(DĐDN) Chỉ số PCI vừa được VCCI công bố cho thấy, không chỉ có Đồng Tháp và An Giang đứng đầu bảng xếp hạng mà các tỉnh khác của ĐBSCL cũng chiếm tới 9/17 tỉnh ở nhóm tốt đồng thời không có tỉnh nào trong khu vực có điểm số dưới mức khá.
Các địa phương hãy xem vai trò vị trí của DN, nhà đầu tư như một nhà tư vấn cho chính quyền chứ không phải là đối tượng để quản lý.
Hiện vùng ĐBSCL có 3 tỉnh trong Top 5 của PCI năm 2012, còn nếu tính trong Top 10 PCI thì vùng ĐBSCL có 6 tỉnh. Điều này cho thấy, chính quyền các tỉnh khu vực ĐBSCL đã có những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi rất tốt cho các nhà đầu tư.
Lãnh đạo tỉnh biết chia sẻ cùng DN
Theo ông Edmund Malesky - Trưởng nhóm Tư vấn năng lực cạnh tranh VN cho biết, các vị lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL không chỉ năng động, quan tâm đến những khó khăn, vướng mắc của từng DN, hiệp hội DN, các tỉnh khu vực này còn nắm chắc đường lối phát triển của các tỉnh lân cận nên họ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm cải thiện năng lực điều hành.
Nếu so sánh với các địa phương phía Bắc thì ngay cả tỉnh lân cận có những chính sách, động thái gì hỗ trợ cho DN họ cũng không biết và ít quan tâm. Các tỉnh ĐBSCL có mức độ rất đồng đều cũng như sự liên kết vùng cùng phát triển đã tạo cho khu vực có sự bứt phá ấn tượng.
Ông Lê Minh Hoan - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong những năm qua, các tỉnh ĐBSCL đã tổ chức khá nhiều các hội nghị liên kết, hợp tác luân phiên dưới sự lãnh đạo của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ. Chính qua những hội nghị này, chúng tôi thấy rằng sự cần thiết của tính liên kết là rất cao. Từ đó, mỗi địa phương đều có những nỗ lực trong liên kết vùng.
Chia sẻ kinh nghiệm khi đã vươn lên vị trí quán quân, theo ông Hoan, điểm mạnh nhất của Đồng Tháp chính là yếu tố năng động của chính quyền, cũng như việc định vị và ứng xử đối với đối với DN.
Vị lãnh đạo này chia sẻ, các địa phương hãy xem vai trò vị trí của DN, nhà đầu tư như một nhà tư vấn cho chính quyền chứ không phải là đối tượng để quản lý. Khẩu hiệu của Đồng Tháp là “đồng hành cùng DN” - sự đồng hành từ tư duy quản lý, đến kinh tế thị trường.
Còn dư địa cho cải thiện PCI
Các địa phương hãy xem vai trò vị trí của DN, nhà đầu tư như một nhà tư vấn cho chính quyền chứ không phải là đối tượng để quản lý.
|
Theo ông GSTS Edmund Malesky cho rằng, mặc dù các địa phương khu vực ĐBSCL có sự cải thiện năng lực cạnh tranh tương đối đồng đều, tuy nhiên, thực tế, khu vực này thu hút dòng vốn FDI còn hạn chế. Nguyên nhân cơ bản là nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật còn yếu, chi phí vận chuyển và đầu tư lớn…
GS TS Edmund Malesky cũng khuyến nghị, để tăng chất lượng nguồn nhân lực, khu công nghiệp… sự nỗ lực trong điều hành kinh tế cấp tỉnh chưa đủ mà còn cần ở cấp cao hơn là cấp khu vực và trung ương. Bên cạnh đó không nên chỉ cải thiện môi trường đầu tư dành cho những DN đang hoạt động trên địa bàn mà còn cần hướng tới những DN sắp đến đầu tư tại địa phương. Trong đó, các địa phương không nên bỏ qua các nhà đầu tư trong nước.
Ông Dương Quốc Xuân - Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ thừa nhận ĐBSCL vẫn tồn tại nhiều yếu điểm, điển hình là nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, kinh tế mới chỉ phát triển theo chiều rộng, khai thác theo tiềm năng vốn có, tầm nhìn chiến lược và chỉ đạo phát triển đối với vùng còn nhiều lúng túng, nên vùng ĐBSCL vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, ông Dương Quốc Xuân cho rằng, cùng với khó khăn, thách thức thì đây cũng là dư địa để các tỉnh khu vực ĐBSCL phát triển.
Bá Tú (Báo DĐDN)
Nhận xét
Đăng nhận xét