Trần Hữu Hiệp
Đường 30 tháng 4, TPCT |
Điểm sáng trên bản đồ phát triển vùng
6 năm qua, Cần Thơ đã thực sự vươn lên với tốc độ tăng GDP bình quân cao nhất vùng, 15,24%/năm và đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Hội, TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ). Chất lượng tăng trưởng ngày càng cao, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố tăng từ 8.546 tỉ đồng (giá so sánh 1994) năm 2005, xếp thứ 3 trong vùng lên 17.290 tỉ đồng năm 2010, xếp thứ 2 trong vùng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ vị trí thứ 2 (sau An Giang) chỉ đạt 7.350 tỉ đồng năm 2005 lên thứ 1 trong nhiều năm liền, đạt 26.282 tỉ đồng năm 2010, tăng hơn 3,5 lần.
Giữ vai trò quan trọng trong “Tứ giác động lực” – vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, từ năm 2005 đến nay, thành phố luôn giữ vững vị trí dẫn đầu về giá trị sản xuất ngành công nghiệp, năm 2010 đạt 19.286 tỉ đồng, góp 15,6% tổng giá trị công nghiệp toàn vùng. Là nơi tập trung đông doanh nghiệp nhất vùng, riêng lĩnh vực công nghiệp có hơn 7.800 cơ sở đang hoạt động, thu hút hơn 73.700 lao động tập trung. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tăng từ gần 10.500 tỉ đồng (giá thực tế) năm 2005 lên 32.200 tỉ đồng năm 2010, chiếm 11,4% tổng giá trị bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn vùng. Đặc biệt, hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố hoạt động sôi động nhất vùng, hiện có 49 tổ chức tín dụng hoạt động với mạng lưới 213 điểm giao dịch, 47 chi nhánh các ngân hàng. Đến cuối năm 2010, tổng vốn huy động trên địa bàn đạt gần 25.400 tỉ đồng, tổng dư nợ cho vay đạt gần 36.900 tỉ đồng, đứng đầu khu vực.
Một góc Cần Thơ |
Cần thêm sự nỗ lực
Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển, thành phố vẫn còn nhiều hạn chế. Cơ sở hạ tầng KT-XH còn yếu và thiếu đồng bộ. Ngành công nghiệp chế biến chiếm hơn 98% trong cơ cấu công nghiệp thành phố. Tăng trưởng công nghiệp của thành phố trong các năm qua chủ yếu là các ngành có trình độ công nghệ thấp, các ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo; công nghệ sinh học và công nghệ cao chưa phát triển. Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thành phố chỉ xếp thứ 4 trong vùng (thấp xa Long An, thua kém Kiên Giang, Cà Mau). Hiện mới có 51 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 756 triệu USD, vốn bình quân thấp 14,8 triệu USD/dự án. Chưa thu hút được nhiều dự án FDI chỉ ảnh hưởng phần nào tăng trưởng kinh tế trước mắt, nhưng sai lầm về chiến lược đầu tư, đưa các dự án vào vùng đất nhạy cảm về môi trường, thì cái giá phải trả không thể tính nổi.
Trên đường đến vị trí trung tâm thật sự của ĐBSCL, Cần Thơ còn phải nỗ lực phấn đấu về nhiều mặt. Nhiều công trình đầu tư cấp vùng trên địa bàn thành phố hoàn thành như cầu Cần Thơ, sân bay quốc tế Cần Thơ, cảng Cái Cui, Trung tâm điện lực Ô Môn, sắp tới đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ (đoạn nối Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ)... đã mở ra nhiều triển vọng mới để Cần Thơ vững bước trên đường đến vị trí Tây Đô. Để đủ sức lan tỏa, chi phối cả vùng, Cần Thơ rất cần thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, sự hỗ trợ mạnh mẽ của Trung ương và sự liên kết vùng với các chuỗi giá trị mà thành phố là hạt nhân cùng nguồn lực nội sinh để Cần Thơ vượt lên chính mình.
Nhận xét
Đăng nhận xét