Hữu Hiệp
Ngày 8-3, tại Phú Quốc (PQ), lãnh đạo BCĐ Tây Nam Bộ, các Bộ: Xây dựng,
Nội vụ, Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch-Đầu tư và tỉnh Kiên Giang đã
họp chuẩn bị đề án nâng cấp đô thị, thành lập thành phố PQ trực thuộc tỉnh Kiên
Giang. PQ đã được Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là đảo lớn nhất nước, đang
đứng trước cơ hội trở thành thành phố đảo đầu tiên của cả nước.
Đảo ngọc PQ có diện tích tương đương quốc đảo Singapore, điều kiện tự
nhiên không hề thua kém các đảo du lịch nổi tiếng như Bali (Indonesia), JeJu
(Hàn Quốc), Phukhet (Thái Lan) ... Nhưng tại sao PQ chưa giàu? Lời đáp chính là
tương lai của PQ, là vai trò của nó trong mối quan hệ với quốc gia, khu vực và
quốc tế được phát huy như thế nào. PQ đã được “định dạng” tại Quyết định số
633/QĐ-TTg ngày 11-5-2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt qui hoạch chung xây
dựng đến năm 2030 để trở thành “khu kinh tế - hành chính đặc biệt” vào năm 2020.
Yêu cầu phát triển đảo theo hướng “bền vững, hài hoà giữa kinh tế với bảo tồn
di tích lịch sử, văn hoá và môi trường; đảm bảo an ninh quốc phòng vùng và quốc
gia”. Đảo ngọc này được giao 3 nhiệm vụ “trung tâm”: du lịch, dịch vụ cao cấp;
khoa học công nghệ chuyên ngành; trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học rừng và
biển của quốc gia và Đông Nam Á.
Để làm rõ “đặc trưng của thành phố đảo”, ngày 7-3 vừa qua, Tổ chức tư vấn
quốc tế của Nhật Nikken Sekkei Civil Engineering cũng đã trình đề án qui hoạch
phân khu đô thị Dương Đông và An Thới. Đây là 2 “phần lõi” tạo ra “điểm nhấn”
của đô thị PQ “năng động và khác biệt”. Đó là một thành phố du lịch biển đảo, cảnh
quan núi rừng, bờ biển đẹp cùng dòng sông Dương Đông uốn lượn. Một hồ nhân tạo
lớn gấp đôi hồ Gươm của Hà Nội được đề xuất xây dựng với 2 chức năng chính là
tạo cảnh quan và điều tiết nước. Trục đường Đông Tây hình thành trên đường băng
sân bay Phú Quốc cũ là “điểm nhấn” của đô thị Dương Đông, chính là “trục hoàng
hôn” lý thú cho du khách. Điểm khác biệt của An Thới theo đề xuất của nhóm tư
vấn Nhật là đặc trưng của một “đô thị đẳng cấp quốc tế, công viên chuyên đề
biển đảo” với các công trình văn hoá, nghệ thuật, vườn thú, vườn thực vật, thuỷ
cung; các di tích lịch sử, tâm linh được đầu tư tôn tạo như nhà tù Phú Quốc,
nghĩa trang, chùa chiền, tạo ra nét “mềm mại” đặc thù so với nét “rắn rỏi” của
trung tâm hành chính Dương Đông.
Thành phố đảo
đầu tiên của cả nước được định dạng, nhưng để trở thành thành phố PQ vào năm
2015, đặc khu hành chính – kinh tế vào năm 2020, đảo ngọc này rất cần tăng tốc
bằng cơ chế đặc thù, mà 3 ''nút thắt''
trước mắt cần được tháo gỡ chính là cơ chế tài chính, đầu tư; quy hoạch - cơ sở
hạ tầng và tổ chức, bộ máy phát triển đảo.
Nhận xét
Đăng nhận xét