Trần Hữu Hiệp
Một thời trường học trên đồng
Ông Tam Nông (phải) trên đồng ruộng những năm 1980 |
Sinh ra trong một gia đình nông dân, lớn lên ở miệt ruộng đồng Tiền Giang, học ngành nông nghiệp ở Đại học Cần Thơ (ĐHCT) những năm cuối thập niên 70, nghiên cứu sinh chính sách phát triển cộng đồng nông thôn ở Đại học Arkansas (Hoa Kỳ), vừa được Hội đồng chức danh Nhà nước phong học hàm … là lý lịch trích ngang của PGS. TS. Nguyễn Văn Sánh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển đồng bằng sông Cửu Long
Ý tưởng “gàn gàn” và những công bố giựt mình
Cùng nông dân |
Nhiều người biết, tại Festival lúa gạo Việt Nam lần II-Sóc Trăng năm 2011, “Bản đồ Việt Nam bằng lúa” do thầy, trò Viện NCPT ĐBSCL thực hiện đạt kỷ lục quốc gia. Người ta cũng biết “Ông Tam Nông” là người có mặt ở Viện này từ thời còn Bộ môn cây trồng của Khoa nông nghiệp, rồi trở thành Trung tâm, Viện Nghiên cứu - Phát triển Hệ thống Canh tác và là Viện NCPT ĐBSCL ngày nay, có mối quan hệ hợp tác rộng rãi với nhiều tổ chức quốc tế, cơ quan nghiên cứu và trường đại học có uy tín trên thế giới. Anh cũng là tác giả, đồng tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về “Tam Nông”. Những nghiên cứu về chuỗi giá trị cá tra ĐBSCL của Viện anh là cơ sở để nhiều doanh nghiệp hoàn thiện chuỗi, từ những sản phẩm Catfish đơn thuần đã cho ra đời nhiều sản phẩm mới như dầu cá, Colagen nước uống và dược phẩm ... Song, cho đến nay ít ai biết, nhà khoa học “Hai Lúa” này chính là người hơn 10 năm trước đã đề xuất “phá bờ mẫu, đóng cừ sạn mở mang ruộng lúa để liên kết hợp tác nông dân làm ăn lớn”. Dạo đó, nhiều người bảo anh gàn, nhưng ý tưởng đó bây giờ là hình mẫu của “Cánh đồng lớn” khi nó được anh Huỳnh Văn Thòn, Tổng Giám đốc Cty CP Bảo vệ thực vật An Giang hiện thực hóa bằng cách tập hợp nông dân trồng lúa, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo. Ý tưởng “cừ sạn” ngày trước được thay bằng các bản đồ số hoá với công nghệ GIS để người nông dân góp cổ đông bằng quyền sử dụng đất. Cũng chính “Ông Tam Nông” này là người phát hiện “Hạt gạo đang bị cắn chia làm tám” chưa hợp lý, làm cho phần lợi của nông dân trồng lúa bị teo tóp và kêu gọi việc “chia lại lợi tức” trong chuỗi giá trị này. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học ở Viện đã làm “giựt mình” không ít người khi chứng minh 30% lợi nhuận của người trồng lúa nếu xét trên bình diện chung hiện trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất rời rạc, thiếu liên kết hiện nay, thì thu nhập của họ ... chưa được 1 USD/người/ngày. Ông Tam Nông cũng chính là người thường xuyên kêu gọi tận dụng cơ hội và thách thức. “Nông dân 4 bước”: bước lên, bước xuống, bước ra, bước vào liên kết làm ăn hợp tác để làm giàu. “Nông nghiệp 4 đúng”: đúng lượng, đúng chất, đúng thời điểm, đúng giá trị nông sản. Nông thôn 4 nhất: nghèo nhất, lạc hậu nhất, hưởng phúc lợi xã hội thấp nhất và dễ bị tổn thương nhất. Nhiều kết quả nghiên cứu, đề xuất cải tiến của anh về cơ chế, chính sách liên kết vùng thực hiện Tam Nông trong điều kiện và đặc thù riêng của vùng ĐBSCL, gắn với xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho nông dân được nhiều người quan tâm.
