Đà Lạt nhờ sự thành công của dự án nuôi thử nghiệm cá nước lạnh của tỉnh Lâm Đồng. Điều này không chỉ mở ra một hướng đi mới từ mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, mà còn có thể kết hợp phát triển du lịch tham quan trang trại, suối rừng cảnh quan thơ mộng của thành phố sương mù Đà Lạt.
Đầu năm 2006, UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định chi hơn 1 tỉ đồng, cùng với hơn 4 tỉ đồng của Công ty Hoàng Phố và Công ty Hà Quang, TP. Hồ Chí Minh, được sự hỗ trợ của Viện Nuôi trồng thủy sản I để nuôi thử nghiệm cá hồi và cá tầm Nga. Kết quả rất thành công, tỉ lệ sống từ cá hồi bột lên cá giống và từ cá giống lên cá hồi thương phẩm đạt từ 77% đến 91%. Sau một năm nuôi, trọng lượng trung bình đạt 1,2 kg/con, sản lượng đạt 17-18 tấn, năng suất khoảng 30 tấn/ha, giá thành từ 63.000 – 67.000 đồng/kg.
Giá bán tại hồ nuôi khoảng 150.000 đồng/kg, lãi khoảng 56,6%; cá tầm Nga đạt trọng lượng khoảng 1,8 – 2,2 kg/con, tăng trọng bình quân 0,4 – 0,6 kg/tháng. Theo các chuyên gia, với độ cao lý tưởng (Đà Lạt 1.500 m, Lạc Dương khoảng 1.800 m), cộng với biên độ thời tiết ổn định hơn so với Sa Pa, điều kiện sinh thái phù hợp, nên khả năng thích nghi và sinh trưởng của 2 loài cá nước lạnh này ở Đà Lạt rất tốt. Công ty Hà Quang còn đầu tư nhập trứng từ Phần Lan và ấp nở các giống cá tầm Nga tại Đà Lạt đạt kết quả tốt, tỉ lệ nở đạt 90%, sau 2 tuần tỉ lệ sống 70%.
Du lịch Đà Lạt thêm hấp dẫn...
Một góc Tuyền Lâm. Ảnh: hiepcantho |
Thành công của mô hình nuôi cá nước lạnh mở ra triển vọng phát triển mới cho nghề nuôi thủy sản tỉnh Lâm Đồng. Đến nay, diện tích thủy sản của tỉnh vùng cao này mới đạt 2.000 ha, cho sản lượng 4.000 tấn/năm, giá trị sản xuất ngành thủy sản còn rất nhỏ bé, chỉ khoảng 70 tỉ đồng/năm. Tỉnh Lâm Đồng định hướng đến 2010, chuyển mạnh sang phát triển các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, sản phẩm đặc thù; tiến hành qui hoạch vùng nuôi cá nước lạnh hơn 180 ha ở địa bàn Lạc Dương và một phần ở khu vực hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt, gắn với phát triển du lịch - dịch vụ, tiếp tục thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư có năng lực, tài chính, kỹ thuật – công nghệ, thị trường tiêu thụ, thực hiện các dự án đầu tư khép kín. Tuy nhiên, tỉnh khuyến cáo không nhân rộng mô hình này trong dân như kiểu “nuôi phong trào” mà khuyến khích hình thành các trang trại, có khả năng liên kết chặt chẽ, áp dụng quy trình sản xuất đồng bộ.
Để có thể phát triển bền vững nghề nuôi cá nước lạnh còn rất mới mẻ ở vùng cao nguyên này, còn phải tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ qui hoạch, đầu tư, giải quyết khâu giống đến đảm bảo qui trình công nghệ, kỹ thuật nuôi đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Được biết, Tập đoàn bán sỉ hàng đầu thế giới Metro Cash & Carry Vietnam đang có kế hoạch khảo sát các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng để bàn khả năng liên kết, hợp tác hình thành chuỗi các vệ tinh chân rết và xây dựng siêu thị ở phố núi này. Cuối tháng 11 vừa qua, thêm một nhà hàng đặc sản cá hồi Đà Lạt, qui mô “hoàng tráng” vừa được khai trương phục vụ thực khách.
Loài cá hồi bí ẩn ngược dòng trở về sông cũ ở châu Âu, nay đã vượt đại dương đến vùng phố núi. Tuy chưa nhiều, chưa phổ biến, nhưng ngày nay du khách đến Đà Lạt, có thể kết hợp tham quan những mô hình nuôi cá nước lạnh ở hồ Tuyền Lâm hay ở vùng cao bên đỉnh Langbiang huyền thoại tại huyện Lạc Dương. Trong những phút thư giãn, chọn một nhà hàng của Đà Lạt, rồi như một thực khách người Nhật với món shu-bi, người Nga với món cá tầm truyền thống, bạn có thể ngồi nhấm nháp món cá hồi nổi tiếng thế giới được nuôi từ chính suối, hồ của thành phố cao nguyên này như một thứ tiêu khiển của văn hóa du lịch ẩm thực đặc sắc.
Nhận xét
Đăng nhận xét