Trần Hữu Hiệp
Nhớ những năm 1997-1998, những ngày cuối tuần lang thang những chợ trời ở những thành phố miền Tây Đức, từ Sarbruecken, Cologne, Dortmund, qua Berlin và lâu nhất là hơn 7 tháng ở Aachen - thành phố ngã ba biên giới Đức - Bỉ - Hà Lan. Nhờ chợ trời mà những thằng "ngoại quốc" xa xứ như mình học được nhiều ngôn ngữ bình dân, lăn lóc giữa chợ đời nước đức ... Bài viết này trên Báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần (số ra ngày 20-7-2002), sau hơn 3 năm chia tay nước Đức về Việt Nam như những dòng nhật ký một thời ...
Chợ trời Đức (Flohmart) không cố định mà luân phiên tổ chức ở nhiều điểm khác nhau trong một thành phố. Chợ bày bán đủ thứ thượng vàng hạ cám, giá cả cũng trên trời dưới đất chẳng thua kém ở Việt Nam.
Tàu điện ngầm (U-Bahn) ở Đức |
Xem chỉ tay, tướng số chính hiệu "Made in Germany" đây. Mại dzô |
Đi chợ trời bằng vé Wochenende Ticket (WT) - Vé cuối tuần cũng sướng, giá rẻ không ngờ. Tuy Đức có nhiều hãng kinh doanh vận tải cạnh tranh nhau nhưng họ có mối liên kết chặt chẽ phục vụ người tiêu dùng. Hành khách đi từ điểm A có nhu cầu ghé lại điểm B rồi mới đi đến điểm C, thì chỉ phải mua một lần vé sử dụng cho cả đoạn đường AC, được sử dụng từ hai phương tiện giao thông khác nhau của hai hãng khác nhau trở lên.
Luật pháp Đức cũng có quy định chặt chẽ bảo vệ người tiêu dùng và các công ty nhỏ. Tại các cửa hiệu, người bán hàng phải chịu trách nhiệm bảo hành các loại hàng tiêu dùng trong thời gian tối thiểu 6 tháng (nhưng hầu hết bảo hành trên một năm để cạnh tranh). Khách hàng dù mua ở bất kỳ thành phố nào thì cả hệ thống cửa hiệu đó trên toàn liên bang vẫn phải có trách nhiệm bảo hành. Mua hàng xong, trong một tuần lễ (nhiều cửa hàng cho phép trong một tháng), khách hàng có thể đổi lại hoặc hoàn trả hàng, nhận lại tiền. Nếu không có hàng ưng ý để đổi, cửa hàng sẽ cấp một hảo phiếu trị giá tương đương để khách hàng có thể thanh toán trong những lần sau. Dĩ nhiên, khi mua hàng ở Flohmarkt thì không có "Quyền hậu mãi"). Đó cũng là điểm khác biệt.
Những năm đầu mở cửa, nhiều người Việt ra nước ngoài thường thắc mắc, giá hàng hoá ở ngoại quốc luôn có con số lẻ, đại loại 1,99 USD, 3,98 USD ... , còn ghi hẳn giá trị thuế VAT như lời nhắc "nghĩa vụ người mua" đóng cho Nhà nước, chứ không bỏ tiền vào túi người bán. Có người cho rằng, đó là cách mà người bán muốn tạo tâm lý giá cả thấp hơn giá trị thực mà người mua phải trả (cảm giác chỉ hơn 1 hoặc 3 USD). Nhưng cũng có người giải thích, đó là cách để họ duy trì tiền xu trong quan hệ thanh toán. Dân bán hàng cũng không quên dùng chiêu này, nhưng không cần ghi rõ trị giá VAT. Ở các nước phương Tây, đồng bạc cắc không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày. Người ta thường dùng thẻ tín dụng, nhưng không quên phòng thân tiền bạc cắc để mua nước uống, mua vé tàu từ các máy tự động khi cần ở bất kỳ nơi công cộng nào. Không như ta, tiền xu ra đời chỉ tội cho người dùng, nhất là trẻ em. Đã có một đề tài nghiên cứu khoa học về “Hiện tượng tiền với nguy cơ ung thư vòm cổ họng ở trẻ con” do lỡ nuốt đồng xu, nhiều trường hợp đi cấp cứu. Mười năm trước, một lần đến Dortmund – nơi có nhà bảo tàng bia nổi tiếng “5.000 năm văn hoá bia Đức” – tôi được thăm một ngôi chùa nhỏ. Nhiều Việt kiều tranh thủ dịp cuối tuần, ngày rằm thường đến làm công quả, làm từ thiện. Tấm biển gần cửa ra vào chùa khuyên: “Tăng ni, phận tử có lòng hảo tâm cúng dườn, xin vui lòng chuyển khoản qua tài khoản Nhà chùa số ...hoặc liên hệ địa chỉ e-mail: ...@yahoo.com.de”. Thời hội nhập, nhà sư cũng cần hộp thư điện tử, nhà chùa cũng cần mở tài khoản ngân hàng! Nước Đức có những tập đoàn kinh doanh tầm cỡ quốc tế như Mercedes Benz, Bayer AG, Siemens ...với cung các quản lý kinh doanh hiện đại, góp phần tạo dựng tư cách trụ cột của họ trong WTO. Nhưng nước Đức cũng có hệ thống Flohmarkt – thị trường phục vụ người tiêu dùng thu nhập thấp không kém phần béo bở cho các doanh nghiệp nếu biết khai thác. Nước Đức có những ngân hàng nổi tiếng như Deutsche Bank, Ngân hàng tái thiết Đức, Postbank ..., hầu hết người dân đều mở tài khoản, có thẻ tín dụng, nhưng họ vẫn phải dùng tiền bạc cắc, nhà chùa cũng cần tài khoản để giao dịch. Vậy mới biết, ta tham gia hội nhập, không chỉ lo cạnh tranh ở “sân chới lớn”, mà còn phải biết học người ta từ việc đi lại, xài tiền ... đến kinh doanh, phải tận dụng cả “sân nhỏ” miễn sao mang lại hiệu quả cao!.
Nhận xét
Đăng nhận xét