Hữu Hiệp
Ngày 02-3-2013, tại “Vương quốc cá
tra” An Giang đã diễn ra đại hội thành lập Hiệp hội cá tra Việt Nam. Đó là kết
quả “thai nghén” gần 5 năm của
người nuôi, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu sản phẩm chủ lực vùng sông
nước Cửu Long đã vươn tầm ra hơn 136 quốc gia và vùng lãnh thổ trên
thế giới.
Vũ điệu người nuôi cá |
Việc ra đời Hiệp hội, mở ra nhiều kỳ vọng đưa cá tra trở
lại bầy đàn, tăng cường liên kết, hoàn hiện chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực
vùng. Song, Hiệp hội cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Theo các chuyên gia trong ngành, thời gian qua
đã có khoảng 50% doanh nghiệp cá tra “chết đứng”, hàng loạt người nuôi “treo ao”. Hiệu ứng “cá tra đô-mi-nô” nợ nần dây dưa, luẩn
quẩn. Người nuôi – doanh nghiệp thiếu liên kết, “mạnh ai nấy làm”; ngành cá tra lao đao, bất ổn, thiếu bền vững. Trong
bối cảnh nhiều Hiệp hội hoạt động “hành chính hoá”, sơ cứng, kém hiệu quả, là
“cõi đi về” của nhiều quan chức sau nghỉ hưu, đặt ra cho Hiệp hội cá tra Việt Nam yêu cầu về năng lực tổ chức tập hợp, liên kết để thực sự là đại diện xứng đáng, hài hoà lợi ích giữa người nuôi –
chế biến – xuất khẩu. Làm sao để con
cá tra không bị “chặt thành nhiều khúc”? Làm sao để những người “cùng hội, cùng
thuyền” không còn “chọt” nhau trên sân nhà lẫn sân khách, tự tạo ra thế bất lợi
mặc dù luôn nắm lợi thế của một “quốc gia độc quyền” cung ứng sản phẩm cá tra
trên thị trường thế giới? Là những câu hỏi lớn đang đặt ra.
Một Hiệp hội ngành nghề như Hiệp hội cá tra ra
đời không phải là “cây đũa thần” để xoay chuyển tình hình. Nhiều vấn đề khó
đang đặt ra “vượt tầm” của một hiệp hội như yêu cầu về qui hoạch vùng nuôi,
tiêu chuẩn hoá nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu, “tái cấu trúc” ngành kinh tế
cá tra để không quá phụ thuộc vào mức 75-80% giá thành do thức ăn quyết định,
trong khi cũng ngần ấy tỉ lệ nguyên liệu đầu vào (thức ăn, thuốc thuỷ sản) từ
nguồn nhập khẩu do các doanh nghiệp nước ngoài “nắm cán”. Ngoài những nỗ lực
“giải cứu cá tra” bằng các giải pháp tình thế như cung cấp gói tín dụng, ổn
định đầu ra xuất khẩu … Thủ tướng đã yêu cầu BCĐ Tây Nam Bộ chủ trì, phối hợp
đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển sản xuất, tiêu thụ cá tra theo
hướng ổn định và bền vững. Trong đó, một trong những yêu cầu trước tiên là tăng
cường liên kết vùng theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực.
Hãy đưa cá tra trở lại bầy đàn, liên kết chuỗi
giá trị cá tra thành những quân cờ đô-mi-nô trong cuộc chơi mới thay cho những
hệ luỵ nợ nần. Dù không phải là tất cả, nhưng Hiệp hội cá tra đang được kỳ vọng
kết nối những mắc xích đó. Từ kỳ vọng, hãy hỗ trợ, tiếp sức để con cá đặc hữu
của vùng sông nước Mê Kông vượt lên, tạo ra kỳ tích mới.
Nhận xét
Đăng nhận xét