Cùng với người nghèo |
Làm gì để liên kết vùng, phát triển Tam Nông vùng đất Chín Rồng? TS. Sánh không ngần ngại chia sẻ, đề xuất với bất kỳ vị lãnh đạo tỉnh, Trung ương nào mà anh có điều kiện tiếp cận. Có người bảo anh “lo chuyện bao đồng, đi trên mây” trong khi công việc chính là nghiên cứu, giảng dạy. Nhưng anh không nản, rồi tự an ủi “miễn sao đừng đi dưới âm phủ, mà phải luôn đồng hành cùng nông dân”. Năm 2006, tại Hội nghị lấy ý kiến lãnh đạo địa phương ở An Giang chuẩn bị cho Nghị quyết Trung ương bảy (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, được đồng chì Trương Tấn Sang mời phát biểu 5 phút về cơ hội và thách thức gì của Tam Nông. Từ góc nhìn của ĐBSCL, anh đã khái quát “nông dân là chủ thể, nông thôn là địa bàn, nông nghiệp là cách thức để thực hiện Tam Nông”. Sau đó, được Văn phòng Trung ương Đảng mời ra Hà Nội góp ý dự thảo Nghị quyết, anh cặm cụi chuẩn bị hàng tháng trời và mừng rơn khi thấy nội dung Nghị quyết “Tam Nông” có câu chữ mà mình đã tâm huyết đề xuất. Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, không có nhiều dịp gặp lãnh đạo Trung ương để “tham mưu, đề xuất”, thì anh gửi tin nhắn qua điện thoại. Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát là người nhận được rất nhiều tin nhắn của ông Tam Nông, trả lời không hết. Ít ai ngờ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng rất chịu khó trao đổi tin nhắn, kịp thời khuyến khích, động viên anh về những nghiên cứu, đề xuất cho Tam Nông, về liên kết vùng.
Còn đó những trăn trở và kỳ vọng
Viện NCPT ĐBSCL hiện đang “sở hữu” ngân hàng gien với hơn 2.000 giống lúa các loại từ chịu phèn, kháng rầy, ngập úng, khô hạn đến ngon cơm, cao sản … Trong khi hàng năm, những nhà khoa học nơi đây phải bỏ ra khoản kinh phí hiếm hoi của một đơn vị sự nghiệp để lưu giữ, bảo tồn nguồn gien quý. “Ông Tam Nông” vẫn luôn ao ước sau khi Đề án liên kết vùng ĐBSCL được sự bảo trợ của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, chính quyền các địa phương trong vùng ủng hộ; đề án mà hơn 3 năm qua, anh và các nhà khoa học ở Viện Lúa ĐBSCL, Trường ĐH Cần Thơ, Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam dành nhiều tâm huyết sẽ được cấp thẩm quyền phê duyệt, triển khai, sẽ là cầu nối tập hợp được nhiều nhà khoa học khác, cả hợp tác quốc tế để lai tạo những giống lúa mới thích hợp giới biến đổi khí hậu, chịu mặn trước nguy cơ mặt nước biển dâng, cả những giống lúa có thể chu du và bám rễ ở các mảnh đất châu Phi hay sa mạc Trung Đông mà nhiều quốc gia, nhà đầu tư đang rất ngưỡng mộ, ao ước trước kỳ tích của ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Tại Hội nghị tổng kết NQ 21/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL, sau khi chăm chú lắng nghe TS. Nguyễn Văn Sánh trình bày về đề án Liên kết vùng thực hiện Tam Nông, phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ) đã 4 lần nhắc về đề án này và yêu cầu lãnh đạo Bộ Nông nghiệp chủ trì phối hợp trình duyệt để sớm triển khai “Đó là thái độ trân trọng chất xám và tâm huyết, tình cảm của các nhà khoa học” – Chủ tịch nói.
Gốc từ nông dân, nhà khoa học “Hai Lúa” này luôn nhận thức rằng, phải gắn chặt đời mình với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; vận dụng sáng tạo kiến thức khoa học của nhân loại và kinh nghiệm thực tiễn từ bà con nông dân thì mới có thể đi cùng họ trên suốt chặng đường dài. Phải làm sao để nông dân giàu lên? Là suy nghĩ cứ đau đáu trong lòng, dẫu biết rằng, chuyện không phải của một người. Trước đây, những bậc cha chú đã vấn thân “xé rào”, ngầm “chống lệnh” cấp trên để “khoán chui” trong nông nghiệp, đã góp phần hình thành chủ trương, chính sách lớn của Đảng, tạo ra kỳ tích từ một nước thiếu đói, trở thành cường quốc xuất khẩu gạo chiếm hơn 20% sản lượng gạo thương mại toàn cầu và trở thành vương quốc cá tra, tôm nổi tiếng thế giới. Yêu cầu đặt ra của ngày nay là làm sao để nông dân có thể kiếm sống và làm giàu bằng nghề của mình? Lời giải cho bài toán này cần sự tiếp cận đa ngành, cần qui mô sản xuất lớn hơn, tổ chức sản xuất chuyên nghiệp hơn và sự chuyển đổi tận gốc rễ phương thức “làm như mọi khi” sang sản xuất hàng hóa để tạo ra gía trị gia tăng nhiều hơn là đòi hỏi bức xúc. Chắc chắn đó không chỉ là kỳ vọng của “Ông Tam Nông”.
7 bài có lượng truy cập nhiều nhất trên TTCT đến ngày 08-02-2012 |
Nhận xét
Đăng nhận xét