Trần Hữu Hiệp
Bài trên báo ĐẠI ĐOÀN KẾT ngày 14-9-2011Đảo ngọc Phú Quốc |
Đất Chín Rồng chuẩn bị cuộc chơi chung
Đề án Phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020 được Bộ VHTTDL phê duyệt, xác định mục tiêu biến vùng sông nước Tây Nam bộ – cửa ngõ ra biển Đông của dòng Mê Kông huyền thoại thành điểm đến sôi động, hấp dẫn với những sản phẩm đặc thù, mở ra khả năng kết nối nội vùng, liên vùng, liên quốc gia và quốc tế để trở thành một trong những trung tâm du lịch trên nền sông nước, biển đảo độc đáo, quy mô lớn của quốc gia và thế giới. Tầm nhìn chiến lược đã vạch rõ vị thế du lịch đồng bằng, nhưng để vào cuộc chơi chung, Đất Chín Rồng phải tìm ra cách làm và bước đi phù hợp.
Với đặc thù miệt vườn sông nước, hệ thống kênh rạch dài hơn 28.000km, là vùng duy nhất trong nước vừa giáp biển Đông, vừa giáp biển Tây với bờ biển dài hơn 750km, có các đảo nổi tiếng như Phú Quốc, Mũi Cà Mau và hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển độc đáo..., ĐBSCL là vùng đất giàu tiềm năng du lịch, không chỉ về vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là kho tàng văn hóa giàu bản sắc, có thể khai thác phát triển nhiều loại hình, từ du lịch sinh thái miệt vườn, cảnh quan sông nước, môi trường, bảo tồn thiên nhiên, du lịch nghiên cứu – nghỉ dưỡng, văn hóa, lễ hội - làng nghề truyền thống... đến du lịch biển đảo chất lượng cao và kết nối tour, tuyến với TP.HCM, các vùng, miền trong nước, hợp tác quốc tế với các nước tiểu vùng sông Mê Kông. Một không gian du lịch đặc thù với sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng và TP.HCM không chỉ cho ĐBSCL, mà còn cho TP. Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ, với vùng khác và là cơ sở tạo ra sức mạnh để tăng cường hợp tác du lịch trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, hướng đến một thị trường chung trong ASEAN.
Sông nước miền Tây. Ảnh hiepcantho |
Dòng Mê Kông – kết nối không gian du lịch
Chảy qua 6 nước, dòng Mê Kông mang theo những giá trị kinh tế, lịch sử, văn hóa, thiên nhiên... nhiều màu sắc. Sự kỳ vĩ của đất nước Chùa Tháp, nét hoang sơ của mảnh đất Triệu Voi, sự bí ẩn của xứ sở những ngôi đền cổ tích Myanmar và một dãy đồng bằng của Đất Chín Rồng với nền "văn minh sông nước, miệt vườn” lại có núi non, biển đảo tạo nên sự đa dạng, hấp dẫn, giàu sắc thái cho những tour du lịch "Bốn quốc gia – một điểm đến”. Theo Hội đồng Lữ hành & Du lịch thế giới, doanh thu dịch vụ du lịch các nước tiểu vùng sông Mê Kông năm 2010 đạt hơn 22,1 tỉ USD. Con số này chắc chắn sẽ được tăng cao hơn nữa nếu các nước trong khu vực sông Mê Kông tăng cường liên kết, khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch của mỗi nước, đồng thời tạo ra không gian du lịch sống động hơn với nhiều "sản phẩm dùng chung” như "Con đường di sản Mê Kông”, "Con đường tơ lụa” trên Vịnh Thái Lan, "Tam giác du lịch”. Thương hiệu "Du lịch Mê Kông” hình thành như một điểm hấp dẫn trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới. Hợp tác trong tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng không chỉ có ý nghĩa trong việc tiếp thị điểm đến, kết nối sản phẩm, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ trực tiếp dòng sông, yếu tố chính khởi tạo nên cả vùng.
Nhận xét
Đăng nhận xét